Sáng mãi nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” - Bài 3

Thứ tư, ngày 30/11/2016

(BDO) Bài 3: Tri ân chị Lê Thị Thiên

Nhằm góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ về sự hy sinh, lý tưởng sống cao đẹp và để thể hiện lòng tri ân của học sinh, sinh viên, thầy cô giáo trong ngành giáo dục đối với gương anh hùng liệt sĩ Lê Thị Thiên, thời gian qua, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với Báo Bình Dương phát động đợt quyên góp ủng hộ xây dựng Nhà lưu niệm nhà giáo - liệt sĩ Lê Thị Thiên. Công trình dự kiến sẽ được khánh thành vào ngày 17-12 tới. Đây cũng là một công trình biểu tượng của ngành giáo dục trong toàn quốc.

Nhà lưu niệm nhà giáo - liệt sĩ Lê Thị Thiên, một công trình có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho thế hệ từ hôm nay Ảnh: V. DŨNG

Việc quyên góp được thực hiện nhằm huy động sự đóng góp tự nguyện theo trách nhiệm và tình cảm của các tổ chức, cá nhân trong ngành giáo dục để xây dựng Nhà lưu niệm cho nhà giáo - liệt sĩ Lê Thị Thiên, người đã được tặng Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng ba và được Hội đồng Nhà nước truy tặng Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng hai. Nhà lưu niệm của liệt sĩ cũng có ý nghĩa góp phần giáo dục thế hệ trẻ hôm nay về lý tưởng sống cao đẹp của lớp thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh. Nhà lưu niệm sẽ là nơi lưu giữ hiện vật và giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp, tinh thần cách mạng sáng ngời của chị Lê Thị Thiên và cũng là công trình, di tích thể hiện tấm lòng tri ân mến mộ của thầy cô giáo, học sinh, sinh viên của tỉnh Tiền Giang và cả nước đối với chị Lê Thị Thiên- người con gái kiên trung, giàu lòng yêu nước.

Nhớ lại năm 2012, khi cuốn nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” của nữ nhà giáo, liệt sĩ Lê Thị Thiên được Báo Bình Dương tiếp cận sau gần 50 năm nằm dưới lòng đất mẹ và công bố rộng rãi trên báo chí, tuổi trẻ Bình Dương và cả nước đã rất cảm động, kính phục, nghiêng mình trước tấm gương chiến đấu, anh dũng hy sinh khi tuổi đời chưa quá 20 của chị. Từ đó, tuổi trẻ Bình Dương đã có nhiều hoạt động tri ân trước những hành động cách mạng, chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc của nữ nhà giáo, liệt sĩ Lê Thị Thiên.

Trong năm 2013, Tỉnh đoàn Bình Dương đã phối hợp với Báo Bình Dương, Đài PT-TH Bình Dương tổ chức phát động cuộc thi viết cảm nhận về quyển nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” của nhà giáo - liệt sĩ Lê Thị Thiên. Sau một thời gian ngắn, cuộc thi đã thu về gần 20.000 bài dự thi từ khắp mọi miền đất nước. Cuộc thi đã thu hút rất nhiều đối tượng gồm học sinh, đoàn viên, công chức trẻ, giáo viên, công nhân, cựu chiến binh… Tất cả đều có những cảm nhận riêng về nữ liệt sĩ Lê Thị Thiên.

Cuộc thi đã góp phần giáo dục lý tưởng sống cho các bạn trẻ hiện nay, được thể hiện rõ trong những dòng cảm nhận sâu sắc về chị Thiên, về quê hương đất nước. Chị Đàm Thị Xuân Uyên (giáo viên trường THCS Lê Ngọc Hân, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang), người đoạt giải nhì cuộc thi đã viết: “Có thể xem quyển nhật ký như là một quyển sổ tu dưỡng không chỉ cho chị mà cho cả chúng ta hôm nay… Tinh thần học tập của chị thật đáng trân trọng. Cho đến những dòng cuối cùng của nhật ký, chị vẫn muốn đọc sách để học thêm. Là giáo viên tôi thấy mình quá bé nhỏ trước chị. Điều kiện hiện nay tốt hơn nhưng đôi lúc tôi còn tự mãn với kiến thức của mình. Tôi tự hào về chị và nguyện noi gương chị”.

Trong Công văn số 5791/BGDĐT- CTHSSV gửi các sở Giáo dục và Đào tạo toàn quốc của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo chủ đề của năm học 2013-2014 đã yêu cầu: Sưu tầm nhật ký của một số anh hùng liệt sĩ là cựu sinh viên điển hình đại diện cho tấm gương thế hệ trẻ trong các cuộc kháng chiến cứu nước, như: Nhật ký Đặng Thùy Trâm, nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” của liệt sĩ Lê Thị Thiên và nhật ký “Khát vọng Sống và Yêu” của liệt sĩ Bùi Kim Đỉnh… bổ sung vào tủ sách tại thư viện trong các nhà trường, cơ sở giáo dục, để học sinh có điều kiện tham khảo, học tập.

Cũng trong năm 2014, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức cuộc triển lãm về nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” của chị Lê Thị Thiên tại trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TP. Hồ Chí Minh). Buổi triển lãm đã thu hút đông đảo học sinh, sinh viên đến tham dự và tỏ lòng ngưỡng mộ, tri ân sâu sắc về người nữ chiến sĩ sáng ngời lý tưởng, biết quên thân mình cho đất nước được độc lập, tự do.

Anh Mai Phúc Hậu (Công ty Zenith Label, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 1, TX.Thuận An), đồng giải nhì đã viết: “Mình vô cùng khâm phục, ngưỡng mộ tinh thần bất khuất, ý chí kiên định vững vàng và lòng trung thành với Đảng, với cách mạng của chị trong những ngày chiến tranh ác liệt, ngay cả những lúc khó khăn, gian khổ nhất của cuộc chiến đấu. Trong cuộc sống, chúng ta phải biết dũng cảm đối đầu những khó khăn để vượt qua tất cả… Chúng ta hãy nhìn lại quá khứ để hướng tới tương lai, rút ra bài học hữu ích cho hôm nay và mai sau. Thời nào cũng vậy, con người đều cần có ước mơ, hoài bão, lý tưởng để định hướng và thắp lên ngọn lửa trong tim thôi thúc hành động…”.

Ngoài cuộc thi viết cảm nhận về nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh”, hình ảnh về nữ nhà giáo - liệt sĩ Lê Thị Thiên đã được tuổi trẻ Bình Dương khắc họa lại trong những cuộc thi tuyên truyền ca khúc cách mạng qua những bài múa được dàn dựng công phu tóm tắt về cuộc đời chị. Và gần gũi hơn, sâu sát hơn, các cơ sở Đoàn đã tổ chức những chuyến về nguồn, thăm gia đình chị Thiên tại TX.Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, gần đây nhất là chuyến về nguồn của Chi đoàn cơ quan Tỉnh đoàn nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7). Đến nhà chị, các thành viên trong đoàn đã được tận mắt chứng kiến vùng quê nơi chị được sinh ra và lớn lên, được trò chuyện với người nhà của chị và tận tay thắp cho chị nén nhang. Bạn Nguyễn Thanh Thảo, đoàn viên chi đoàn cho biết: “Chuyến thăm gia đình chị Thiên tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại chúng tôi rất nhiều cảm xúc. Thật tự hào khi Bình Dương là mảnh đất nơi chị đã chiến đấu hết mình và anh dũng hy sinh…”. Chuyến về nguồn thăm gia đình chị Thiên nhằm giúp cán bộ, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) học tập tấm gương chiến đấu anh dũng hy sinh của chị; đồng thời tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước, hướng về nguồn cội. Qua đó, khơi gợi lòng tự hào về truyền thống đấu tranh hào hùng của dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm của ĐVTN trong công cuộc xây dựng và bảo về Tổ quốc. Ngoài việc đến thăm hỏi gia đình chị Thiên, chi đoàn đã đến Đồng Tháp, viếng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Bác Hồ; thăm và tặng quà cho 3 mẹ Việt Nam anh hùng và 1 gia đình chính sách.

Trước đó, Thị đoàn Bến Cát cũng đã tổ chức chuyến du khảo về nguồn tại huyện Cai Lậy cho hơn 90 cán bộ ĐVTN thuộc 23 Chi đoàn khối Cơ quan Thị đoàn. Trong chuyến đi, đoàn đã viếng Khu di tích Ấp Bắc; thăm, tặng quà gia đình liệt sĩ Lê Thị Thiên và Anh hùng lực lượng vũ trang - liệt sĩ Trừ Văn Thố. Tại đây, đoàn cũng đã thực hiện công trình thanh niên “Vườn cây nghĩa tình”; sinh hoạt giao lưu văn hóa văn nghệ với chủ đề Nối vòng tay lớn, tiếp lửa truyền thống “Nhật ký thế hệ Hồ Chí Minh” và tặng 1.000 quyển tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tặng 2 dàn máy vi tính cho Xã đoàn Mỹ Phước Tây và Thị đoàn Cai Lậy.

 

 M.T.P - N.N