Sáng ngời “ngọn lửa màu xanh” – Bài 2

Thứ tư, ngày 13/07/2016

(BDO) Bài 2: Vun đắp cho màu xanh quê hương

Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, phát huy truyền thống vẻ vang trong giai đoạn kháng chiến, mang trong tim mình “ngọn lửa màu xanh tình nguyện” của TNXP Thủ Dầu Một năm nào, lực lượng thanh niên xung kích lại tiếp tục xông pha trên những tuyến đầu gian khó nhất: Khắc phục hậu quả và hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy mạnh lao động sản xuất, thành lập những khu kinh tế mới trù phú, góp phần tạo nên những bước đi vững chắc của đất nước và địa phương.

 “Như cánh chim không mỏi…”

Sau 30 năm chiến tranh, “tài sản” của tỉnh Sông Bé còn lại để bước đi trên “con đường mới” là ngân khố trỗng rỗng, cơ sở vật chất bị tàn phá nặng nề do chiến tranh. Bom đạn, chất độc hóa học của Mỹ đã biến phần lớn diện tích đất đai nông nghiệp Sông Bé thành vùng “đất trắng”. Tình cảnh này đã khiến hàng chục ngàn gia đình nông dân lúc này không có ruộng đất, thất nghiệp, thiếu đói khiến cuộc sống người dân vô vàn khó khăn. Bên cạnh đó các thế lực thù địch tìm cách chống phá, các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan có cơ hội nổi dậy hoạt động… Đây là những khó khăn lớn đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sông Bé cần tập trung giải quyết một cách quyết liệt.

Ông Nguyễn Văn Bình (bìa trái), nguyên Bí thư Tỉnh đoàn Sông Bé đang “truyền lửa” cho thế hệ trẻ hôm nay. Ảnh: T.LÊ

Trong niềm vui chiến thắng, quân và dân ta tập trung ra sức khắc phục hậu quả của chiến tranh, lao động sản xuất, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội. Tại Sông Bé, TNXP lúc này dưới sự quản lý của Tỉnh đoàn được mang tên là thanh niên xung kích lại như những cánh chim xung phong đến với chiến khu xưa, những vùng đất mới để xây dựng nên những vùng kinh tế trù phú. Những chiếc áo màu xanh lại thấm đẫm mồ hôi để vun đắp nên màu xanh của quê hương. Khi thực hiện bài viết này chúng tôi may mắn được gặp ông Nguyễn Văn Bình, nguyên Bí thư Tỉnh đoàn Sông Bé.

Ông Nguyễn Văn Bình hồi tưởng lại: Sau năm 1975, tỉnh Thủ Dầu Một tiếp quản hầu như nguyên vẹn thị xã, thị trấn nhưng cơ sở vật chất do địch để lại chỉ có thể đáp ứng được nhu cầu rất nhỏ so với nhu cầu của đời sống nhân dân. Vùng giải phóng cũ, ruộng đất hoang hóa nhiều, dân cư thưa thớt, trình độ dân trí thấp; hầu hết đều thiếu lao động và công cụ, vật tư sản xuất. Nhân dân vùng căn cứ, vùng giải phóng cũ trở về xóm làng để sản xuất phải đối mặt với muôn vàn khó khăn trong tay khi điều kiện sản xuất còn rất nhiều hạn chế, thiếu thốn… Ngược lại, những vùng mới được giải phóng, do hậu quả của thủ đoạn gom dân bắt đi lính của địch, trong thị xã, các thị trấn, thị tứ, hàng vạn người thất nghiệp, không việc làm, đời sống đói khổ. Yêu cầu cấp bách sau giải phóng là bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng chính quyền, đẩy mạnh sản xuất, khôi phục và phát triển kinh tế, từng bước ổn định đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa, xã hội của nhân dân. Quần chúng phấn khởi đón mừng quê hương giải phóng. Những người phiêu tán được sự giúp đỡ của bộ đội, chính quyền cách mạng đã nhanh chóng trở về quê hương xây dựng cuộc sống…

Trong muôn vàn khó khăn, thiếu thốn nhưng phát huy truyền thống vẻ vang của lực lượng TNXP trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, với nhận thức mới về tiến trình phát triển của đất nước, với khát vọng đổi đời, khát vọng vượt qua đói nghèo, lực lượng thanh niên xung kích tỉnh Sông Bé quyết tâm vượt qua khó khăn, khai hoang phục hóa, đẩy mạnh sản xuất, phục hồi kinh tế mà trước hết là sản xuất nông nghiệp, cây lương thực và rau màu ngắn ngày. Từ đây đã hình thành nên những lâm trường của thanh niên xung kích như lâm trường 30 tháng 4, lâm trường Thống Nhất…

Theo ông Bình, yêu cầu quan trọng nhất của sản xuất trong giai đoạn này chính là phải có các công trình thủy lợi để phục vụ tưới tiêu. Chính vì vậy, hàng ngàn thanh niên xung kích đã ra sức xây dựng các công trình thủy lợi như hệ thống thủy lợi Tây Nam, đập Ông Khương. Ông Bình nói: “Thanh niên xung kích đã có mặt tại các vùng đất khó khăn như Bù Đăng, Lộc Ninh để cùng sống, cùng ăn, cùng ở với nhân dân; vượt qua những tổn thất, khó khăn do bom đạn còn sót lại, những trận sốt rét rừng, thiếu thốn về cái ăn, cái mặc thanh niên xung kích Sông Bé vẫn luôn đoàn kết, gần gũi, chia sẻ, động viên nhau cùng vượt qua khó khăn. Điều quan trọng đạt được là thanh niên được tiếp tục tập hợp, rèn luyện, đào tạo trở thành những con người xã hội chủ nghĩa thực thụ. Chỉ sau một thời gian ngắn, diện tích gieo trồng của tỉnh tăng lên nhanh chóng cùng với đó phong trào thủy lợi nội đồng được đẩy mạnh, phục vụ cho nhu cầu tưới tiêu”.

Xông pha nơi tiền tuyến

Trong khi đó, trên khu vực biên giới thuộc tỉnh Sông Bé, từ tháng 4-1977, bọn phản động từ phía bên kia biên giới đã diều động lực lượng vũ trang áp sát biên giới của tỉnh và liên tiếp hoạt động xâm nhập trinh sát từ Bù Đốp đến giáp Tống Lê Chân. Chỉ trong quý II và quý III năm 1977, lực lượng Khmer Đỏ đã thực hiện 58 vụ hoạt động quân sự khiêu khích, nhất là ở Hoa Lư, Tà Nốt, Hoàng Diệu. Vì thế, đây là thời kỳ mà ta vừa thực hiện khẩu hiệu “Tất cả cho sản xuất, tất cả để xây dựng xã hội chủ nghĩa, tất cả vì Tổ quốc giàu mạnh, vì hạnh phúc nhân dân” vừa động viên sức người, sức của cho nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xây dựng tuyến phòng thủ bảo vệ biên giới, đấu tranh phá rã các nhen nhóm phản động, giữ vững an ninh chính trị.

Thời điểm ấy, Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh chỉ thị: “Huy động lực lượng TNXP xây dựng tuyến phòng thủ bảo vệ biên giới”. Do vậy, mặc dù thiếu thốn lương thực, thực phẩm, thiếu dụng cụ lao động… lực lượng TNXP phục vụ chiến đấu lúc này được gọi với lực lượng dân quân phục vụ chiến tranh biên giới Tây Nam. Với tinh thần xung kích, tiên phong, đoàn viên, thanh niên tại các địa phương được tập hợp với tên gọi dân quân tự vệ hăng hái lên đường phục vụ chiến đấu. Bất chấp các hiểm nguy, trên công trường xây dựng tuyến phòng thủ biên giới từng đại đội dân quân tự vệ vẫn hăng hái thi đua lao động, mở các tuyến đường bảo đảm ngày công và năng suất.

Ông Bình chia sẻ: “Dù thực hiện những nhiệm vụ khác nhau, dưới những tên gọi khác nhau nhưng lực lượng thanh niên xung kích, dân quân tự vệ tỉnh Sông Bé vẫn phát huy được truyền thống quý báu của lực lượng TNXP giai đoạn trước; vượt qua được khó khăn, đoàn kết, gắn bó cùng lao động, cùng chiến đấu, cùng tiến bước trên con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Có thể nói, dù là trong giai đoạn chiến tranh chống các thế lực thù địch hay là trong giai đoạn kiến thiết xây dựng đất nước, những người TNXP dù mang những tên gọi khác nhau, thực hiện những nhiệm vụ khác nhau nhưng vẫn giữ trong mình “ngọn lửa màu xanh” tình nguyện; phát huy ý chí, khát vọng của tuổi trẻ để vun đắp cho màu xanh quê hương tươi thắm mãi.

“Dù thực hiện những nhiệm vụ khác nhau, dưới những tên gọi khác nhau nhưng lực lượng thanh niên xung kích, dân quân tự vệ tỉnh Sông Bé vẫn phát huy được truyền thống quý báu của lực lượng TNXP giai đoạn trước; vượt qua được khó khăn, đoàn kết, gắn bó cùng lao động, cùng chiến đấu, cùng tiến bước trên con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

(Ông Nguyễn Văn Bình, nguyên Bí thư Tỉnh đoàn Sông Bé)

 

CAO SƠN

 Bài 3: Đồng hành cùng quê hương…