Sáng mãi một niềm tin- Bài 2
(BDO) Bài 1: Chân dung một con người vĩ đại
Bài 2: Con đường mang tên Bác
Những cán bộ, chiến sĩ bộ đội Trường Sơn năm xưa thăm lại điểm di tích trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại
Bác Hồ ở trong tim
Mở đầu cho câu chuyện về con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, khẳng định: “Nếu không có tuyến chi viện chiến lược, đường Hồ Chí Minh thì không thể có thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.
Trải qua 16 năm, kể từ ngày đầu “xoi đường”, “mở lối” cho đến khi kết thúc chiến tranh, chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã phải đương đầu với sự ngăn chặn khốc liệt, tàn bạo, bằng nhiều lực lượng, nhiều thủ đoạn, nhiều loại phương tiện chiến tranh và vũ khí hiện đại nhất lúc bấy giờ của kẻ thù. Tuy nhiên, vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, lực lượng chiến đấu, công tác trên đường Trường Sơn suốt bao năm ròng không tiếc tuổi xuân, không tiếc máu xương, vì sự sống của con đường, đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bền bỉ và kiên cường trụ bám trận địa, trụ bám mặt đường, giữ vững mạch máu giao thông, đập tan mọi âm mưu và hành động đánh phá ngăn chặn của quân thù. Nhờ đó, tuyến vận tải chiến lược dọc dãy Trường Sơn không ngừng phát triển, đáp ứng sự chi viện to lớn, toàn diện, liên tục, mạnh mẽ của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Để hiểu hơn về những khó khăn gian khổ trên tuyến đường này, chúng tôi tìm đến ông Phạm Văn Nhường (hay gọi Năm Nhường) và ông Ao Sỹ. Đây là 2 trong số 25 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn B.90 - một đoàn vũ trang đặc biệt, có nhiệm vụ về miền Nam hợp nhất với lực lượng của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, xây dựng cơ sở và xoi mở đường để hình thành con đường chiến lược thông suốt Bắc - Nam ở cuối dải Trường Sơn. Và trong hành trình đầy gian lao ấy, Bác Hồ chính là động lực, niềm tin để ông và đồng đội lên đường làm nhiệm vụ trong điều kiện vô cùng khó khăn gian khổ.
Theo lời kể, trong những ngày tập trung tại Hà Nội để chuẩn bị vào Nam, ông Năm Nhường, Ao Sỹ cùng 23 đồng chí ở Đoàn B.90 đã được gặp Bác Hồ ngay Phủ Chủ tịch. Ông Năm Nhường cho biết, mặc dù bận trăm công ngàn việc, Bác Hồ vẫn dành thì giờ gặp gỡ đoàn. Bác hỏi thăm sức khỏe dặn dò nhiều việc. Có những việc mà cán bộ, đoàn viên của đoàn chưa biết, chưa hề nghĩ đến. Trong đó, có một câu nói của Bác Hồ mà sau 62 năm, ông Năm Nhường vẫn nhớ như in. Bác hỏi: “Các cháu về Nam làm gì”. Cả đoàn đều đáp về miền Nam làm cách mạng. Lúc này, Bác mới ôn tồn nói: “Làm cách mạng là tốt, nhưng phải biết vận động nhân dân miền Nam làm cách mạng, nếu chỉ các cháu làm thì cách mạng không thể thành công”. Bác lại hỏi: “Về miền Nam các cháu làm gì trước?”. Mới được học Nghị quyết 15 nên anh em hăng hái trả lời theo nghị quyết. Nhưng Bác lại nói: Những việc đó là tốt nhưng về Nam phải làm tốt trước việc “đoàn kết”. Bác bảo phải đoàn kết giữa cái mới với cái cũ. Các cháu tập kết ra Bắc, gần Đảng và Chính phủ, được học tập lý luận nhưng thiếu kinh nghiệm thực tế. Các cô, chú ở lại miền Nam không đi tập kết, ít được học lý luận nhưng nhiều kinh nghiệm trong đấu tranh chống địch, phải biết đoàn kết, bồi bổ cho nhau mới tạo thành sức mạnh chiến thắng quân thù. Bác cũng gửi lời chúc đồng bào miền Nam sức khỏe, đấu tranh thắng lợi, nước nhà mau thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà.
Ông Ao Sỹ kể: “Hơn một năm trời ròng rã, với bao khó khăn vất vả, các đơn vị tham gia mở đường hành lang chiến lược mang tên Hồ Chí Minh đoạn cuối dải Trường Sơn, nối liền Nam Tây nguyên với miền Đông Nam bộ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chúng tôi không nhớ hết mình đã vượt qua bao nhiêu khe, suối, núi cao của dải Trường Sơn hùng vĩ này. Cái điệp khúc “Có đi có đến, không đi không đến” hay “Đi nhanh đến trước ông mặt trời, đi chậm đến sau ông mặt trời” cứ lặp đi lặp lại. Chính niềm tin vào Bác Hồ vào ngày toàn thắng đã cho chúng tôi động lực để hoàn thành nhiệm vụ lịch sử”…
Đường chúng ta đi
Đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử trọng đại trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước trong suốt 16 năm (1959-1975). Đường Hồ Chí Minh mãi mãi đi vào lịch sử như một con đường huyền thoại chỉ bởi chiều dài của nó vượt đại ngàn miền Trung, Tây nguyên mà còn là nghị lực lao động, tinh thần chiến đấu, hy sinh của hàng chục vạn con người mở đường, đã trở thành biểu tượng sâu sắc của lòng yêu nước.
Thiếu tướng Phan Khắc Hy đánh giá, thực tế đã chứng minh rõ ràng, mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là một quyết định lịch sử, mang tầm chiến lược và sáng tạo của Bác Hồ, của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Với quyết định đó, tuyến vận tải chiến lược đã ra đời, phát triển trong mưa bom, bão đạn và đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Nó là một tượng đài lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một trong những bệ đỡ cho sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh mãi mãi là niềm tự hào, niềm kiêu hãnh của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ, văn nghệ sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn; là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; là huyền thoại của huyền thoại trong bản trường ca chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh của thế kỷ XX, sẽ mãi mãi đi cùng năm tháng với lịch sử của Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Hôm nay đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh mang sứ mệnh lịch sử mới, chính thức trở thành một tuyến quốc lộ Bắc - Nam hiện đại, phục vụ cho khát vọng vươn lên của dân tộc, sự phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng; đó cũng là con đường phồn vinh, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân; đó cũng là con đường mà Bác đã chỉ ra để chúng ta đi tới... (còn tiếp)
THU THẢO