Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9-12- 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng: Xuất hiện nhiều mô hình hay, hiệu quả
(BDO)
Công an thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng đến các khu nhà trọ công nhân tuyên truyền pháp luật, vận động người dân tham gia bảo vệ an ninh trật tự. Ảnh: NGUYỄN HẬU
Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9-12- 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, tỉnh Bình Dương đã đạt nhiều thành quả rất đáng ghi nhận.
Thời gian qua, để thực hiện có hiệu quả các đề án, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai nhiều chương trình PBGDPL, như tuyên truyền pháp luật thông qua hoạt động hòa giải cơ sở, đây là kênh tuyên truyền pháp luật trực tiếp có hiệu quả, thông qua hoạt động này đã góp phần hạn chế tranh chấp, khiếu nại tố cáo vượt cấp và các tranh chấp phải giải quyết ở tòa án… Tính đến tháng 8-2019, toàn tỉnh có 592 tổ hòa giải với 4.406 hòa giải viên.
Trong 15 năm qua, các tổ hòa giải đã hòa giải 41.499 vụ việc, hòa giải thành 32.086 vụ việc, đạt 77,3%. Song song đó, hoạt động tuyên truyền thông qua sinh hoạt Ngày Pháp luật hàng tháng cũng được quan tâm. Các đơn vị chú trọng hơn đến hình thức để nâng cao hiệu quả như trình chiếu qua máy chiếu, cấp phát tờ gấp, thi đố vui pháp luật, hái hoa dân chủ có thưởng… làm cho buổi sinh hoạt Ngày Pháp luật thêm sinh động.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.454 CLB như: CLB pháp luật, CLB nông dân với pháp luật, phụ nữ với pháp luật, thanh niên với pháp luật; CLB phòng chống tội phạm, CLB trợ giúp pháp lý… Thông qua sinh hoạt tại các CLB đã lồng ghép tuyên truyền về nhiều nội dung Luật Hình sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, phòng chống HIV/AIDS… Từ những CLB này chính là cầu nối để người dân được tiếp cận pháp luật một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Trên cơ sở xác định nội dung trọng tâm cần PBGDPL và lựa chọn các hình thức PBGDPL phù hợp với đối tượng, địa bàn cũng góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng tuyên truyền. Cụ thể như đối với thanh thiếu niên, học sinh thì đưa nội dung pháp luật về an toàn giao thông, các quy định về phòng chống tội phạm, ma túy, Luật Giáo dục… kết hợp phổ biến, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống đến từng nhóm đối tượng và lứa tuổi phù hợp. Đối với người dân vùng nông thôn thì chú trọng pháp luật về dân tộc, tôn giáo, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình… Việc chia nhỏ đối tượng này đã từng bước để người dân tiếp cận cụ thể hơn những vấn đề liên quan đến mình, tránh khô khan, nhàm chán.
Trong thời gian qua, các cấp đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về kiến thức, kỹ năng tuyên truyền cho các báo cáo viên, tuyên truyền viên nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng để những hoạt động PBGDPL được sinh động thu hút người dân tham gia. Thông qua đó, công tác tuyên truyền PBGDPL ở đơn vị, địa phương từng bước đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong trong tình hình mới
THỦY TRINH