Sau bài báo “Xây dựng công trình gây ảnh hưởng nhà dân”: Cơ quan quản lý cần vào cuộc
Các văn bản chỉ đạo liên quan đến việc khiếu nại của người dân. Ảnh: M.T.P
Trước hết xin khẳng định việc thi công xây dựng chi nhánh NHNN-PTNT tại Tân Uyên là hợp pháp, được sự chấp thuận của các ngành chức năng. Tuy nhiên, trong quá trình thi công đã gây chấn động khiến nhà ở của 6 hộ dân liền kề bị nứt tường, sụt lún, xuống cấp… gây mất an toàn. Sự cố này là ngoài ý muốn, đã được các bên thừa nhận và có động thái thương lượng với nhau; song việc thương lượng đền bù giữa người dân và chủ đầu tư là quan hệ dân sự. Và nếu như các bên không tìm được tiếng nói chung thì cần phải đưa nhau ra tòa nhờ giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại và báo Bình Dương không đề cập vấn đề này. Ở đây, báo chỉ nêu một vấn đề là trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng đối với việc thi công xây dựng, khi có dấu hiệu mất an toàn, làm cộng đồng dân cư lo lắng, bất an.
Thế nhưng, người dân vẫn tiếp tục khiếu nại, chính quyền địa phương đã có một số văn bản kết luận đối với việc xây dựng này nhưng chủ đầu tư vẫn tiến hành thi công. Người dân bức xúc cho biết họ đã gửi đơn nhiều nơi nhưng vẫn chưa được giải quyết cụ thể. Riêng Huyện ủy Tân Uyên cũng đã có chỉ đạo bằng văn bản. Cụ thể, vào ngày 6-3-2014, Huyện ủy đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên: “Giao Chủ tịch UBND huyện xem xét, trực tiếp chỉ đạo các ngành chức năng huyện tiến hành xác minh, giải quyết đơn của 6 hộ theo quy định của pháp luật. Tuyệt đối không để công trình thi công không bảo đảm an toàn về nhà cửa, tính mạng của người dân. Đề nghị có văn bản báo cáo kết quả giải quyết về thường trực Huyện ủy”. Tiếp theo đó, ngày 7-3-2014, HĐND huyện Tân Uyên cũng đã có công văn gửi UBND huyện Tân Uyên: “Kiến nghị xem xét giải quyết việc NHNN-PTNT huyện Tân Uyên thi công xây dựng trụ sở gây lún, nứt tường nhà của các hộ xung quanh”.
Thực tế là vậy nhưng sau khi báo Bình Dương lên tiếng phản ánh, lẽ ra đơn vị chủ đầu tư cần thiện chí xem xét vấn đề, đằng này lại có công văn cho rằng: Báo đăng thông tin sai sự thật. Về phía chính quyền, qua trao đổi cùng P.V một cán bộ cũng cho rằng báo viết như vậy là chưa hợp lý; bởi vì phía ngân hàng cũng đã có thương lượng với người dân nhưng chưa đạt kết quả!? Qua xác minh, P.V ghi nhận phía ngân hàng cũng đã nhiều lần thương lượng với người dân. Tuy nhiên, như đã nêu trên, đây là quan hệ dân sự và việc đền bù thiệt hại là một vấn đề khác. Điều muốn nói ở đây là cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc và có kết luận cụ thể về sự cố này. Thông thường, khi xây dựng xảy ra sự cố thì cơ quan quản lý xây dựng trước hết phải kiểm tra, đình chỉ thi công để tìm nguyên nhân. Nếu nhẹ thì tiếp tục cho thi công cùng với việc giải quyết hậu quả, còn nặng hơn thì phải có giải pháp khác để xử lý.
Công bằng mà nói, sự cố nêu trên là ngoài ý muốn của các bên. Do đó, rất cần cơ quan chức năng quản lý có thẩm quyền kết luận cụ thể. Văn bản kết luận này sẽ tạo thuận lợi cho cả phía chủ đầu tư; bởi sự cố gây ra không đáng kể thì tiếp tục cho thi công công trình, bảo đảm tiến độ. Riêng việc đền bù thiệt hại cũng có thể phải ra tòa án giải quyết. Người dân cũng không thể do thương lượng đền bù chưa ngã ngũ mà họ có quyền yêu cầu chủ đầu tư phải ngưng việc thi công. Thiết nghĩ, để giải quyết sự việc này căn cơ, bài bản rất cần kết luận rõ ràng từ cấp có thẩm quyền: việc thi công xây dựng công trình này có an toàn?
KIẾN GIANG