Sau 15 năm tái lập tỉnh Bình Phước: 10 sự kiện nổi bật

Thứ bảy, ngày 31/12/2011

1. Tiềm năng, thế mạnh của tỉnh được khai thác hiệu quả. Nền kinh tế ngày càng phát triển cao - cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng:

Khi mới tái lập (năm 1997), Bình Phước là một trong những tỉnh nghèo của cả nước. Đến nay (năm 2011), nền kinh tế thực sự chuyển mình, có tính bứt phá: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 1997-2011 đạt 12,33%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Từ chỗ toàn tỉnh không có khu công nghiệp nào, đến nay đã có 8 khu công nghiệp, trong đó có 4 khu công nghiệp và 1 khu kinh tế cửa khẩu. Năm 1997, toàn tỉnh chỉ có 31 doanh nghiệp đăng ký với số vốn hơn 27 tỷ đồng, đến nay đã có 3.280 doanh nghiệp hoạt động với số vốn đăng ký 22.737 tỷ đồng, tăng 105,8 lần về số doanh nghiệp và 836 lần về số vốn đăng ký so với năm 1997.

 

2. Thu ngân sách Nhà nước và GDP bình quân đầu người ngày càng tăng cao, các nhu cầu chi cơ bản được bảo đảm:

Khi mới tách tỉnh, thu ngân sách Nhà nước chỉ đạt gần 176 tỷ đồng, đến nay đã đạt 3.500 tỷ đồng, với tốc độ tăng thu bình quân hàng năm đạt gần 14%. Năm 2008, Bình Phước đã gia nhập vào “Câu lạc bộ 1.000 tỷ” của cả nước. GDP bình quân đầu người theo giá thực tế năm 1997 là 2,6 triệu đồng. Năm 2011 đạt 27,28 triệu đồng, tăng hơn 10 lần so năm 1997.

3. Kết cấu hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông và điện lưới quốc gia được đầu tư mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, làm thay đổi diện mạo của tỉnh:

Khi mới tái lập tỉnh, kết cấu hạ tầng rất thấp kém, hệ thống giao thông chủ yếu là đường đất “nắng bụi, mưa lầy”, điện lưới quốc gia mới chỉ đến được trung tâm các xã với hơn 20% hộ dân được sử dụng điện. Đến nay, toàn tỉnh đã có 493 tuyến đường với chiều dài hơn 4.400km, trong đó quốc lộ 13, 14 đã nhựa hóa 100% và hiện đang tiếp tục được nâng cấp mở rộng, đường tỉnh nhựa hóa 96,53%; 94% số xã đã có đường nhựa đến trung tâm xã và đã có trên 91% số hộ dân được sử dụng điện. 

 

4. Chính sách an sinh xã hội được thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt, công tác xóa đói giảm nghèo, ổn định di dân tự do đạt nhiều kết quả quan trọng. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao:

Năm 1997, toàn tỉnh còn hơn 20% hộ đói nghèo, đến năm 2000 cơ bản đã xóa được hộ đói và nay số hộ nghèo đã giảm xuống còn 6,94% theo chuẩn mới, 25/43 xã thoát khỏi danh sách xã nghèo đặc biệt khó khăn. Hàng năm, bằng nhiều nguồn lực, toàn tỉnh đã xây dựng được hàng ngàn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho người nghèo. Hết năm 2011 phấn đấu cơ bản xóa được hộ nghèo không có nhà ở (hộ trong danh sách theo Chương trình 167). Đặc biệt, tỉnh đã quy hoạch trồng được gần 4.000 ha cao su để xây dựng quỹ an sinh xã hội, đây là cơ sở để thực hiện việc xóa nghèo bền vững.

 

5. GD-ĐT có nhiều tiến bộ vượt bậc, góp phần quan trọng vào việc đào tạo nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh:

Từ chỗ thiếu hàng ngàn giáo viên, hàng trăm phòng học vào thời điểm tỉnh mới tái lập, đến nay đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về số lượng đã đáp ứng được yêu cầu, về chất lượng đã được chuẩn hóa. Toàn tỉnh hiện có 35 trường đạt chuẩn quốc gia. Năm 1998, tỉnh được công nhận hoàn thành xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, đến năm 2009 tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở. Toàn tỉnh hiện có 436 trường học các cấp với tổng số trên 217.000 học sinh. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các cấp mỗi năm một tăng, số học sinh trúng tuyển vào các trường cao đẳng, đại học ngày càng nhiều, trong đó có nhiều em là dân tộc thiểu số. Đặc biệt, Trường THPT chuyên Quang Trung nhiều năm liền là trường được xếp vào tốp đầu các trường THPT chất lượng cao trong cả nước.

