Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII (2005-2010): Kinh tế Bình Dương tiếp tục khởi sắc
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII (2005-2010), nền kinh tế tỉnh tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng: tăng tỷ trọng dịch vụ, ổn định tỷ trọng công nghiệp và giảm tỷ trọng nông nghiệp. Thu hút đầu tư vượt chỉ tiêu đề ra, kết cấu hạ tầng được nhiều thành phần kinh tế đầu tư theo hướng hiện đại...
Sản phẩm công nghiệp tỉnh gia tăng nhanh về hàm lượng công nghệ lẫn khả năng cạnh tranh
Công nghiệp tăng nhanhTrong giai đoạn 2005-2010, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng bình quân 19,7% hàng năm, đạt gấp 2 lần năm 2005. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước chiếm 36%, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 64%. Công nghiệp tiếp tục phát triển ổn định ở vùng phía nam và từng bước chuyển dịch lên vùng phía bắc tỉnh. Tính riêng 2 năm (2008-2009), tuy gặp nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, nhất là các ngành chủ lực như: dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử... nhưng sản xuất công nghiệp vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, là động lực thúc đẩy các ngành và lĩnh vực khác của tỉnh. Để có kết quả này, từ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, nhiều giải pháp đã đi vào thực tế. Cụ thể các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển công nghiệp, phát triển các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp... đã tạo được những chuyển biến tích cực về thu hút đầu tư, mở ra các ngành, sản phẩm mới, nâng cao trình độ công nghệ, tăng kim ngạch xuất khẩu và tăng nguồn thu ngân sách. Các nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống được quan tâm, hỗ trợ phát triển ổn định.
Bên cạnh đó, lấy yếu tố phát triển công nghiệp bền vững làm nền tảng như nghị quyết đề ra, Bình Dương đã chú trọng phát triển tốt các KCN làm đòn bẩy. Đến nay, ngoài 15 KCN được xây dựng trước đây, tỉnh đã phát triển thêm 13 KCN mới, nâng số lượng các KCN hiện nay lên 28 khu với tổng diện tích lên đến 8.751 ha (gấp 2,7 lần năm 2005). Hiện có 24 KCN đã đi vào hoạt động với trên 1.200 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động sản xuất, kinh doanh (gấp 1,8 lần năm 2005), tỷ lệ cho thuê đất bình quân đạt 60%. Cùng với các KCN, tỉnh đã hình thành 9 cụm công nghiệp (tổng diện tích trên 650 ha); trong đó 3 cụm đã lấp kín diện tích, 5 cụm đang tiếp tục đền bù giải tỏa. Tiếp tục phát triển đúng định hướng cho những năm tới, hiện tỉnh đã tiến hành điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển các KCN đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Riêng Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương đã hoàn thành cơ bản công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình tạo lực và các khu tái định cư theo quy hoạch, 6 KCN trong Khu liên hợp đã đi vào hoạt động và đang thu hút các dự án đầu tư.
Dịch vụ, thương mại, xuất nhập khẩu khởi sắc
Chương trình phát triển dịch vụ giai đoạn 2006-2010 của tỉnh đã thúc đẩy phát triển dịch vụ đa dạng với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. GDP dịch vụ tăng bình quân 23,6% hàng năm, vượt khá so với nghị quyết đề ra (nghị quyết tăng 18% - 20%/năm). Các chương trình: phát triển thương mại điện tử, nâng cao năng lực cạnh tranh; vận động “người Việt dùng hàng Việt Nam”, “đưa hàng Việt về nông thôn”... được thực hiện có hiệu quả, nhất là trong giai đoạn các DN bị ảnh hưởng do suy giảm kinh tế thế giới vừa qua. Các ngành dịch vụ như: cấp điện, cấp nước, viễn thông, vận tải, du lịch, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin, dạy nghề và giới thiệu việc làm... phát triển đa dạng với nhiều thành phần kinh tế tham gia, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 32,3% hàng năm; tăng gấp 4 lần năm 2005. Nhiều siêu thị, trung tâm thương mại quy mô lớn và chợ nông thôn được các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng đi vào hoạt động góp phần thúc đẩy thương mại phát triển.
Nổi bật trong giai đoạn 2005-2010, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng bình quân 22,4% hàng năm, năm 2010 có thể đạt 8,4 tỷ USD, gấp 2,75 lần năm 2005. Các mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn là: sản phẩm gỗ, giày da, dệt may, sản phẩm cao su, hàng thủ công mỹ nghệ, điện - điện tử. Thị trường xuất khẩu của Bình Dương không ngừng mở rộng, đến nay đã xuất khẩu sang 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 30 quốc gia, vùng lãnh thổ so với 5 năm trước. Ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho các DN mở rộng thị trường xuất khẩu, tỉnh đã triển khai chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN phát triển thị trường. Qua đó đã xây dựng được thương hiệu Bình Dương với nhiều DN, tập đoàn lớn trong khu vực và nhiều quốc gia trên thế giới. Từ đó dẫn đến việc góp phần thu hút đầu tư, liên doanh, liên kết giữa các DN nước ngoài và DN trên địa bàn tỉnh. Cùng kết quả xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu cũng tăng bình quân 21,1% hàng năm, năm 2010 đạt 7,2 tỷ USD, gấp 2,6 lần năm 2005. Hàng nhập khẩu chủ yếu là vật tư, nguyên liệu, máy móc thiết bị nhằm phục vụ xây dựng các dự án, đổi mới công nghệ của các DN...
Có thể nói, việc đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh vào thực tiễn, kinh tế của Bình Dương tiếp tục thăng hoa. Với những kết quả ấn tượng trên đã tạo ra một sức sống mới của một tỉnh công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thành công đó là kết tinh của sự quyết tâm cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có tính chủ động và sáng tạo của cộng đồng các DN trên địa bàn đã đưa nền kinh tế tỉnh vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
TRỊNH BÌNH
Trong giai đoạn 2005-2010, tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng bình quân 13,6% hàng năm (nghị quyết là 15%/năm). Cơ cấu kinh tế của tỉnh hiện nay là công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp với tỷ trọng tương ứng: 63% - 32,6% và 4,45 (nghị quyết là 65,5% - 30% và 4,5%); so với năm 2005, dịch vụ tăng 4,5%, công nghiệp giảm 0,5% và nông nghiệp giảm 4%; GDP bình quân đầu người đạt 27,4 triệu đồng, gấp 1,9 lần năm 2005.