Sáng mãi một niềm tin- Bài 1

Thứ hai, ngày 17/05/2021

(BDO) Bài 1: Chân dung một con người vĩ đại

Đặt bút viết về Bác, không biết dùng từ hoa mỹ nào cho phù hợp khi mà Người vĩ đại từ những điều giản dị. “...Đừng huyền thoại thay cho đời giản dị/ Khiến Bác thành xa lạ giữa quê hương/ Bác tự làng Sen về với núi sông/ Ngàn cánh hạc vỗ bay trời xứ sở/ Ai cũng thấy đời riêng trong cuộc đời lãnh tụ/ Bác vĩnh hằng như thế giữa nhân dân”...

Tìm đường cứu nước, cứu dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, lớn lên đi học lấy tên là Nguyễn Tất Thành, hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc) sinh ngày 19-5-1890 trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại làng Hoàng Trù, nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thân phụ là Nguyễn Sinh Sắc, thân mẫu là Hoàng Thị Loan. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho yêu nước, ở một làng quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng; chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, Người đã sớm hun đúc ý chí và khát vọng cháy bỏng giành độc lập tự do cho dân, cho nước. Ngày 5-6-1911 với tên gọi mới là Văn Ba, Người đã lên tàu Amiran Latusơ Tơrêvin, rời bến cảng Nhà Rồng đi Mác Xây (Pháp) bắt đầu hành trình 30 năm tìm đường cứu nước. Vào thời điểm đó, không ai biết rằng vận mệnh của dân tộc Việt Nam đã gắn liền với quyết định ra đi của một con người mà lịch sử đã chứng tỏ là sáng suốt, phi thường ấy. Bác ra đi, hành trang chỉ là lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, quyết tâm tìm con đường cứu nước, cứu dân.

Bàn đá trước hang Cốc Bó (Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh thường ngồi làm việc trong thời gian hoạt động ở Cao Bằng, chỉ đạo cách mạng sau khi về nước. Ảnh: T.SƠN

Suốt chặng đường bôn ba, cuộc sống đầy gian khổ nhưng không làm Người chùn bước, trái lại, càng tôi luyện, hun đúc lòng yêu nước nồng nàn với mục tiêu giải phóng dân tộc kiên định. Người đã đi qua nhiều nước của châu Âu, châu Phi, châu Mỹ để “xem người ta làm thế nào để trở về giúp đồng bào mình” và Người phát hiện ra chân lý: Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc, thực dân là cội nguồn của mọi đau khổ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở “chính quốc” cũng như ở các thuộc địa. Và, Người cũng nhận ra, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản và để thực hiện mục tiêu đó, phải có đảng cách mạng.

Từ đó, Người sáng lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (tháng 6-1925); tích cực huấn luyện cán bộ, tổ chức truyền bá tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc của chủ nghĩa Mác - Lênin vào nước ta qua các phong trào công nhân, phong trào yêu nước. Với sự phát triển mạnh mẽ của các phong trào cách mạng Việt Nam, tháng 3-1929, tại nhà số 5D, phố Hàm Long, Hà Nội, Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam được thành lập. Sau đó, lần lượt các tổ chức Ðông Dương Cộng sản Ðảng, An Nam Cộng sản Ðảng, Ðông Dương Cộng sản Liên đoàn được thành lập.

Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Chỉ một thời gian ngắn, ở Việt Nam có 3 tổ chức cộng sản ra đời phản ánh tất yếu của xu thế cách mạng lúc bấy giờ nhưng cũng báo hiệu nguy cơ dẫn đến sự chia rẽ rất lớn. Trong khi đó, yêu cầu bức thiết của cách mạng Việt Nam là phải có một Ðảng Cộng sản thống nhất trong cả nước lãnh đạo. Theo đề nghị của Quốc tế Cộng sản và với tư cách là phái viên của tổ chức này, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập, chủ trì hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản và ngày 3-2-1930 Ðảng Cộng sản Việt Nam chính thức được thành lập..

Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, lớn lên đi học lấy tên là Nguyễn Tất Thành, hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc) sinh ngày 19-5-1890 trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại làng Hoàng Trù, nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thân phụ là Nguyễn Sinh Sắc, thân mẫu là Hoàng Thị Loan. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho yêu nước, ở một làng quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng; chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, Người đã sớm hun đúc ý chí và khát vọng cháy bỏng giành độc lập tự do cho dân, cho nước.

Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời gắn liền với tên tuổi Nguyễn Ái Quốc, là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp ở nước ta; là kết quả của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước trong những năm đầu thế kỷ XX. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đáp ứng kịp thời đòi hỏi của lịch sử, chấm dứt tình trạng khủng hoảng về giai cấp lãnh đạo và đường lối cứu nước. Cách mạng Việt Nam từ đây có cương lĩnh đúng đắn với việc xác định mục tiêu chiến lược, lực lượng và phương pháp cách mạng rõ ràng; có đội tiền phong lãnh đạo mang bản chất cách mạng của giai cấp công nhân và tiêu biểu cho phong trào dân tộc, quyết tâm lãnh đạo toàn dân giành độc lập hoàn toàn cho dân tộc.

Với đường lối đúng đắn, Đảng Cộng sản Việt Nam đã bắt tay ngay vào lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân và quần chúng nhân dân. Có Đảng lãnh đạo, giai cấp công nhân Việt Nam được tiếp thêm sức mạnh, quy tụ, tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân mà nòng cốt là liên minh công - nông, làm nên cao trào cách mạng 1930-1931. Thắng lợi đầu tiên này có ý nghĩa vô cùng to lớn, tạo niềm tin của nhân dân vào Đảng, tiền đề quan trọng, tạo đà và kinh nghiệm để nhân dân ta tiếp tục tiến lên giành thắng lợi.

Khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa

Niềm tin của nhân dân được nhân lên gấp bội khi Nguyễn Ái Quốc về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người triệu tập Hội nghị Trung ương 8, tháng 5-1941, chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đưa nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, đã tập hợp sức mạnh đoàn kết của toàn dân, tạo niềm tin đối với mỗi người dân Việt Nam - niềm tin chiến thắng. Sự đúng đắn của đường lối và niềm tin của quần chúng nhân dân vào Đảng và Bác Hồ đã từng bước phát huy trong xây dựng lực lượng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Theo lời hiệu triệu của Người “Dù đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập”, khi thời cơ đến, nhân dân ta đã chớp thời cơ, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân trong Cách mạng Tháng Tám vĩ đại. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, thay mặt Chính phủ lâm thời, Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Người là niềm tin tất thắng!

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đất nước bị các thế lực đế quốc, phản động bao vây và chống phá quyết liệt. Trước sức mạnh của kẻ thù, thay mặt Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Lời kêu gọi của Người như tiếng gọi của non sông, thu hút toàn dân tộc bước vào cuộc kháng chiến với tinh thần “thà hy sinh tất cả, nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” với niềm tin tất thắng của một dân tộc yêu hòa bình.

Ý chí, niềm tin của cả dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biến thành sức mạnh vật chất to lớn, “gan không núng, chí không mòn” làm nên Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Thay chân Pháp, Mỹ đưa quân vào miền Nam, lập nên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm với âm mưu “đắp con đê ngăn làn sóng đỏ cộng sản” đang phát triển mạnh mẽ ở Đông Nam Á, chia cắt lâu dài đất nước ta. Chính vì vậy, ngay sau cuộc trường chinh chống Pháp, dân tộc ta lại phải đương đầu với đế quốc Mỹ xâm lược. Trước sức mạnh vượt trội của kẻ thù, Đảng ta đưa ra đường lối kháng chiến chống Mỹ phù hợp với từng miền. Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa kêu gọi cả nước đứng lên chống Mỹ xâm lược với khẩu hiệu: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Lời kêu gọi của Người cổ vũ tinh thần, tiếp thêm sức mạnh niềm tin để miền Bắc giữ vững nền độc lập tự do, là hậu phương lớn tiếp tục cùng nhân dân miền Nam “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”...

Thực hiện chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” với niềm tin vào Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, nhân dân Việt Nam trung dũng, kiên cường kháng chiến. Với thắng lợi của chiến dịch mang tên Hồ Chí Minh lịch sử, vào ngày 30- 4-1975 đất nước ta vang khúc khải hoàn. Từ đây non sông liền một dải, đi lên chủ nghĩa xã hội. (còn tiếp)

THU THẢO

Từ khóa: