Sát cánh cùng kinh tế hợp tác xã trong giai đoạn mới
(BDO) Kỳ 1: Chuyển biến tích cực
Để thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) trong giai đoạn mới, Tỉnh ủy Bình Dương vừa ban hành Chương trình hành động số 108- CTr/TU ngày 17-3-2023 nhằm phát triển KTTT năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế Nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân với nhiều mô hình hợp tác, liên kết.
Thu hoạch trái cây có múi ở Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Lập
Nòng cốt KTTT là hợp tác xã (HTX) - thành phần kinh tế quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần chuyển dịch lao động, cơ cấu nông nghiệp, đặc biệt là trên địa bàn nông thôn. Bên cạnh đó, KTTT còn là tổ chức phát huy tính tự chủ của người dân, tạo điều kiện để người dân được hưởng thành quả từ sự phát triển kinh tế - xã hội một cách công bằng, bình đẳng.
Điểm sáng kinh tế HTX
Một trong những HTX nông nghiệp điển hình trên địa bàn huyện Phú Giáo đã phát huy hiệu quả mô hình kinh tế hợp tác, mang lại hàng tỷ đồng mỗi năm, đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đó là HTX Nông nghiệp Tam Lập (ấp Gia Biện, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo).
Với tổng diện tích trên 200 ha, HTX Nông nghiệp Tam Lập phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao trong chăn nuôi như heo, bò, gà, cá và các loại ăn trái như cam, chanh, bưởi, chuối, tiêu, cùng với hệ thống nhà lưới trồng các loại rau củ ngắn ngày khác. Mỗi ngày HTX thu hoạch khoảng 50 loại rau củ quả để bán ra thị trường. Sản lượng bưởi đạt hơn 10 tấn/ha, chanh không hạt đạt hơn 50 tấn/ha, chuối đạt hơn 15 tấn/ha.
Ông Nguyễn Chiến, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tam Lập, cho biết các loại cây ăn trái đều được đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, được theo dõi kỹ lưỡng trong tất cả các khâu, từ sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến khâu thu hoạch nông sản. Chính vì vậy, nông sản được cung cấp ra thị trường bảo đảm an toàn thực phẩm, tăng giá trị hàng hóa. Qua đó đóng góp tích cực vào sự gia tăng của ngành nông nghiệp địa phương và góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân tại khu vực nông thôn.
Trong lĩnh vực vận tải - xây dựng không thể không nói đến HTX Vận tải - Xây dựng và Cầu đường Thanh Long (phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát) được thành lập từ năm 2003, có 122 thành viên, với ngành nghề thi công cơ giới, san lấp mặt bằng, thi công cầu đường, vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ. Ông Nguyễn Văn Điện, Giám đốc HTX Vận tải - Xây dựng và Cầu đường Thanh Long, cho biết với uy tín đã được tạo dựng trong suốt quá trình kinh doanh, HTX có những chính sách kinh tế đã phát huy tác dụng, các chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng, mang lại hiệu quả kinh doanh cao.
Hiện HTX mở rộng quan hệ hợp tác, liên kết với các công ty, như: Công ty TNHH XD Ngọc Thanh Tâm, Công ty CP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật Becamex Bình Phước, Công ty Cổ phần Khoáng sản Becamex... Đặc biệt, HTX chú trọng duy trì mối quan hệ đối tác với Tổng Công ty Becamex IDC - đơn vị chiếm hơn 90% tỷ trọng doanh thu của HTX, thu hút trên 100 lao động. Số phương tiện cơ giới của HTX đến thời điểm hiện tại trên 78 xe, doanh thu bình quân đạt hơn 22 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 430 triệu đồng, thu nhập bình quân của thành viên trung bình từ 7 triệu đồng/ người/tháng.
Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) là mô hình hoạt động ổn định và đạt hiệu quả cao nhất trong các mô hình KTTT. Các QTDND không ngừng phát triển về chất lượng và quy mô hoạt động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Thu nhập ổn định của người lao động từ 10 - 12 triệu đồng/người/tháng, qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo và hạn chế được tình trạng cho vay nặng lãi ở địa phương. Bà Nguyễn Thúy An, Phó Giám đốc QTDND Thanh Tuyền (xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng), cho biết quỹ luôn chủ động đưa ra những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn như không ngừng tăng trưởng khả năng tài chính, nỗ lực nâng cao hiệu quả hoạt động.
