Sắp xếp lại các trạm thu phí giao thông phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển - Kỳ 2

Thứ ba, ngày 08/01/2019

Kỳ 2: Sắp xếp phù hợp các trạm thu phí

(BDO)

Thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đưa địa phương trở thành tỉnh phát triển công nghiệp mạnh của cả nước, trong đó hình thức đầu tư theo phương thức xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) đã phát huy hiệu quả trong việc phát triển hệ thống đường bộ tỉnh nhà. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển mạng lưới giao thông như hiện nay, các phương tiện tìm cách “né” để lưu thông trên những tuyến đường khác gây áp lực cho việc tổ chức, phân luồng giao thông và dẫn đến một số tuyến đường xuất hiện mãn tải, ùn tắc giao thông. Để có cơ sở tổ chức, phân luồng giao thông lại các tuyến đường trọng yếu trên địa bàn tỉnh như quốc lộ 13, Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT743… đạt hiệu quả tốt, cần phải kết hợp với việc sắp xếp lại các trạm thu phí trên địa bàn tỉnh.

 Trạm thu phí Suối Giữa, quốc lộ 13 (TP.Thủ Dầu Một). Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Thực hiện đúng quy định của pháp luật

Trong những năm gần đây, kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung phát triển mạnh làm gia tăng nhu cầu giao thông, phương tiện giao thông qua địa bàn tỉnh, tạo áp lực rất lớn lên hệ thống hạ tầng giao thông. Trước tình hình này, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước. Nhờ đó, hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh được đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng, kết nối trong và ngoài tỉnh nhưng vẫn không theo kịp tốc độ gia tăng, phát triển phương tiện trên địa bàn.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện nhiều giải pháp nhằm kiểm chế, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Đối với việc đầu tư nâng cấp, mở rộng các công trình giao thông theo phương thức BOT trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua được thực hiện bảo đảm theo đúng các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Tỉnh còn thực hiện xã hội hóa các nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu phát triển trong thời gian tới, tỉnh đã giao Sở Giao thông - Vận tải nghiên cứu, đề xuất sắp xếp lại vị trí đặt trạm thu phí để hợp lý hóa chung cho mạng lưới giao thông. Trên cơ sở đó, đến nay tỉnh đã thông qua đề án sắp xếp lại các trạm thu phí BOT theo hướng giảm các trạm thu phí và hợp lý hóa về mặt tổ chức phân luồng giao thông.

Di dời trạm thu phí hợp lý

Đường Mỹ Phước - Tân Vạn đã đưa vào hoạt động, hiện lưu lượng giao thông trên tuyến rất cao; cùng với việc chuẩn bị thông tuyến đoạn tuyến Mỹ Phước - Bàu Bàng, mật độ phương tiện giao thông tuyến đường này sẽ tiếp tục gia tăng. Để duy trì khả năng khai thác tuyến đường này trong tình trạng tốt nhất, cần phải có nguồn kinh phí lớn để thực hiện công tác quản lý, duy tu, sửa chữa, bảo trì (nền mặt đường, hệ thống thoát nước, chiếu sáng, kể cả tiền điện chiếu sáng…). Bên cạnh đó, hệ thống đường tỉnh đã được đầu tư trên 10 năm đang xuống cấp, cũng cần một nguồn kinh phí lớn để duy trì khả năng khai thác, trong khi đó nguồn ngân sách được bố trí công tác bảo trì đường bộ quá hạn. Để có kinh phí vận hành, bảo dưỡng, khai thác tuyến đường này, trong thời gian tới, cùng với việc tổ chức, phân quần giao thông trên các trục đường giao thông ĐT743, quốc lộ 13… Sở Giao thông - Vận tải kiến nghị UBND tỉnh xem xét cho đặt trạm thu phí trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn.

Anh Lê Thành Tâm, tài xế xe container của một công ty ở Khu công nghiệp Mỹ Phước, cho biết tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn khi mới mở đã tạo thuận lợi cho các phương tiện vận tải chở hàng hóa nhanh hơn. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng ùn tắc, kẹt xe trên tuyến đường này đang xảy ra nhiều hơn. Chính vì thế, nếu lập trạm thu phí và phải đóng một khoản phí hợp lý để tuyến đường này rộng và thông thoáng hơn thì các tài xế như anh vẫn vui vẻ đồng tình. Còn theo bà Nguyễn Thị Thủy, người dân phường An Phú, TX.Thuận An: “Tôi thấy nếu lập trạm thu phí trên tuyến đường Mỹ Phước- Tân Vạn hợp lý, người dân chúng tôi cũng đồng tình, bởi số tiền đó nếu được đầu tư, quyết toán công khai, minh bạch và được dùng để đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường phục vụ cho quá trình phát triển của tỉnh thì người dân vui vẻ thực hiện”.

Đại diện Sở Giao thông - Vận tải cho biết, việc tổ chức, phân luồng giao thông phù hợp với vai trò của từng tuyến sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Bên cạnh đó, tổ chức sắp xếp khoa học các vị trí thu phí bảo đảm việc thu phí đúng đối tượng, đồng thời đơn vị liên quan có kinh phí để duy trì hoạt động, khai thác hiệu quả các công trình đã được doanh nghiệp đầu tư như đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đường ĐT746 đoạn từ cầu Tân Khánh đến đường Vành đai… Thực hiện tốt giải pháp này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh, môi trường đầu tư thông thoáng nên tỉnh sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư đến với tỉnh hơn.

Đối với địa phương, sẽ giảm gánh nặng cho ngân sách hàng năm trong việc quản lý duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng của các tuyến đường được đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng từ nguồn lực của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, góp phần giảm chi ngân sách hàng năm của tỉnh cho việc phân luồng, tổ chức giao thông, duy tu sửa chữa hư hỏng các tuyến đường do các phương tiện “né” trạm thu phí gây ra. Mặt khác, khi giao thông thuận lợi, an toàn sẽ hạn chế, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, những cách làm nói trên cũng góp phần giải quyết được nhu cầu, nguyện vọng của doanh nghiệp, người dân trong sinh hoạt và sản xuất, giảm giá thành sản xuất hàng hóa, rút ngắn thời gian đi lại. Cùng với đó giúp người dân và doanh nghiệp lựa chọn lộ trình vận chuyển phù hợp, thuận lợi trong việc đi lại, sinh hoạt.

Từ khi tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng đến nay, cùng với việc tỉnh Bình Dương mua lại trạm thu phí An Phú từ Công ty Cổ phần Vật liệu và xây dựng Bình Dương, nhiều phương tiện giao thông đã tránh trạm thu phí trên quốc lộ 13, chọn đi đường ĐT743 và đường Mỹ Phước - Tân Vạn nên mật độ giao thông qua 2 tuyến đường này rất lớn, nhất là vào giờ cao điểm. Nếu tình trạng ùn tắc giao thông trên đường ĐT743 đoạn từ cầu vượt Sóng Thần về ngã sáu An Phú và trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn (khu vực ngã sáu An Phú) thường xuyên xảy ra làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân trong khu vực, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, đồng thời nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút nhà đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tổ chức phân luồng giao thông trên các trục quốc lộ 13, Mỹ Phước - Tân Vạn và cụm tuyến ĐT743, Sở Giao thông - Vận tải đề xuất phương án sắp xếp lại trạm thu phí trên quốc lộ 13, cụ thể là xóa bỏ trạm thu phí trên quốc lộ 13 tại km21+000 (Suối Giữa, TP.Thủ Dầu Một).

 PHƯƠNG LÊ

Từ khóa: