“Sập bẫy” cho vay trực tuyến

Thứ tư, ngày 05/06/2024

(BDO) Một trong những thủ đoạn tinh vi của tội phạm sử dụng công nghệ cao hiện nay nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản là giả danh nhân viên công ty tài chính cho vay tiền với lãi suất hấp dẫn. Mặc dù, cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo nhưng vẫn có nhiều người trở thành nạn nhân của hình thức lừa đảo này.

 Cơ quan công an khuyến cáo người dân cảnh giác với thủ đoạn giả danh nhân viên ngân hàng để chiếm đoạt tài sản. Trong ảnh: Công an TP.Thuận An tuyên truyền nâng cao cảnh giác của người dân

 Bị lừa khi được “vay tiền ưu đãi”

Mới đây, chỉ vì tin lời cho vay mà ông Nguyễn Đình C. (SN 1982, ngụ TP.Thuận An) bị lừa hơn 100 triệu đồng. Theo trình bày của ông C., vào ngày 25-4, ông nhìn thấy tài khoản Facebook có tên “CSKH Quỳnh Nga Hỗ Trợ Cấp Vốn Khởi Nghiệp SS41” nên truy cập vào để xem thì tài khoản này tự động nhắn tin hỏi “cần hỗ trợ gì?”. Ông C. nhắn cần vay số tiền từ 2-300 triệu đồng. Ngay sau đó, một người đàn ông sử dụng số điện thoại 02844519523 và số 0375145936 gọi cho ông C. yêu cầu kết bạn Zalo “Minh Tâm” để hướng dẫn làm thủ tục vay tiền trực tuyến thông qua Công ty Tài chính Mcredit.

Sau khi kết bạn, “Minh Tâm” gửi qua Zalo một mã QR để ông C. quét mã dẫn đến một trang mạng có giao diện của Công ty Tài chính Mcredit để điền các thông tin cá nhân của ông C. nhằm lập hồ sơ vay tiền, trong có thông tin về số tài khoản của ông C. nhận tiền vay.

Sau khi ông C. làm theo hướng dẫn trên, “Minh Tâm” tiếp tục yêu cầu ông C. liên lạc với số điện thoại 0926409837 có tài khoản Zalo là Nguyễn Thị Hồng Gấm để được xét duyệt hồ sơ. Lấy lý do ông nhập sai thông tin tài khoản nhận tiền, dẫn đến hệ thống

 báo lỗi nên không giải ngân tiền vay được, Nguyễn Thị Hồng Gấm yêu cầu ông C. khắc phục lỗi trên bằng cách chuyển khoản trước 15%/tổng số tiền cần vay để “xác minh tài khoản”. Dù ông C. đã 5 lần chuyển 108 triệu đồng nhưng vẫn bị thông báo là hồ sơ bị lỗi và yêu cầu chuyển tiền tiếp để khắc phục thì mới nhận được tiền. Lúc này ông C. nghi ngờ bị lừa nên dừng chuyển tiền.

Cơ quan chức năng khuyến cáo khi có nhu cầu vay tiền, người dân cần liên hệ trực tiếp với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng ở địa phương nơi mình đang cư trú để được tư vấn, hướng dẫn làm thủ tục vay vốn. Đặc biệt, người dân cần cảnh giác, tìm hiểu kỹ, xác thực chính xác công ty tài chính và tư vấn viên thuộc công ty tài chính hợp pháp trước khi tiến hành các thủ tục vay vốn.

Đến ngày 26-4, qua tìm hiểu trên mạng, ông C. đến địa chỉ 19A đường Cộng Hòa, phường 12, quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh, là địa chỉ trụ sở Công ty Tài chính Mcredit. Tuy nhiên, khi đến địa chỉ trên ông C. được biết tại đây không có trụ sở của Công ty Mcredit. Sau đó ông C. đến cơ quan công an trình báo vụ việc.

Tương tự, anh Đặng Ngọc Phương N. (SN 1998, quê Bến Tre, tạm trú tại phường Bình Hòa, TP.Thuận An) cũng bị đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng “giăng bẫy” chiếm đoạt gần 20 triệu đồng.

Theo đó, ngày 13-3, anh N. truy cập vào Facebook thì thấy một trang mạng xã hội đăng nội dung cho vay tiền nên vào xem. Tài khoản Zalo Nguyễn Trọng Tuấn gửi kết bạn và hướng dẫn anh N. vay tiền tại ngân hàng. Anh N. hỏi vay 100 triệu đồng. Tuấn cho biết nếu làm đúng thủ tục thì phải đến 3-6 tháng mới được giải ngân, nếu anh N. muốn có tiền liền thì ra ngân hàng để tạo tài khoản rồi chuyển vào 20 triệu đồng. Tưởng thật, anh N. ra ngân hàng tạo tài khoản do anh đứng tên và chuyển vào 20 triệu đồng. Sau đó có hai số điện thoại gọi anh N. nói có khoản vay 100 triệu đồng và yêu cầu đọc mã OTP gửi về số điện thoại của anh để được xác nhận khoản vay. Khi anh N. cung cấp mã OTP thì thấy tài khoản… bị trừ gần 20 triệu đồng.

Người dân cần cảnh giác

Thủ đoạn giả danh nhân viên các công ty tài chính để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong các vụ việc như trên đã được Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ rõ. Theo đó, đối tượng lừa đảo thường nhắm vào tâm lý của những người đang cần tiền kinh doanh, tiêu xài, muốn vay số tiền lớn nhưng lại gặp khó khăn do vướng nợ xấu hoặc không đủ điều kiện vay vốn tại các tổ chức tài chính hợp pháp. Từ đó, các đối tượng mạo danh một số ngân hàng, công ty tài chính có thật tại Việt Nam, tạo lập website, ứng dụng trên điện thoại di động, thuê đăng quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội để chào mời cho vay tín chấp với lãi suất đặc biệt thấp.

Sau khi dẫn dụ người vay chuyển tiền để hỗ trợ xác minh và duyệt khoản vay, các đối tượng tiếp tục viện ra hàng loạt cớ khiến khoản vay không được giải ngân xuất phát từ lỗi khai hồ sơ, như: Ghi sai tên người hưởng thụ, không đủ điều kiện vay, thừa hoặc sai một số trên căn cước công dân... Các đối tượng yêu cầu người vay phải nộp thêm những khoản tiền để bảo đảm khoản vay hoặc khắc phục lỗi hệ thống; hứa hẹn sẽ hoàn trả lại đủ sau khi khoản vay được giải ngân. Tuy nhiên, khi người vay chuyển tiếp tiền vào số tài khoản do các đối tượng cung cấp, các đối tượng lập tức chiếm đoạt và chặn liên lạc với nạn nhân.

Mất tiền sau khi được “hỗ trợ đăng ký thẻ tín dụng”

Mới đây, ông Nguyễn Hữu T. (SN 1992, quê Gia Lai, tạm trú tại phường An Thạnh, TP.Thuận An) đã đến cơ quan công an trình báo về việc bị chiếm đoạt 15 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng.

Theo nội dung vụ việc, vào ngày 23-5, ông T. nhận được cuộc gọi từ Zalo “Vũ Quốc Khang” tự xưng là nhân viên Ngân hàng Vietinbank yêu cầu được hỗ trợ ông T. đăng ký thẻ tín dụng. Do tin tưởng nên ông T. làm theo hướng dẫn và cung cấp 3 số cuối của thẻ tín dụng cho tài khoản Zalo “Vũ Quốc Khang”. Lúc sau, khi ông T. kiểm tra tài khoản ngân hàng thì phát hiện số tiền 15 triệu đồng trong đó đã bị bốc hơi.

 NGUYỄN HẬU