Sáng ngời phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong phòng chống dịch
(BDO) Với tinh thần “Ở đâu nhân dân gặp gian khó, ở đó có cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) lực lượng vũ trang (LLVT)”, “Giúp dân là mệnh lệnh trái tim của Bộ đội Cụ Hồ”, trong những ngày Bình Dương tập trung cao độ chống dịch Covid-19, CB, CS LLVT bằng cả trách nhiệm, tình cảm “Quân - dân như cá với nước” đã chung sức cùng cấp ủy, chính quyền các cấp chăm lo, giúp đỡ nhân dân trong đại dịch Covid-19. Sáng ngời phẩm chất Bộ đội cụ Hồ, các anh đã góp phần tích cực vào việc chiến thắng dịch bệnh, đưa các hoạt động đời sống xã hội về trạng thái bình thường mới.
Món quà bất ngờ ngày chia tay
Những ngày qua, các địa phương trong tỉnh liên tục tổ chức buổi tri ân các đơn vị bộ đội tăng cường chống dịch. Các anh chiến thắng trở về cuộc sống thường nhật trong sự quyến luyến, đầy cảm xúc của mọi người.
Ở đâu nhân dân gặp gian khó, ở đó có cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh
“Tôi nghe nói các anh sắp rút đi, nay mai các anh ra Bắc rồi biết đâu mà tìm, muốn gặp cũng chẳng gặp được nữa...”, thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Bá Tấn, Bệnh xá cơ quan Quân đoàn 2, xúc động khi nhắc lại lời một bệnh nhân nói với mình trước ngày đoàn lên đường.
Được biết, thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Bá Tấn được giao phụ trách gần 50 cán bộ, nhân viên quân y vào tăng cường cho tỉnh Bình Dương phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời trực tiếp chỉ huy các tổ quân y tại huyện Bàu Bàng. Gần 2 tháng thực hiện nhiệm vụ, ông và đồng đội đã trải qua nhiều thử thách, thậm chí là nỗi ám ảnh, nhưng chính những giây phút sinh tử đó ông cảm nhận thêm về tình quân - dân, tình người sâu sắc.
Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Bá Tấn cho biết, khi phụ trách Khu cách ly, điều trị Phong Thạnh (xã Lai Hưng), ông đã nhận được rất nhiều lời cảm ơn, tin nhắn, cuộc gọi và cả quà của nhân dân gửi tới. Nhưng ấn tượng nhất là bệnh nhân Lê Thị Nga, công nhân cao su ở xã Tân Hưng. Ngày xuất viện, chị đã gửi Tổ quân y một lá thư cảm ơn, trong đó không quên kèm theo những dòng chữ: “Trong 17 ngày tôi phải chuyển phòng đến 4 lần, lúc đó cũng bực vì cứ chuyển tới chuyển lui hoài. Nhưng sau tôi suy nghĩ lại, các bác sĩ làm như vậy là tốt cho bệnh nhân…”.
Sau khi xuất viện, chị Nga vẫn giữ liên lạc, thường xuyên thăm hỏi, động viên các y, bác sĩ. Chị còn livestream khuyên mọi người không may bị nhiễm bệnh hãy yên tâm đi cách ly, tin tưởng vào sự chăm sóc, chữa trị của các y, bác sĩ.
“Ngày 10-10 vừa qua, chị chạy xe máy mang quà đến tặng tổ quân y, khiến anh em chúng tôi hết sức bất ngờ và xúc động. “Tôi nghe nói các anh sắp rút quân, nay mai các anh ra Bắc rồi biết đâu mà tìm, muốn gặp cũng chẳng gặp được nữa…”, lời nói rất chi là mộc mạc nhưng lại để lại trong tôi một cảm xúc khó tả”, thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Bá Tấn chia sẻ.
Hay như lời của thượng tá, bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Đức Hậu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, điều trị kỹ thuật cao, Viện Y sinh Nhiệt đới, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), phát biểu trong ngày chia tay: Thời gian công tác và gắn bó với TX.Tân Uyên sẽ mãi là những kỷ niệm đẹp, không bao giờ quên, chứa đựng tình cảm chân thành, sâu sắc của các thành viên trong đoàn đối với quân và dân miền Nam ruột thịt.
Trong những ngày “vùng đỏ” Tân Uyên oằn mình chống dịch, chúng tôi có dịp đến thăm Đoàn công tác Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đóng quân tại Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) TX.Tân Uyên, mới thấy được sự vất vả, tinh thần trách nhiệm và sự hi sinh thầm lặng của đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên nơi này. Họ không quản ngày đêm, làm việc hết công suất để hỗ trợ TX.Tân Uyên trong công tác xét nghiệm khẳng định PCR đối với các trường hợp nghi nhiễm trên địa bàn. Họ luôn chạy đua với thời gian để trả kết quả sớm, chính xác nhất, giúp bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, kịp thời thu dung, điều trị bệnh nhân Covid - 19.
Chống dịch, cứu dân
Khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, Bộ CHQS tỉnh đã bắt tay ngay vào việc thực hiện Chỉ thị số 660-CT/ĐU ngày 21-7-2021 của Đảng ủy Quân khu 7 về việc mở chiến dịch cao điểm giúp nhân dân vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19; phát động phong trào thi đua đặc biệt “Chống dịch, cứu dân”.
Chiến sĩ bộ đội chuẩn bị lương thực, thực phẩm chuyển đến người dân
Với tinh thần “Ở đâu gian khổ khó khăn, ở đó có bộ đội”; bằng mệnh lệnh trái tim người chiến sĩ chăm lo, bảo đảm sức khỏe, tính mạng và đời sống cho nhân dân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực nhất, không để người dân nào đói, khát, bị bỏ lại phía sau.., cán bộ, chiến sĩ đã chủ động, kịp thời giúp dân.
Đại tá Nguyễn Thanh Tâm, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh, cho biết trước diễn biến phức tạp của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, tỉnh Bình Dương đã huy động gần 14.000 cán bộ, chiến sĩ bộ đội địa phương, dân quân tự vệ phối hợp với bộ đội chủ lực, Công an và các ngành chức năng tham gia chống dịch. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ đã lao vào tâm dịch, các điểm nóng, khu cách ly, khu phong tỏa, bệnh viện dã chiến... làm công tác xét nghiệm, truy vết F0, điều trị giúp đỡ người bệnh yên tâm chữa trị.
Chưa hết, với nhiều cách làm, phong phú, đa dạng như “Phiên chợ Online 0 đồng”, “Cây ATM gạo Quân - Dân 0 đồng”, “Gian hàng 0 đồng”.., cán bộ, chiến sĩ bộ đội đã trực tiếp đưa hàng cứu trợ đến tay người dân gặp khó khăn, nhất là nhóm yếu thế.
Có cuộc chiến nào mà không hi sinh mất mát. Cùng với thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bộ CHQS tỉnh còn thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt, đó là tiếp nhận và đưa tro cốt của người tử vong vì dịch Covid-19 về với gia đình. Một việc làm đầy ý nghĩa và nhân văn sâu sắc, không chỉ chia sẻ khó khăn về nhu cầu thiết yếu cho nhân dân trong những ngày qua mà còn chia sẻ những nỗi đau thương, mất mát với gia đình có người tử vong vì đại dịch Covid-19. Bởi giờ đây, những hũ tro cốt lạnh lẽo lại chính là niềm an ủi lớn nhất cho những người đang sống.
Có những giọt nước mắt lặng lẽ rơi xuống, nhưng cũng có những giọt nước mắt chảy ngược vào trong. Chỉ có những cung bậc cảm xúc chực trào không thể nào kìm nén nỗi. Cả người trao và người nhận lặng lẽ nhìn nhau...
Sẵn sàng chiến đấu trong trạng thái bình thường mới
Cuộc chiến với Covid-19 chuyển sang trạng thái bình thường mới, cần phải thích ứng an toàn, linh hoạt để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Quà từ “Tấm lòng quân - dân” đến với người dân khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid – 19
Đại tá Nguyễn Thanh Tâm, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHS tỉnh, cho biết hiện nay tỉnh đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” phù hợp với tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, LLVT tỉnh thực hiện tốt công tác sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm đầy đủ lực lượng, phương tiện, phương án, kế hoạch... chủ động nắm chắc, đánh giá, dự báo chính xác tình hình.
Đồng thời, Bộ CHQS tỉnh phối hợp với Công an thực hiện hiệu quả phương án bảo đảm an ninh trật tự, kiểm soát phòng chống dịch trong điều kiện bình thường mới; kịp thời tham mưu xử lý hiệu quả các vụ việc phát sinh ngay từ cơ sở. Bộ CHQS tỉnh cũng phối hợp với các ngành thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; duy trì thực hiện hiệu quả các mô hình đã triển khai, nhất là giúp đỡ nhân dân vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Chỉ thị 660-CT/ĐU của Đảng ủy Quân khu 7...
Với tinh thần “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, luôn là lực lượng nòng cốt, xung kích trên tuyến đầu chống dịch. Hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” sáng mãi trong lòng nhân dân.
Thu Thảo