Sáng ngời phẩm chất bộ đội Cụ Hồ
(BDO) Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã có nhiều người con của đất nước hy sinh anh dũng, hoặc để lại một phần xương máu tại chiến trường. Có những người may mắn trở về tuy còn lành lặn nhưng lại phải gánh chịu những đớn đau bởi di chứng của chiến tranh. Nhưng vượt lên tất cả, ở họ vẫn sáng ngời đạo đức của người lính bộ đội Cụ Hồ năm xưa. Ông Đường Xuân Nền, (phường Bình Hòa, TX.Thuận An) một người lính năm xưa, cũng chính là đại diện cho thế hệ những người lính kiên cường, bản lĩnh cả trong thời chiến lẫn thời bình.
Cựu chiến binh Đường Xuân Nền (bìa phải) gặp lại những đồng đội năm xưa trong buổi họp mặt Câu lạc bộ 30-4 tại TX.Dĩ An. Ảnh: N.THANH
Với vẻ ngoài mộc mạc, chân chất của đời thường, cựu chiến binh Đường Xuân Nền vẫn gợi cho chúng tôi một ấn tượng sâu đậm về chất lính của anh bộ đội chiến đấu gan dạ, quả cảm một thời trong ông. Câu chuyện về những năm tháng khói lửa của ông không chỉ khắc họa chân thực cuộc đời lính chiến mà hơn hết nó khiến người nghe cảm động và khâm phục.
Ông Đường Xuân Nền sinh năm 1950, tại xã Quảng Hưng, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1968, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn ác liệt, mặc dù lúc đó ông vừa tốt nghiệp cấp II hệ 10 năm và đang chuẩn bị đi học chuyên tu ngành công nghiệp nặng, nhưng ông Đường Xuân Nền đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ để được đi đánh Mỹ, cứu nước.
Sau khi được huấn luyện các kỹ thuật, chiến thuật của người lính trinh sát đặc công, ông được điều động vào chiến trường miền Nam (đi B) chiến đấu. Ông bồi hồi nhớ lại: “Đi B là niềm vinh dự, tự hào của tuổi trẻ thời ấy. Chúng tôi cứ thế “xẻ dọc đường Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Ông Đường Xuân Nền bồi hồi nhớ lại, ngày ấy, mỗi người vác ba lô nặng 30kg gồm dụng cụ, thực phẩm, thuốc men trên vai; vượt đèo, vượt núi, đi bộ từ sáng tới tối, lúc ấy mới thấm thía “đi bằng cái đầu chứ không đi bằng đôi chân” là như thế nào. Đường Trường Sơn không chỉ có bệnh tật, sốt rét mà còn có những trận địch càn quét ném bom khốc liệt. Địch đánh phá rất dữ dội, ngày đêm rải bom đạn như mưa, đến nỗi đoàn chúng tôi phải tập kết tại Campuchia, mãi cho đến tháng 8-1969 mới đến được Sông Bé. Đồng đội hy sinh, mất mát rất nhiều. Có đoàn khi đi 100%, đến được nơi thì chỉ còn 20% quân số...”.
Năm 1970, ông Nền được bổ sung vào đơn vị C504, trinh sát đặc công, trực thuộc Tỉnh đội Sông Bé, làm nhiệm vụ đánh địch, tấn công, diệt ác, phá kìm, bóc gỡ các mạng lưới chỉ điểm của tình báo và cảnh sát, làm trong sạch và giảm áp lực tại các địa bàn. Tháng 2-1972, khi đang trực tiếp chiến đấu trong rừng Cò Mi, ông và đồng đội bị địch bao vây, đánh pháo chụm, nhưng ông may mắn thoát chết trong gang tấc. Năm 1973, sau khi bị địch bao vây do bọn chiêu hồi chỉ điểm trong lúc đang hoạt động ở Bình Nhâm, ông lại một lần nữa may mắn thoát được và chuyển về Dĩ An nằm vùng, hoạt động bí mật, tiếp tục chiến đấu. Ông bảo, tất cả vùng đất Thuận An và Dĩ An đều có in dấu chân ông. Chiến tranh gian khổ ác liệt, mỗi lần xuất quân là một cuộc chiến đấu quyết tử không hẹn ngày về. Có những đêm nằm vùng cơ sở, khi có tin báo địch đi càn, ông cùng đồng đội lại phải rút quân xuống hầm bí mật, cuộc sống chủ yếu lấy đêm làm ngày.
Nhắc đến các trận đánh mà mình tham gia, ông Nền bảo: “Những nơi tôi tham gia chiến đấu ngày ấy đều là những mặt trận rất ác liệt, như Trảng Dầu, sông Mã Đà, sông Đa Quýt, Bàu Gốc, Bình Cơ (Chiến khu Đ); rừng Cò Mi, Bình Nhâm, Lái Thiêu, Chiến khu Thuận An Hòa (Thuận An); Bình Trị, Tân Bình, Tân Hạnh, Đông Hòa (Dĩ An)…”.
Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, ông Nền về công tác tại UBND huyện Thuận An, rồi tại Phòng Thi hành án huyện Thuận An, đến năm 2001, ông về hưu. Ở nhiệm vụ nào ông cũng luôn nỗ lực hết sức và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Qua những cống hiến của mình, ông Đường Xuân Nền đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương như: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất; Huân chương Độc lập hạng nhất, nhì, ba; Huy hiệu kỷ niệm chương của Bộ Quốc phòng; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng và nhiều bằng khen, giấy khen.
Giờ đây, khi đã gần bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy”, ở ông vẫn sáng ngời phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ. Trong gia đình, ông là người chồng, người cha, người ông mẫu mực, được mọi người tin yêu, kính trọng. Trong mỗi cuộc trò chuyện gia đình, ông vẫn thường kể về những năm tháng lịch sử hào hùng của dân tộc như một cách để giáo dục con cháu về lòng yêu nước, tự hào tự tôn dân tộc; động viên con cháu chăm chỉ học tập, sống và làm việc có ích cho đời, xứng đáng với những hy sinh của thế hệ cha anh đi trước.
Ông bảo, những phẩm chất tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ luôn được những người lính như ông gìn giữ và phát huy, để mãi xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân, xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”…
NGỌC THANH