Sát cánh cùng doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh

Thứ bảy, ngày 18/12/2021

(BDO) Với việc kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 cùng nhiều giải pháp khôi phục nền kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, các ngành đã đề ra nhiều kế hoạch để hỗ trợ doanh nghiệp (DN), khôi phục sản xuất, kinh doanh.


Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Hưng Hải Thịnh (Cụm công nghiệp Tam Lập, huyện Phú Giáo)

Linh hoạt giải pháp

Đánh giá về những giải pháp cần thiết để hỗ trợ DN khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết giai đoạn dịch bệnh cao điểm vừa qua gây khó khăn rất lớn với cả hệ thống chính trị, người dân và DN. Đến nay, cơ bản dịch bệnh đã được kiểm soát, người dân, DN thực hiện phương châm “sống chung an toàn với Covid-19”. Tuy nhiên, khó khăn vẫn chưa thể khắc phục trong một thời gian ngắn.

Để hỗ trợ DN, ngành công thương sẽ triển khai đồng thời các nhóm giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn. Cụ thể, giai đoạn phục hồi kinh tế - xã hội sẽ tổ chức thực hiện tốt các quy định về thích ứng trong tình hình mới đối với các lĩnh vực do ngành quản lý; phối hợp cùng ngành y tế nâng cao năng lực y tế thông qua việc DN cộng đồng trách nhiệm trong xét nghiệm, điều trị F0, hình thành trạm y tế lưu động... Bảo đảm hoạt động an toàn khi mở cửa trở lại toàn bộ hệ thống phân phối gồm chợ truyền thống, cửa hàng, trung tâm thương mại, siêu thị; chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng, đáp ứng nhu cầu người dân, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Ngành cũng sẽ chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với nguy cơ dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp hơn, gắn với các phương án điều tiết lưu thông hàng hóa, tổ chức hoạt động sản xuất của DN; kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch bệnh đối với DN, đơn vị thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước của ngành, kịp thời phát hiện, hướng dẫn những thiếu sót, khó khăn để kiến nghị các cấp, các ngành liên quan tháo gỡ, giải quyết.

Đáng chú ý, về hỗ trợ DN tiếp cận thị trường, UBND giao Sở Công thương chủ trì cùng UBND cấp huyện và các cơ quan liên quan, triển khai vận hành hiệu quả sàn thương mại điện tử tỉnh, hỗ trợ DN tiêu thụ hàng hóa nội địa. Đồng thời, hỗ trợ DN tham gia các hội chợ, kênh thương mại trực tuyến để xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới. Song song đó, các đơn vị đẩy mạnh hỗ trợ DN tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động xuất nhập khẩu, khai thác tiềm năng của thương mại điện tử xuyên biên giới, nhằm giới thiệu, quảng bá và xúc tiến xuất khẩu cho những nhóm hàng hóa có lợi thế cạnh tranh của tỉnh.

Đối với nhóm giải pháp dài hạn, theo ông Nguyễn Thanh Toàn, tỉnh quan tâm phục hồi chuỗi cung ứng từ sản xuất, lưu thông đến phân phối; bảo đảm lưu thông trên địa bàn tỉnh và giữa Bình Dương với các địa phương khác thông suốt, kể cả các tình huống dịch bệnh bùng phát trở lại bằng việc xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương theo chỉ đạo thống nhất xuyên suốt của Chính phủ. Định kỳ sở tham mưu lãnh đạo tỉnh đối thoại với DN để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, trong đó phát huy vai trò cầu nối của các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội DN.

Song song đó, ngành công thương hỗ trợ nhằm cải thiện, hình thành chuỗi liên kết giữa các DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa với các DN lớn, DN trong nước với DN đầu tư nước ngoài; tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp, ưu tiên thu hút ngành nghề sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng; tham mưu phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, nổi bật là hoạt động logistics, thương mại điện tử góp phần giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh cho DN Bình Dương trên nền tảng hỗ trợ các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai, xây dựng cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp; phát triển hệ thống cảng bến thủy nội địa, xây dựng hệ thống kho vận hiện đại cảng cạn ICD. Cùng với đó, ngành tiếp tục tham mưu tỉnh thực hiện lộ trình di dời, chuyển đổi công năng các khu, cụm công nghiệp phía nam của tỉnh; tập trung ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng thực thi công vụ, rà soát, đơn giản hóa, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, góp phần thực hiện thành công chính quyền điện tử và thành phố thông minh Bình Dương. Ngành sẽ đồng hành cùng DN trong chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu hoàn chỉnh nền hành chính hiện đại và nền kinh tế số, tăng sức cạnh tranh cho DN…

Doanh nghiệp tăng tốc

Cùng với việc hỗ trợ từ các cấp chính quyền, những ngày này, các DN đang tăng tốc sản xuất cho những đơn hàng cuối năm. Cùng với hướng dẫn từ các cấp, các ngành, DN bố trí các phương án sản xuất phù hợp để vừa phòng dịch vừa bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo ông Hoàng Anh Chi, Trưởng phòng Nhân sự Công ty Cổ phần Dược phẩm Đạt Vi Phú (Khu công nghiệp Mỹ Phước 1, TX.Bến Cát), từ khi công ty thực hiện phương án “3 tại chỗ” đến khi trở lại hoạt động trong tình hình mới, công ty luôn sát cánh cùng người lao động để duy trì sản xuất và xử lý các tình huống về phòng dịch. Nhờ vậy, đến nay hoạt động sản xuất của công ty vẫn bảo đảm duy trì ổn định. Với dây chuyền sản xuất được đầu tư mới năm 2021 lên đến 10 triệu đô la Mỹ, hiện công ty đã và đang mở rộng thị trường theo đúng kế hoạch. Công tác kiểm soát dịch bệnh hiệu quả là động lực để công ty phát triển trong chặng đường mới.

Tại Công ty Cổ phần Hưng Hải Thịnh (Cụm công nghiệp Tam Lập, huyện Phú Giáo), ông Phạm Minh Hà, Giám đốc công ty, cho biết nhờ sớm ổn định sản xuất, dù các hoạt động xuất nhập khẩu còn gặp nhiều khó khăn song những đơn hàng cuối năm dồi dào sẽ là động lực lớn để các DN nhanh chóng khôi phục. DN mong sẽ tiếp tục được hỗ trợ của các ngành trong việc mở rộng sản xuất, tìm kiếm nguồn lực, giúp DN từng bước khắc phục những khó khăn, tăng tốc đạt được sản lượng theo kế hoạch.

TIỂU MY - CÔNG THƯƠNG