Sáng mãi nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” - Bài 1
(BDO) Bài 1: Nhớ lại hành trình đi tìm tác giả…
Đã hơn 4 năm trôi qua, kể từ ngày Báo Bình Dương tìm được tác giả của nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh”, nhiều tổ chức, ban ngành từ Trung ương đến địa phương đã quan tâm đặc biệt đến sự kiện mang nhiều ý nghĩa này. Điều đáng ghi nhận là trong thời gian qua, tỉnh Tiền Giang, Sở Giáo dục - Đào tạo Tiền Giang, Báo Bình Dương… cùng phối hợp tổ chức được các hoạt động đền ơn đáp nghĩa tại quê hương liệt sĩ Lê Thị Thiên, như trao học bổng mang tên chị Thiên cho các em học sinh; đặc biệt đã vận động quyên góp được hơn 1 tỷ đồng xây dựng Nhà lưu niệm chị Lê Thị Thiên. Nhân dịp chuẩn bị khánh thành nhà lưu niệm (ngày 17-12), Báo Bình Dương thực hiện một số bài viết ôn lại sự kiện mang ý nghĩa đặc biệt này.
Chân dung chị Lê Thị Thiên trên bìa sách Nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh và bản gốc cuốn nhật ký Ảnh: V.DŨNG
Câu chuyện được bắt đầu từ cuối tháng 8-2012, Báo Bình Dương nhận được từ cựu chiến binh Huỳnh Văn Sáng, ngụ ấp Xóm Đèn, xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên (nay là Bắc Tân Uyên) quyển nhật ký với 35 trang giấy kẻ ô li khổ 8x12cm và 6 bức ảnh đã ố màu thời gian do ông tình cờ nhặt được ở khu đất của nghĩa trang gia tộc. Ông Sáng kể, ông thấy được quyển nhật ký tại khu đất nghĩa trang gia tộc sau một cơn mưa chiều rất lớn. Quyển nhật ký được gói trong hai lớp bao nilon dày và dán kín, vì vậy mà nét chữ còn rất rõ, dù thời gian đã gần 50 năm dưới lòng đất.
Lần theo từng trang nhật ký qua nét chữ rõ ràng, dễ đọc, chúng tôi không khó để nhận ra đây là quyển nhật ký của một nữ giáo viên - chiến sĩ công tác ở vùng Chiến khu Đ vào thời điểm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trang bìa nhật ký được tác giả nắn nót viết “ Thế hệ Hồ Chí Minh”; dòng đầu đề tháng 12-1962 và những dòng chữ cuối cùng đề ngày 20-10- 1966. Những trang viết giàu lòng yêu nước, nêu cao lý tưởng cách mạng, lý tưởng cộng sản, tin tưởng tuyệt đối vào ngày mai tươi sáng.
Từ khi nhận được quyển nhật ký, các đồng chí trong Ban Biên tập Báo Bình Dương luôn đau đáu và quyết tâm một điều: Phải tìm bằng được thân nhân của tác giả quyển nhật ký. Và sau khi quyết định đăng nội dung nhật ký và loạt bài viết “Kỷ vật từ lòng đất”, Tòa soạn báo đã nhận được rất nhiều ý kiến của độc giả phản hồi nên tiếp tục tìm tác giả quyển nhật ký. Điều đó đã thôi thúc tập thể cán bộ, phóng viên Báo Bình Dương bắt đầu hành trình đi tìm tác giả nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” .
Trong thời gian hơn một tháng đi nhiều địa điểm ở một số tỉnh, thành, có lúc tưởng chừng không thể vì thời gian quá lâu, ít manh mối… nhưng cuối cùng mọi người trong đoàn đã vỡ òa niềm vui khi tìm được thân nhân gia đình liệt sĩ ở một vùng đất giàu truyền thống cách mạng miền Tây Nam bộ, kết thúc một hành trình mang nhiều yếu tố tâm linh.
