Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X): Nông thôn Bình Dương đã có diện mạo mới
5 năm trở về trước, khó ai có thể hình dung ra một Hiếu Liêm (Tân Uyên) lại phát triển như ngày hôm nay. Hiếu Liêm giờ đây có đầy đủ công trình hạ tầng thiết yếu, như: Đường sá, trường học, trạm y tế... Tất cả đều đâu ra đó, thậm chí cơ sở khám chữa bệnh cũng đầy đủ máy móc thiết bị, còn trường Tiểu học Hiếu Liêm khang trang đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới. Xa hơn nữa, Hiếu Liêm đang dần trở thành “vương quốc” cây ăn trái có múi, người dân hướng đến sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap.
Thực hiện Nghị quyết 7 giúp người dân nông thôn trong tỉnh năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế. Trong ảnh: Phòng thí nghiệm, nhân giống nấm linh chi của ông Trần Minh Khải, xã Minh Thạnh, huyện Dầu Tiếng
Không chỉ có Hiếu Liêm, các xã Minh Hòa (Dầu Tiếng), Tam Lập (Phú Giáo)… cũng là những điển hình trong thực hiện Nghị quyết 7. Ở đây, người dân tìm tòi hướng làm giàu từ đất bằng trí tuệ chứ không bằng sức lực. Nhờ thế, những vườn lan, vườn bưởi bạc tỷ, những trại nấm, luống cà mang lại giá trị tính bằng vàng liên tục xuất hiện; đi theo đó là những ngôi biệt thự khang trang, lộng lẫy đua nhau mọc lên… Thế mới biết, công cuộc vì nông nghiệp, nông dân, nông thôn 5 năm qua đã có sức tác động lớn đến nhường nào.
Những quyết sách đi vào cuộc sống
5 năm qua, tốc độ tăng trưởng bình quân nông - lâm - ngư nghiệp của tỉnh đạt 4%/năm; trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao với 991 ha. Tỉnh đã đầu tư làm 5.777 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài 3.646km. Tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa đường huyện đạt 83,55%.
Trong 5 năm qua, những quyết sách lớn như chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại; chính sách giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản; chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị… cho đến các đề án cụ thể như đề án ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học; đề án nâng cao năng lực, nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 2011-2020; chương trình chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao… đã được triển khai thực hiện sâu rộng, hiệu quả đến nông thôn. Kết quả dễ nhận thấy nhất đó là, việc chuyển giao những thành tựu khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp không ngừng được duy trì với nhiều mô hình nông nghiệp kỹ thuật cao hình thành, điển hình như: Vùng sản xuất rau an toàn ở xã Tân Định, thị trấn Uyên Hưng (Tân Uyên), dự án trồng rau an toàn tiêu chuẩn VietGap tại phường An Thạnh và Bình Chuẩn (TX.Thuận An), dự án xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây bưởi theo hướng VietGap tại xã Hiếu Liêm (Tân Uyên)…
Điều đáng ghi nhận nữa là, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, 5 năm qua, các địa phương thực hiện bằng quan điểm xây dựng vì người dân chứ không phải làm cho bằng được các tiêu chí, không phải làm để Trung ương khen, tỉnh khen đã nhanh chóng giúp diện mạo nông thôn thay đổi không ngừng. Người dân biết tự giác vì bản thân gia đình, lãnh đạo huyện, xã biết phát huy nguồn lực nội tại của người dân.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, các xã còn quan tâm xây dựng nếp sống văn hóa. Theo đó, đã vận động các gia đình thực hiện nếp sống văn hóa, làm hàng rào, cây xanh, phát quang bụi rậm hai bên đường, xây dựng lối sống văn minh, lịch sự, xây dựng các câu lạc bộ văn hóa, gia đình hiếu học, tổ hợp tác sản xuất... Từ đó từng bước nâng cao nhận thức của người dân trong việc xây dựng nông thôn mới.
Kết quả nổi bật sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 7 là, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được nâng lên, với mức thu nhập đạt 22,5 triệu đồng/năm, tăng 1,6 lần so với năm 2008; hệ thống an sinh xã hội được quan tâm đúng mức; bên cạnh đó, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ngày càng đi vào chiều sâu... Thành quả đạt được trong 5 năm qua là điều kiện, tiền đề xây dựng nông thôn giai đoạn mới, giàu đẹp, văn minh và bền vững hơn.
Chủ tịch UBND xã Hiếu Liêm (Tân Uyên) Nguyễn Thanh Lâm cho biết, hiện nay, trên địa bàn xã có 35 trang trại, trong đó có 9 trang trại chăn nuôi, 26 trang trại trồng cây lâu năm và cây ăn trái. Trong đó, cây ăn trái có trên 400 ha, chủ lực là bưởi da xanh, quýt đường, cam sành. Để phát triển tiềm năng lợi thế này, Đảng bộ xã đã có chủ trương khuyến khích phát triển cây ăn trái theo hướng VietGap.
HÒA NHÂN