Sau 1 tháng thích ứng linh hoạt: Vẫn còn sự chủ quan, lơ là với dịch

Thứ năm, ngày 25/11/2021

(BDO)

Nhân viên y tế làm công tác xét nghiệm. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Sau khi nới lỏng các biện pháp giãn cách và chuyển sang chiến lược thích ứng với COVID-19, số F0 có sự gia tăng ở hầu hết các tỉnh. Tuy nhiên, số lượng ca trong tình trạng nặng đã giảm.

Trong đợt dịch COVID-19 thứ 4, tính đến ngày 21/11, cả nước đã ghi nhận 1.150.625 ca mắc COVID-19, trong đó có 934.444 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 24.243 ca, chiếm tỷ lệ 2,1% so với tổng số ca nhiễm.

Số ca tử vong giảm 46%

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong hơn 1 tháng đầu tiên thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo Nghị quyết số 128/NQ-CP, số ca tử vong giảm 46%, số đang điều trị tại bệnh viện giảm 25%, số ca nặng, nguy kịch giảm 40% so với 1 tháng trước đó.

Đến nay, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca mắc cộng đồng đang có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương. Trong tuần qua số mắc cộng đồng tăng tại 35 tỉnh, thành phố, do mầm bệnh đã tồn tại trong cộng đồng, nhiều ca bệnh không có triệu chứng, không rõ nguồn lây và có liên quan đến người trở về từ vùng dịch.

Đáng lưu ý, các ổ dịch COVID-19 tập trung tại các địa bàn tập trung dân cư, lây nhiễm thứ phát ngoài cộng đồng, nhất là tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 mới đây, các đánh giá đưa ra cho thấy sau hơn 1 tháng triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đã được thực tiễn chứng minh là đúng đắn, phù hợp, đang được các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tích cực thực hiện, tình hình kinh tế-xã hội có nhiều khởi sắc rõ rệt.

Các ý kiến từ chuyên gia và lãnh đạo địa phương đưa ra nhấn mạnh tinh thần trong 1 tháng chống dịch vừa qua không có tâm lý hoang mang, lo sợ trước dịch bệnh, bởi dù số ca mắc mới có tăng nhưng số ca tăng nặng và tử vong được kiểm soát.

Theo thống kê của Bộ Y tế, Hà Nội có hơn 3.000 bệnh nhân COVID-19 đang theo dõi và điều trị, trong đó có hơn 2.000 bệnh nhân nhẹ và không triệu chứng (chiếm gần 80%); 17 bệnh nhân nặng (chiếm 0,64%). Trong số 17 bệnh nhân nặng hiện có 14 bệnh nhân phải thở oxy mask, gọng kính và 3 bệnh nhân phải thở máy không xâm lấn.

Nam Định kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra, vào vùng dịch. (Ảnh: Công Luật/TTXVN)

Trong khi đó, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho biết đến nay, Cần Thơ đã nhận đủ vaccine để tiêm cho người dân, 96% người trên 18 tuổi đã tiêm mũi 1, tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt 59% và ngày mai (21/11) sẽ đạt hơn 80%. Số ca mắc trong những ngày qua có tăng do số người vừa tiêm 1 mũi có khả năng miễn dịch chưa cao. Tuy nhiên, số lượng ca chuyển nặng thấp, tỷ lệ tử vong không tăng cho thấy hiệu quả thực sự từ việc tiêm vaccine và các biện pháp cách ly, xét nghiệm, điều trị theo hướng dẫn của Trung ương.

34 tỉnh, thành phố thí điểm điều trị F0 tại nhà

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, việc triển khai thí điểm điều trị có kiểm soát các trường hợp mắc COVID-19 tại nhà và cộng đồng tại 34 tỉnh, thành phố cho thấy thuốc điều trị có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị, tỉ lệ chuyển nặng rất thấp, không có ca tử vong.

Việc ban hành Nghị quyết 128 và hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế để chuyển hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh được đánh giá là kịp thời, đúng hướng và sát thực tế, mang lại những kết quả cơ bản nói trên.

