Sau 15 năm tái lập tỉnh Bình Dương: Những sự kiện đáng nhớ

Thứ bảy, ngày 31/12/2011

1. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương đột phá nhờ phát huy truyền thống của tỉnh anh hùng, phát huy thành quả từ tỉnh Sông Bé trước đây

Sau 15 năm tái lập tỉnh đến nay, kế thừa và phát huy thành quả của tỉnh Sông Bé, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương đã không ngừng phát triển kinh tế, tạo bước đột phá và trở thành một tỉnh phát triển có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cao trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và hội nhập kinh tế quốc tế. Kinh tế luôn giữ mức tăng trưởng. Tổng sản phẩm năm 2011 tăng 6,5 lần so với năm 1997. Cơ cấu kinh tế: công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với tỷ trọng tương ứng 62,2% - 33,7% - 4,1%; so với năm 1997 là 50,4% - 26,8% - 22,8%.

 

2. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên rất nhiều so với những ngày đầu tái lập tỉnh

Năm 1997, khi tái lập tỉnh, thu nhập bình quân đầu người 5,8 triệu đồng; sau 15 năm thu nhập bình quân đã tăng 6,4 lần với 36,9 triệu đồng/người.

3. Phát triển công nghiệp bứt phá không ngờ

Vào những ngày đầu tái lập tỉnh, với tư duy đổi mới, Đảng bộ, chính quyền Bình Dương đã đột phá về phát triển công nghiệp. Bằng chứng là từ bài học thành công về phát triển các khu công nghiệp ở phía Nam, đến nay, Bình Dương đã có 28 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp được cấp phép thành lập với tổng diện tích gần 10.000 ha. Ngoài ra, còn hình thành 1 Khu Liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị với diện tích 4.196 ha, góp phần thu hút đầu tư và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và đô thị hóa tỉnh nhà.

 

4. Thu hút đầu tư đứng đầu cả nước

Với hơn 13.000 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 91.000 tỷ đồng, Bình Dương đã tăng 10 lần so với năm 1997 và hơn 2.000 dự án đầu tư nước ngoài, tổng số vốn 14,580 tỷ đô la Mỹ, tăng 12 lần so với những ngày đầu khi tái lập tỉnh.

 5. Đặc biệt chú trọng phát triển theo hướng bền vững, gắn với phát triển dịch vụ, đô thị và bảo vệ môi trường

Sau 15 năm tái lập tỉnh, công nghiệp Bình Dương phát triển toàn diện, vừa đẩy mạnh tăng trưởng về quy mô, vừa chú trọng nâng cao chất lượng phát triển theo hướng bền vững, gắn với phát triển dịch vụ, phát triển đô thị và bảo vệ môi trường. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 28%, gấp 31 lần so với năm 1997.

6. Sau 15 năm tái lập tỉnh, thương mại - dịch vụ vươn xa

Thương mại - dịch vụ là ngành kinh tế lớn thứ hai đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế ở Bình Dương, chiếm tỷ trọng 33,7% trong GDP toàn tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 1996-2005 tăng bình quân 35,1%/năm; giai đoạn 2006-2010 tăng bình quân 22,9%/năm, gấp 2,8 lần năm 2005. Kim ngạch nhập khẩu tăng 24,7%.

 

7. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo ngày càng tương xứng với tiến trình phát triển của tỉnh nhà

Sự nghiệp giáo dục - đào tạo liên tục phát triển, chất lượng giáo dục và tỷ lệ học sinh giỏi các cấp ngày càng chuyển biến rõ nét. Nếu những ngày đầu tái lập tỉnh, Bình Dương được công nhận đạt tiêu chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học; năm 2004 được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập THCS và 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; thì đến nay, Bình Dương đã có 72/91 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục bậc trung học, chiếm tỷ lệ 79,1% và đến cuối năm 2011 có 109/327 trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 33,3% tổng số trường công lập toàn tỉnh.

 

8. So với những ngày đầu tái lập tỉnh, đến nay, Bình Dương có nhiều thay đổi về chăm sóc sức khỏe nhân dân

Về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được đầu tư trang thiết bị, củng cố và phát triển mạng lưới y tế cơ sở. Đến nay, 100% trạm y tế xã có bác sĩ phục vụ; 100% xã có nhân viên y tế khu, ấp hoạt động. Có 88/91 trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế , đạt tỷ lệ 96,7%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm 0,5% so cùng kỳ.

 

9. Sau 15 năm tái lập tỉnh, Bình Dương luôn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đáp nghĩa đền ơn

Bình Dương luôn làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho các gia đình chính sách, bà mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình liệt sĩ, thương binh, các gia đình nghèo, người có công với cách mạng và các đối tượng neo đơn. Từ năm 1997 đến nay, Bình Dương đã xây dựng và sửa chữa 4.383 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hơn 72 tỷ đồng; xây tặng 5.856 căn nhà đại đoàn kết với tổng kinh phí hơn 67 tỷ đồng. Và tiếp theo là năm 2011, đã xây tặng 46 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 29 ngôi nhà với tổng trị giá trên 3 tỷ đồng, tặng 83 sổ tiết kiệm trị giá 41,5 triệu đồng.

 

10. Xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, góp phần tạo sự đồng thuận trong nhân dân

Công tác xây dựng Đảng luôn được các cấp ủy Đảng quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo nhằm nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị đã đề ra, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần dấy lên phong trào thi đua phát triển kinh tế, hoạt động xã hội, xây dựng gia đình văn hóa, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

M.HUY - Q.CHIẾN