Nhận được tin chuẩn bị khánh thành Nhà lưu niệm chị Lê Thị Thiên, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, thầy Nguyễn Xuân Đàm dù đang gặp phải cơn bạo bệnh nhưng thầy rất vui và hạnh phúc. Thầy cho biết, vừa qua nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã sáng tác bài hát Ngôi trường mang tên chị Lê Thị Thiên với những lời lẽ rất cảm động. Thầy Đàm cho biết, trong ngày khánh thành nhà lưu niệm, thầy và các đồng đội của chị Thiên sẽ về dự cùng hát vang lời ca và tặng thêm những kỷ vật liên quan của trường Giáo dục Tháng Tám. |
Nói về sự kiện này, trong bài viết của mình tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Hội Sử học Bình Dương đã viết: Nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” là tập nhật ký thứ ba tìm được mà tác giả là những liệt sĩ tuổi trẻ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cũng như Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc, chị Lê Thị Thiên, gọi theo Nam bộ là chị Sáu Thiên đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc và cách mạng. Cả 3 người đã viết nhật ký mà không ai nghĩ rằng những dòng chữ đó ngày nay được những người còn sống tìm đọc trong tình cảm dâng trào yêu thương và ngưỡng mộ. Khác với chị Trâm, anh Thạc, chị Sáu Thiên là cô gái miền Nam, học hành ít hơn, chị chưa có ngày tháng nào trên giảng đường đại học, chữ nghĩa cũng ít hơn, lời lẽ ghi chép cũng chất phác mộc mạc hơn. Dung lượng ghi chép, nội dung thể hiện, số trang nhật ký cũng ít hơn. Nhưng nói như người ta đã nói về nhật ký của chị Trâm, cả 3 tập nhật ký đều có lửa. Ngọn lửa được thắp sáng rực rỡ từ lý tưởng cách mạng và lối sống trong sáng, cao quý của tuổi trẻ Việt Nam. Như vậy là nhật ký “ Thế hệ Hồ Chí Minh” là tập nhật ký cách mạng đầu tiên tìm được của thanh niên Nam bộ, được phát hiện ở Nam bộ. Chắc rằng, chúng ta sẽ còn tiếp tục phát hiện thêm được những tập nhật ký khác, cũng rực lửa lý tưởng như vậy.
Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng cho rằng, việc tìm ra được liệt sĩ là một cơ duyên mang yếu tố tâm linh. Cơ duyên thứ nhất gắn với người lính già Bảy Sáng. Đó là người lính từng trải chiến trường, giờ về nghỉ nhưng luôn trăn trở đi tìm hài cốt đồng đội để rồi phát hiện ra chiếc túi nilon chứa kỷ vật của liệt sĩ. Cơ duyên thứ hai bắt đầu từ việc Bảy Sáng trao kỷ vật đó cho phóng viên Báo Bình Dương. Cơ duyên thứ ba, tập nhật ký của chị Thiên được tập thể lãnh đạo cơ quan Báo Bình Dương đón nhận với tình cảm thành kính ngưỡng mộ và các đồng chí lãnh đạo đã hành động theo cách của các nhà báo. Một hành trình tâm linh đi tìm tông tích tác giả liệt sĩ nhà giáo cách mạng đã được báo phát động và đeo đuổi.
Cơ duyên thứ tư gắn liền với sự kiện lễ “Kỷ niệm 50 năm Giáo dục thời kỳ chống Mỹ cứu nước” ở Tây Ninh đã đưa nhóm tìm kiếm của Báo Bình Dương đến với những người thầy và bạn cùng lớp, đồng chí, đồng nghiệp của chị ở trường Giáo dục Tháng Tám và Tiểu ban Giáo dục Trung ương Cục. Chính ở đây dẫn đến kết quả là ngành giáo dục - đào tạo đã gửi cho Báo Bình Dương danh sách 810 liệt sĩ giáo dục để anh em ở báo khoanh vùng và loại trừ dần, sau cùng quyết định đi Tiền Giang tiếp tục tìm kiếm. Chị Sáu Thiên thật là thiêng đúng như thầy Đàm, người thầy cũ của chị ở trường Giáo dục Tháng Tám đã viết: Sống em là Thiên/ Thác em lại càng Thiêng.
Trong cơ duyên cuối cùng, như có sự sắp đặt để nhóm tìm kiếm của Báo Bình Dương chọn ngẫu nhiên ông Mai Văn Nghiêm trong số khá nhiều người là những cựu chiến binh và lão thành cách mạng mà xã giới thiệu để xác minh. Khi nhóm tìm kiếm đưa bức ảnh chị Sáu ra để xác minh, đôi mắt của ông già Nghiêm đã sáng lên trong câu nói thảng thốt: Trời con nhỏ Thiên đây chứ ai! Chính tôi là người tổ chức cho chúng nó lên đường tòng quân. Niềm vui vỡ òa!
Một hành trình tâm linh đã kết thúc trong một chuỗi cơ duyên như vậy. Hành trình đó gắn liền với sự đeo đuổi nhiệt thành của Báo Bình Dương, sự quan tâm chung sức đồng hành của nhiều người để đi đến thành công (Còn tiếp).
M.T.P