Sau 20 ngày tăng giá xăng dầu: Giá cước vận tải vẫn ổn định

Thứ năm, ngày 23/08/2012

Nếu như tại các thành phố lớn chỉ sau 1 ngày điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu thì đồng loạt các doanh nghiệp (DN) vận tải, hiệp hội taxi đồng loạt lên tiếng xin tăng giá cước và áp dụng ngay sau đó. Nhưng tại Bình Dương, một địa bàn công nghiệp phát triển với mật độ các tuyến vận tải khá dày đặc, các DN vận tải vẫn chưa điều chỉnh tăng giá, giá cước vận tải khá ổn định... Dù giá cả xăng dầu đang “leo dốc”, nhưng giá cước vận tải hành khách và hàng hóa vẫn ổn định

Phát huy lợi thế

Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Đàm Trọng Cường, cho biết: “Đến thời điểm này chúng tôi vẫn chưa nhận được thông tin, đề xuất từ các DN về việc tăng giá cước vận tải hành khách và hàng hóa”. Để minh chứng cho lời nói của mình, ông Cường còn nhờ các chuyên viên Phòng Quản lý Vận tải tra tìm ngay thông tin đăng ký giá mới của các DN vận tải và được các chuyên viên cho biết: “Chưa thấy DN nào đăng ký giá mới, dù đã qua 20 ngày điều chỉnh tăng giá xăng dầu”. Ông Trần Văn Hùng, Chuyên viên Phòng Quản lý Vận tải giải thích thêm: “Phần lớn các phương tiện vận tải hàng hóa đều chạy bằng dầu, mà tăng giá dầu so với xăng thì không đáng kể nên phía DN muốn tận dụng cơ hội này để giữ chân khách hàng trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay”.

Từ câu trả lời của ông Hùng, tôi quyết định xâm nhập thực tế các công ty vận tải chuyên nghiệp. Đến TX.Dĩ An, nơi tập trung nhiều hãng vận tải lớn cùng với 2 cảng cạn (ICD) Sóng Thần, Tân Vạn hoạt động liên tục, tôi nhận được câu trả lời rất chuyên nghiệp từ một đại diện DN vận tải: “Xăng dầu lên xuống thất thường, không ít người lợi dụng việc lên xuống của giá xăng dầu để “ăn theo”. Là DN vận tải chuyên nghiệp thì cần phải có tầm nhìn và cách tính hợp lý để làm yên lòng khách hàng. Hầu hết khách hàng của chúng tôi là những DN lớn, hợp đồng dài hạn, nên phải biết cân đối hài hòa. Nếu chỉ biết cái lợi của mình mà không nghĩ đến cái khó của khách hàng thì người ta sẽ bỏ mình để tìm nhà cung cấp dịch vụ khác”.

Giám đốc điều hành HTX Taxi Minh Giang Lê Văn Mỹ thì cụ thể hơn: “Chúng tôi chưa điều chỉnh tăng giá cước vì còn phát huy được lợi thế cạnh tranh như bộ máy hoạt động nhỏ, chi phí thấp. Đợt tăng giá xăng lần này suy cho cùng thì cũng trở lại bằng với giá cước đầu năm, mà từ đầu năm tới giờ Taxi Minh Giang chưa điều chỉnh tăng giá lần nào thì vội gì! Các hãng lớn phải điều chỉnh tăng giá ngay là vì bộ máy người ta quá lớn, kéo theo chi phí cũng lớn. Còn mình là DN nhỏ, chi phí thấp, khách hàng quen thuộc, thị trường ổn định... nên không thể vì cái lợi nhỏ trước mắt mà làm ảnh hưởng đến thương hiệu và sức cạnh tranh của DN”.

Tận dụng cơ hội

Trở về TP.TDM, ghé thăm Bến xe khách Bình Dương, Giám đốc Phạm Văn Sơn vui vẻ thông báo: “Theo dự báo thì giá xăng dầu sẽ còn tăng, nên các DN vận tải không muốn phải điều chỉnh giá nhiều lần, làm ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng. Đây cũng là cách tận dụng “cơ hội” để làm tăng niềm tin, tình cảm của khách hàng đối với DN, bởi xăng dầu tăng giá, tăng bao nhiêu ai cũng nghe, cũng biết, nhưng DN vận tải chưa tăng giá cước, giá vé sẽ tạo được niềm tin đối với khách hàng của mình”.

Còn ông Phạm Văn Bình, Giám đốc một DN vận tải có đến 2 tuyến buýt công cộng đang hoạt động, nêu kinh nghiệm: “Mỗi lần điều chỉnh tăng hay giảm giá đều không đơn giản, phải qua các bước đăng ký từ cơ quan thuế, tài chính vật giá, kiểm định đo lường chất lượng, rồi sang ngành giao thông - vận tải... vừa mất thời gian, lại phải đóng nhiều khoản phí. Mình tăng giá tháng này, đến tháng sau giá xăng dầu giảm buộc phải điều chỉnh lại thì mất công lắm”!

Chia sẻ kinh nghiệm về quản lý, điều hành DN, đặc biệt là trong thời buổi có nhiều biến động về giá như hiện nay, ông Nguyễn Thanh Trung - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đường Bình Dương, nhận định: “Những DN vận tải chậm điều chỉnh giá trong khi giá xăng dầu tăng nhanh như hiện nay vừa thể hiện tính khôn ngoan trong làm ăn, vừa khéo léo trong xây dựng chiến lược, bởi vì theo dự báo giá xăng dầu còn biến động. Điều chỉnh giá chậm một chút tuy có ảnh hưởng đến lợi nhuận, nhưng DN được nhiều hơn mất là tạo được hình ảnh tốt đẹp về đạo đức DN; tạo được niềm tin, tình cảm với khách hàng và xa hơn là không phải mất nhiều công sức, chi phí để làm đi làm lại mỗi việc “điều chỉnh”. Phải biết tìm cơ hội ngay trong khó khăn để vươn lên”!

“Mỗi lần điều chỉnh giá cước đều phải qua nhiều khâu vừa mất thời gian, vừa tốn kém chi phí. Nếu chưa có sự thống nhất của các cơ quan có thẩm quyền mà DN tự ý tăng giá sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật”.

(Chuyên viên Phòng Quản lý Vận tải - Sở GTVT  Trần Văn Hùng)

 DUY CHÍ