Cả hệ thống chính trị tiếp tục vào cuộc với sự hưởng ứng, ủng hộ của nhân dân, sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất từ Trung ương tới địa phương. Việc triển khai chiến lược vaccine và chiến dịch tiêm chủng vaccine được đẩy mạnh, việc phân bổ vaccine kịp thời, hợp lý hơn. Các cấp chính quyền vào cuộc tích cực, phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp và người dân để khôi phục sản xuất, khôi phục thị trường lao động với các biện pháp như thiết lập trạm y tế lưu động tại khu công nghiệp, khu kinh tế…

Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch (được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế). Có 49 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP hoặc văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch trong sản xuất, giao thông... Trong đó, kế hoạch của 25 tỉnh, thành phố đã quy định các biện pháp hành chính cho 4 cấp độ dịch; kế hoạch của 24 tỉnh, thành phố chỉ có biện pháp hành chính cho cấp độ dịch hiện tại trên địa bàn.

Vẫn có tư tưởng chủ quan, lơ là

Theo đánh giá từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, có một số vấn đề tồn tại, vướng mắc trong thời gian qua khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP như: Vẫn còn một số hạn chế và bất cập như một số địa phương chưa ban hành kế hoạch thích ứng cho cả 4 cấp độ dịch hoặc chỉ có kế hoạch cho 1 cấp độ dịch hiện tại của địa phương; thực hiện xét nghiệm, cách ly đối với người di chuyển về từ các tỉnh có số mắc cao; thời gian cách ly F1 đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh…

Về nguyên nhân của các hạn chế và bất cập, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính nêu rõ vẫn có tư tưởng chủ quan, lơ là ở một số nơi. Một bộ phận người dân nhận thức chưa đúng về hiệu quả của việc tiêm vaccine. Hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở nhiều nơi, nhiều lúc chưa đáp ứng được khi tình hình diễn biến phức tạp. Việc tiêm chủng vaccine và đáp ứng thuốc chữa bệnh có nơi, có lúc triển khai chậm so với diễn biến tình hình và yêu cầu đặt ra, chưa đạt mục tiêu.

Công tác phối hợp giữa các địa phương trong quản lý việc di chuyển của người dân chưa chặt chẽ, còn bất cập, gây khó khăn cho người dân. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 128 có nơi, có lúc thiếu quyết liệt. Một số nơi chưa thực hiện tốt việc triển khai thu dung, phân loại điều trị kịp thời các ca nhiễm ngay từ cơ sở.

Dự báo sắp tới, dù tình hình dịch COVID-19 đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước nhưng diễn biến dịch bệnh đang có chiều hướng phức tạp đồng thời giá cả hàng hóa, dịch vụ trên thị trường thế giới, chính sách tiền tệ, tài khóa của các nước có tác động tới Việt Nam. Thủ tướng yêu cầu công tác nắm tình hình, dự báo phải sát hơn, tích cực hơn, phân tích chính xác hơn để thống nhất về mặt chủ trương, đưa các giải pháp, biện pháp khả thi, hiệu quả, tổ chức thực hiện thật tốt, chủ động ứng phó tình hình.

“Chúng ta chuyển trạng thái thì chấp nhận có ca nhiễm mới nhưng kiểm soát rủi ro, có các biện pháp hiệu quả để giảm tối đa các ca tăng nặng và tử vong, thực hiện bình thường hóa một cách an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả,” Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng giao Bộ Y tế hướng dẫn đánh giá, tổng kết công tác phòng chống dịch, nhất là đợt bùng phát dịch lần thứ 4; các cấp, các ngành tiếp tục góp ý cho Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế để bổ sung từng bước các biện pháp, quy trình, điều kiện phòng chống dịch.

Thủ tướng cũng yêu cầu hoàn thiện chiến lược tổng thể phòng chống dịch để trình cấp có thẩm quyền trước ngày 30/11 theo cách tiếp cận toàn dân, lấy cấp cơ sở làm nền tảng. Thủ tướng lưu ý có kịch bản hỗ trợ lẫn nhau giữa các địa phương, nhất là khi ở cấp độ 4, một nơi có dịch thì nhiều địa phương cùng tập trung dồn lực kiểm soát, khi cần thiết thì huy động hỗ trợ của lực lượng công an, quân đội, y tế.

Trước mắt các địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế, các địa phương nếu có các biện pháp sáng tạo nhưng trái quy định, nguyên tắc chung thì phải báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi thực hiện.

Trong công tác phòng chống dịch, nguyên tắc thực hiện thống nhất, thông suốt từ Trung ương tới cơ sở, đánh giá chính xác cấp độ dịch và thực hiện nghiêm các biện pháp tương ứng về hành chính, y tế, an sinh xã hội, an ninh trật tự và vận động nhân dân, phương châm “5K + vaccine + thuốc điều trị + công nghệ + các biện pháp khác”…/.

Theo TTXVN

Từ khóa: