Sáng mãi lý tưởng người thanh niên xung phong - Bài 1

Thứ hai, ngày 13/07/2015

Bài 1: Sứ mệnh lịch sử

(BDO) Trong những tháng năm chiến tranh khốc liệt hay trong giai đoạn hòa bình, kiến thiết đất nước, những thanh niên xung phong (TNXP) luôn phát huy tính tiên phong, sẵn sàng xông pha trên những điểm nóng của chiến trường, những vùng đất mới, nơi khó khăn nhất với tinh thần việc gì khó có thanh niên. Những đóng góp vô cùng to lớn của lực lượng TNXP góp phần xây dựng nên những trang vàng lịch sử chói lọi của dân tộc trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong thư gửi các đội viên TNXP, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Tôi luôn coi TNXP như bộ đội, vì trong phẩm chất của TNXP có phẩm chất của bộ đội Cụ Hồ”.

 Lực lượng TNXP miền Nam bốc dỡ, vận chuyển vũ khí, lương thực phục vụ chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ Ảnh: TƯ LIỆU

Từ “5 xung phong”

Ngày 15-7-1950, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam thành lập Đội TNXP công tác Trung ương đầu tiên với 225 đội viên do đồng chí Vương Bích Vượng, Ủy viên BCH Đoàn Thanh niên cứu quốc làm đội trưởng. Tại miền Nam, lực lượng TNXP Giải phóng miền Nam tập trung được thành lập khi cuộc chiến tranh do đế quốc Mỹ tiến hành chuyển từ chiến lược chiến tranh đặc biệt sang chiến lược chiến tranh cục bộ. Hàng chục vạn quân Mỹ và chư hầu ồ ạt kéo vào miền Nam nước ta. Chiến trường chính, nơi đọ sức quyết liệt giữa lực lượng chủ lực hai bên là miền Đông Nam bộ. Nơi đây, địch gom dân, kìm kẹp gắt gao, thực hiện triệt để chính sách cướp sạch, đốt sạch, giết sạch tàn bạo. Trong bối cảnh đó, vấn đề phục vụ bộ đội chủ lực chiến đấu trở nên cực kỳ khó khăn, cấp bách. Không thể sử dụng dân công thông thường mà phải có một lực lượng phục vụ thật đặc biệt, rất cơ động linh hoạt, sát cánh với bộ đội như bóng với hình trong mỗi chiến dịch, mỗi trận đánh.

Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, rất nhiều đội TNXP tiếp tục xung phong đi làm kinh tế, trồng rừng, làm thủy lợi, khai phá những vùng đất mới. Một số chuyển ngành, một số tham gia lực lượng quân đội, hoặc được cử đi học. Phát huy truyền thống của TNXP, nhiều cựu TNXP còn tham gia giữ các chức vụ chủ chốt trong các cơ quan, ban, ngành các cấp.

Trước tình hình và yêu cầu nhiệm vụ mới, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục, Đại hội Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Việt Nam lần thứ nhất, tháng 3-1965, đã phát động phong trào “5 xung phong”, trong đó có xung phong đi dân công phục vụ chiến đấu. Lúc bấy giờ ở các tỉnh, thành đều có tổ TNXP đi phục vụ chiến trường tại địa phương. Đội TNXP Giải phóng miền Nam đầu tiên là C100 gồm 108 đội viên được rút ra từ đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) các cơ quan dân chính Đảng, xuất quân ngày 20- 4-1965 tại Tà Rồng đất đỏ, nay thuộc huyện Dầu Tiếng. Sau đó, đơn vị TNXP tỉnh Thủ Dầu Một được thành lập ngày 1-12-1965 với trên 100 đội viên. Đây cũng là ngày một năm về trước, kẻ thù đã gây ra vụ thảm sát bằng cơm trộn thuốc độc tại nhà tù Phú Lợi. Vì vậy, đội mang tên Đội 112 - Phú Lợi căm thù.

Ngay sau khi được thành lập, từ các tỉnh miền Đông Nam bộ, từ đồng bằng sông Cửu Long, từng đoàn TNXP đã vượt sông suối, núi rừng, vừa hành quân vừa đánh địch, lần lượt tập trung về R. 11 đội, mỗi đội có quân số tương đương một đại đội, nhanh chóng được thành lập. Về sau, từ các đội đã hình thành 3 liên đội 5, 7, 9 sát cánh phục vụ 3 Sư đoàn chủ lực 5, 7, 9.

Băng mình trong lửa đạn

Trong thư gửi các đội viên TNXP, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Tôi luôn coi TNXP như bộ đội, vì trong phẩm chất của TNXP có phẩm chất của bộ đội Cụ Hồ”, đã nói lên được vai trò đặc biệt của lực lượng TNXP trong lịch sử của dân tộc. Cùng với lực lượng TNXP cả nước, TNXP tỉnh Thủ Dầu Một đã trở thành một đội quân xung kích của cách mạng, một biểu tượng sáng ngời của tuổi trẻ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Lực lượng TNXP của tỉnh luôn nêu cao tinh thần vượt khó khăn gian khổ, nêu cao lòng yêu nước và ý chí quật cường, góp phần vào thắng lợi chung trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước.

Theo lời Bác Hồ dạy, bằng mệnh lệnh từ trái tim: “Nơi đâu chiến trường cần, TNXP có mặt, nơi nào có giặc, TNXP xuất quân”, hàng vạn TNXP, trong đó có lực lượng TNXP của tỉnh ngày đêm sát vai cùng bộ đội chiến đấu ở hầu hết các chiến trường với vai trò tải đạn, vận chuyển lương thực, cứu thương và tham gia chiến đấu. Ngay sau khi thành lập, Đội 112 - Phú Lợi căm thù được phân công thuộc Sư đoàn 9, tham gia các trận đánh như Phước Long, Đồng Xoài, Nhà Đỏ - Bông Trang, Bàu Bàng I, Bàu Bàng II, Lai Khê, Lộc Ninh, cầu Cần Đơn, cầu Cần Lê, sân bay Tắc Niết và cuộc càn Giôn-sơn-xi-ti… Đặc biệt, Đội 112 - Phú Lợi căm thù, là nơi đã nuôi dưỡng và rèn luyện người nữanh hùng liệt sĩ Đoàn Thị Liên với câu nói nổi tiếng: “Thà hy sinh chứ không để thương binh bị thương lần thứ hai”. Để hòa nhịp với cao trào chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân (1968), tỉnh Thủ Dầu Một thành lập Đại đội TNXP lấy tên là đơn vị TNXP Đoàn Thị Liên, do đồng chí Trần Ngọc Hải, cán bộ Hội đồng cung cấp tiền phương làm đội trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Bình làm chính trị viên với gần 100 đội viên. Lễ ra mắt đội được tổ chức tại ấp 7, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng vào đầu tháng 9-1967. Với nhiệm vụ được giao là phối hợp với bộphận hậu cần của Tỉnh đội, vận chuyển vũ khí, lương thực, phục vụ thương binh và được trang bị vũ khí để phục vụ cho chiến đấu. Phát huy tấm gương hy sinh anh dũng của nữ anh hùng Đoàn Thị Liên, đơn vị đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ, vận chuyển được nhiều tấn vũ khí phục vụ cho chiến dịch mùa xuân năm 1968 và đưa thương binh về hậu cứ an toàn.

Bà Vũ Thanh Phương, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh cho biết: “Trong những tháng ngày ấy, chúng tôi chỉ mới mười tám đôi mươi nhưng nhiệt huyết cách mạng luôn sôi sục. Khó khăn, gian khổ, bom đạn không làm chúng tôi sờn lòng mà luôn hướng đến chiến thắng. Những chuyến xe thồ tải đạn, lương thực được TNXP nhanh chóng đưa ra chiến trường vì mục đích cao cả là hòa bình độc lập, thống nhất nước nhà…”. TNXP được bộ đội tặng biệt danh là lực lượng có “chân đồng, vai sắt, mắt ngựa, bụng thần tiên”. Với chân đồng, vai sắt, thanh niên xung phong khiêng thương, tải lương thực, thuốc men, vũ khí, đạn dược, đi trên nhiều đoạn đường dài nguy hiểm, bất chấp bom đạn, gió mưa đêm tối, mắt đăm đăm nhìn thẳng về phía trước như mắt ngựa. Bất chấp khó khăn, thanh niên xung phong dù ăn uống thanh đạm, kham khổ, thiếu thốn, lắm lúc đói cơm lạt muối, vẫn phục vụ hết mình. Nhiều trường hợp thanh niên xung phong thay thương binh cầm súng hoặc cướp vũ khí của địch diệt địch, trở thành dũng sĩ diệt Mỹ, bắt sống tù binh Mỹ và chư hầu, phá hủy xe tăng, bắn rơi máy bay địch.

Bà Ngô Thị Thanh, sinh năm 1949, hội viên Hội Cựu TNXP tỉnh nhớ lại: “Năm 17 tuổi, tôi đã tham gia vào lực lượng dân công hỏa tuyến phục vụ chiến trường. Đến năm 18 tuổi, tôi được chuyển qua lực lượng TNXP. Trong những tháng ngày nóng bỏng của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước vĩ đại, tôi đã cùng đồng đội, trong đó có đến 2/3 là nữ hăng hái lên đường phục vụ chiến trường. Suốt ngày đêm, những người TNXP như những con thoi băng qua lửa đạn chiến trường”. Bằng những chiếc xe đạp, xe thồ mỗi người tải cả tạ vũ khí, lương thực đến chiến trường nhằm kịp thời phục vụ chiến đấu suốt dọc những tuyến đường từ Tân Uyên đến Dầu Tiếng. Hoàn thành nhiệm vụ tải lương thực, tải đạn ra chiến trường, TNXP lại là những người xông pha trong lửa đạn để đưa thương binh về tuyến sau. Bà Thanh nói: “Có những lúc đói khát phải ăn cháo rau rừng, trên thì máy bay, dưới thì xe tăng giặc nhưng các đội viên TNXP chúng tôi vẫn động viên nhau sát cánh cùng cống hiến, chiến đấu. Chính những lúc gian nan, cận kề cái chết, tinh thần chiến đấu, công hiến của những TNXP lên cao hơn bao giờ hết. Lòng căm thù giặc, niềm tin chiến thắng đã giúp chúng tôi chia nhau từng phút sống, động viên nhau vượt qua hiểm nguy để tiến lên phía trước”.

 

 CAO SƠN