Tiếp tục nhân rộng các điển hình
Ngoài các điển hình nêu trên, trên địa bàn còn rất nhiều HTX đạt thành tích cao trong sản xuất, kinh doanh, như: HTX Cây ăn quả Tân Mỹ, HTX Nông nghiệp Nhân Đức, HTX Thép Toàn Lực, HTX Vận tải Bàu Bàng, HTX Vận tải - Xây dựng Công Minh... Đây là những HTX được xem là những “cánh chim đầu đàn” của KTTT tỉnh, HTX hàng đầu trong lĩnh vực, nhạy bén trong sản xuất, kinh doanh, không ngừng cải tiến kỹ thuật đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh: Tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển KTTT, HTX; thực hiện hiệu quả chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên là định hướng, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển KTTT, HTX và nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên minh HTX tỉnh giai đoạn 2020-2025. Theo đó, mục tiêu tổng quát về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT trong giai đoạn 2020-2025 là phát triển HTX, Liên hiệp HTX, THT theo hướng bền vững với phương châm “Hợp tác - Đổi mới - Phát triển - Hiệu quả”, góp phần xây dựng xã hội hợp tác, đoàn kết, phát triển cộng đồng, cùng chia sẻ sự thịnh vượng, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. |
Có thể thấy các mô hình KTTT làm ăn hiệu quả điển hình tiếp tục được nhân rộng, là những tấm gương, động lực thúc đẩy khu vực KTTT phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Qua đó, HTX thành lập mới ngày càng tăng với lĩnh vực đầu tư nhiều ngành nghề vừa đáp ứng nhu cầu xã hội vừa đa dạng mô hình, giúp thành viên nâng cao thu nhập. Tính đến nay, toàn tỉnh có 201 THT, với 1.791 thành viên, vốn hoạt động hơn 48 tỷ đồng; 229 HTX, với 48.672 thành viên, vốn điều lệ gần 830 tỷ đồng. Số THT, HTX hoạt động trên các lĩnh vực, như: Vận tải, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại - dịch vụ, môi trường và QTDND. Qua đó, đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương, thu nhập bình quân đầu người từ 7 triệu đồng/người/tháng trở lên.
Bên cạnh đó, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ giúp các HTX đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập cho người lao động. Trong năm 2022, Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ phát triển KTTT tỉnh đã xét duyệt cho vay 15 phương án, với số tiền gần 39 tỷ đồng, đạt 150%; nâng tổng dư nợ cho vay lên hơn 62 tỷ đồng để tạo điều kiện cho các thành viên phát triển sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ. Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh còn phối hợp cùng các sở, ngành tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ một số HTX vay vốn ưu đãi tại Quỹ hỗ trợ phát triển khoa học - công nghệ, Quỹ hỗ trợ nông dân, Quỹ đầu tư phát triển, Quỹ bảo vệ môi trường. Mặc dù nguồn hỗ trợ của Nhà nước chưa nhiều, chủ yếu dựa trên nguồn lực của HTX nhưng kết quả của công tác xây dựng mô hình HTX điển hình trong những năm qua đã đạt được những thành công nhất định, làm cho mô hình HTX kiểu mới càng thêm rõ nét, góp phần chuyển biến về nhận thức, bản chất, giá trị và vai trò của HTX kiểu mới.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết thời gian tới Liên minh HTX tỉnh tiếp tục nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả, tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển. Trong năm 2023, Liên minh HTX tỉnh sẽ tuyên truyền, vận động phát triển mới đạt từ 18 - 20 THT; phấn đấu duy trì thu hút 80% nông dân tham gia các hình thức KTTT hoặc sử dụng dịch vụ của các THT, HTX. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong khu vực HTX đạt từ 5 - 6%/năm trở lên, có đóng góp quan trọng vào GRDP của tỉnh. Bên cạnh đó là xây dựng các mô hình HTX liên doanh, liên kết, hợp tác sản xuất, kinh doanh đa ngành nghề; đồng thời xây dựng mô hình HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, chương trình OCOP của tỉnh. (Còn tiếp)
THOẠI PHƯƠNG