Sau 1 tháng thực hiện Nghị định 46/2016/NĐ-CP: Xử phạt hơn 1.800 trường hợp vi phạm
(BDO)
Qua 1 tháng triển khai thực hiện Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã xử lý hơn 1.800 trường hợp vi phạm, tạm giữ gần 500 xe vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 880 triệu đồng.
Chính thức có hiệu lực từ 1-8-2016, Nghị định 46/2016/ NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt nhằm thay thế, bổ sung cho Nghị định 171/2013 và Nghị định 107/2014, trong đó tăng mức xử phạt đối với một số nhóm hành vi và hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây mất trật tự, an toàn giao thông. Qua 1 tháng triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Bình Dương, bước đầu đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân khi tham gia giao thông.
Lực lượng CSGT Công an tỉnh ra quân xử lý các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ
Nghị định 46 gồm 5 chương, 82 điều đã được Chính phủ ban hành ngày 26-5-2016, trên tinh thần xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính, trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và ảnh hưởng tới kết cấu hạ tầng đường bộ với các mức phạt tăng mạnh nhằm tạo sự răn đe và nâng cao ý thức chấp hành của người tham gia giao thông. Ngay khi Nghị định 46 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2016, lực lượng CSGT Công an tỉnh đã tiến hành xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định, đồng thời tiếp tục tuyên truyền các nội dung của nghị định tới người tham gia giao thông.
Theo Nghị định 46, có 105 lỗi vi phạm Luật Giao thông đường bộ sẽ được tăng nặng mức xử phạt. Đáng chú ý có việc tăng nặng hình phạt đối với việc lái xe trong tình trạng đã uống rượu bia. Theo đó với việc điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1 lít khí thở sẽ có mức phạt từ 16 - 18 triệu đồng (mức phạt cũ là 10 - 15 triệu đồng). Ngoài ra hành vi này sẽ bị tước giấy phép lái xe từ 4 - 6 tháng.
Theo ghi nhận của P.V, có khá nhiều trường hợp người dân vẫn điều khiển xe sau khi đã sử dụng rượu, bia. Đa số người vi phạm đều cho rằng mình chỉ uống 1 đến 2 chai bia nhưng qua kiểm tra bằng máy đo nồng độ cồn thì các trường hợp này đều có chỉ số nồng độ cồn vượt mức cho phép. Bên cạnh những trường hợp người vi phạm hợp tác với lực lượng chức năng, cũng còn một số trường hợp người dân tỏ ra không hợp tác, không chịu cho kiểm tra, có trường hợp bỏ cả phương tiện lại hiện trường. Nghị định 46 cũng quy định rõ mức phạt đối với hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn cũng sẽ bị phạt từ 16 - 18 triệu đồng, sau đó mới tiếp tục xử lý các vi phạm tiếp theo nếu có.
Ngoài ra, Nghị định 46 cũng mở rộng thêm một số mức phạt với hành vi khá cụ thể như phạt từ 600.000 - 800.000 đồng với hành vi dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường; phạt từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng, tước GPLX từ 1 - 3 tháng với việc điều khiển xe đi trên hè phố. Đối với nhóm hành vi vi phạm quy định về tốc độ: Tăng mức phạt tiền đối với người điều khiển xe ô tô điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20km/giờ đến 35km/ giờ từ mức 4 triệu đến 6 triệu đồng lên mức từ 5 - 6 triệu đồng. Tăng mức phạt tiền đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20km/ giờ từ mức 2 - 3 triệu đồng lên mức 3 - 4 triệu đồng.
Nghị định 46 quy định mức phạt đối với hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn sẽ bị phạt từ 16 - 18 triệu đồng, sau đó mới tiếp tục xử lý các vi phạm tiếp theo nếu có.
NGỌC HÀ - LÊ ÁNH