 

6. Đời sống văn hóa tinh thần phát triển tương đối toàn diện và tương ứng với sự cải thiện đời sống vật chất của nhân dân:

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” phát triển rộng và ngày càng đi vào chiều sâu đã đem lại những giá trị về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và xây dựng hệ thống chính trị. Các hoạt động văn hóa ở cơ sở được khơi dậy, nhiều câu lạc bộ văn nghệ, thể dục - thể thao được hình thành. Những lễ hội, nhất là các lễ hội truyền thống của đồng bào Sêtiêng, Khơme, Mơnông... được phục dựng. Các di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh và quốc gia được trùng tu, xây dựng và phát huy tác dụng giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Đến nay, 100% thôn (ấp) đồng bào dân tộc thiểu số có nhà văn hóa cộng đồng. Số hộ sử dụng điện thoại đạt 143,73 thuê bao/100 dân và 18,85/100 dân sử dụng internet.

7. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quan hệ đối với các tỉnh Campuchia, Lào ngày càng phát triển, chủ quyền an ninh biên giới được bảo đảm:

Lực lượng quân đội, công an, biên phòng, dân quân tự vệ không ngừng được củng cố, kiện toàn cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ thanh niên nhập ngũ hàng năm đều đạt 100% chỉ tiêu. Nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân... khu vực phòng thủ luôn được củng cố, phát triển. Chương trình mục tiêu “5 giảm” của tỉnh đã góp phần giảm đáng kể phạm pháp hình sự, tệ nạn xã hội... Quan hệ hợp tác, giao lưu hữu nghị giữa tỉnh với các tỉnh giáp biên giới thuộc Vương quốc Campuchia và một số tỉnh của Lào không ngừng được củng cố, tăng cường và ngày càng phát triển tốt đẹp. Nhờ đó công tác phân giới cắm mốc tuyến biên giới của tỉnh và công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh trên chiến trường Campuchia được thực hiện rất thuận lợi và hiệu quả.

8. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng trong tỉnh không ngừng được củng cố và nâng cao. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ tỉnh là nhân tố quyết định thắng lợi và phát triển của tỉnh qua 15 năm:

Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ tỉnh đã qua 4 nhiệm kỳ đại hội. Mỗi một thời kỳ đã để lại dấu ấn hết sức đậm nét về năng lực lãnh đạo, bản lĩnh chính trị, tinh thần năng động sáng tạo của Tỉnh ủy và toàn Đảng bộ. Điều đó thể hiện qua mỗi giai đoạn, Tỉnh ủy đã vận dụng linh hoạt đường lối chính sách của Trung ương vào thực tế địa phương, chủ động xây dựng cơ chế, quyết định những chủ trương thiết thực cụ thể nên đã thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân tin tưởng và đồng tình ủng hộ.

9. Đội ngũ cán bộ ngày càng trưởng thành, phát triển mạnh cả về lượng và chất:

Sau ngày tái lập, đội ngũ cán bộ trong tỉnh vừa thiếu về số lượng, vừa chưa ngang tầm nhiệm vụ, nhất là cán bộ các ban, ngành, đoàn thể tỉnh thiếu trầm trọng. Phần lớn đội ngũ cán bộ chưa đạt chuẩn, tỷ lệ cán bộ có trình độ đại học, trên đại học rất ít (chưa đầy 10%), trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên chưa đầy 5%. Đến nay, toàn tỉnh có 20.213 cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, có 3 tiến sĩ, 119 thạc sĩ, 11.796 người tốt nghiệp đại học - cao đẳng (chiếm gần 60%), trình độ lý luận chính trị, cử nhân cao cấp 1.011 người, trung cấp 2.477 người (chiếm 20%).

 

10. Sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ và khối đại đoàn kết toàn dân được giữ vững và phát huy cao độ:

Bình Phước là tỉnh có nhiều thành phần dân tộc, tôn giáo và dân cư được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau trong tất cả các tỉnh, thành, vùng miền trong cả nước. Do đó, việc tạo sự đoàn kết thống nhất trong đa dạng và phát huy được những phong tục tập quán tốt đẹp của từng dân tộc, từng vùng miền, nhằm xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trên địa bàn tỉnh là một nhiệm vụ hết sức nặng nề và khó khăn của Đảng bộ tỉnh. Vì vậy, Đảng bộ tỉnh luôn nhận thức đoàn kết là sức mạnh, là nhân tố quan trọng bảo đảm sự thành công của mọi nhiệm vụ cách mạng. Nhờ đó, sau 15 năm tái lập, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ và nhân dân luôn được giữ vững và phát huy.

 

Nhóm P.V Chính trị