Sang chiết, sử dụng gas trái phép: Khó xử lý triệt để?!
Gas lậu vẫn hoành hành!
Sau vụ nổ khí gas tại khu nhà trọ khu phố 1B, phường An Phú, TX.Thuận An mà hậu quả làm 7 người thiệt mạng (tính đến thời điểm này) và tiếp theo đó đã có nhiều vụ sang chiết, vận chuyển gas lậu bị ngành chức năng phát hiện, Bình Dương đang nổi lên như là “điểm nóng” về tình trạng sang chiết gas lậu, đặc biệt là tại các khu tập trung đông dân cư. Công tác kiểm tra xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, gas vốn đã khó khăn nay còn gian nan hơn khi những đối tượng hoạt động trong lĩnh vực này hoạt động ngày càng tinh vi và luôn tìm đủ cách để đối phó với ngành chức năng. Phó Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Nguyễn Thành Danh, cho biết tình trạng sang chiết gas lậu, vận chuyển gas nhái nhãn hiệu vẫn tiếp tục lộng hành tại các khu vực giáp ranh hoặc nơi có giao thông thuận tiện. Trong khi đó do lực lượng mỏng, lại thiếu phương tiện nên mặc dù đã cố gắng rất nhiều nhưng đoàn kiểm tra liên ngành cũng không tài nào kiểm soát hết. Những người buôn lậu gas rất tinh vi, họ thường lợi dụng lúc đêm tối hoặc đêm mưa thưa vắng người để vận chuyển. Trước khi “xuất kích” đều có người đi trước để cảnh giới, dò đường, do vậy công tác kiểm soát, truy bắt những đối tượng này là hết sức khó khăn!
Đại diện Công ty Gas Sài Gòn Pertro (SP) Ngô Đức Trung, cho biết những năm qua tình hình kinh doanh, sang chiết gas trên địa bàn tỉnh ngày càng trở nên phức tạp. Qua những lần tham gia cùng ngành chức năng kiểm tra tình hình hoạt động kinh doanh gas, khối lượng gas nhái nhãn hiệu của công ty bị thu giữ rất nhiều, chiếm đến 80% là gas giả. Điều này cho thấy, không chỉ có người sang chiết mà kể cả người sử dụng cũng chưa quan tâm đến vấn đề bảo vệ cho chính mình. Đại diện Công ty Gas Thủ Đức Chu Văn Đức bày tỏ mong muốn cơ quan quản lý tiếp tục chủ động phối hợp và xử lý kiểm tra quyết liệt, không chỉ kiểm soát thị trường vào một thời điểm mà phải làm kiên trì, liên tục hơn nữa các cơ sở kinh doanh sang chiết gas trái phép nhằm chống nạn gas giả, bảo vệ NTD và người kinh doanh chân chính.
Rủi ro luôn rình rập
Những người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh gas cho biết việc sang chiết gas rất dễ dàng, chỉ cần có địa điểm kín đáo, ít bị người khác dòm ngó, mua bộ van phục vụ cho việc sang chiết với giá khoảng 300.000 đồng, dốc ngược bình gas lên một bệ đỡ, gắn van vào đầu hai bình, ướp ít nước đá vào vỏ bình gas mini để làm giảm nhiệt và “nhắm” bình gas mini đầy là xong. Với công đoạn sang chiết gas đơn giản như vậy, nhưng lại cho thu nhập khá cao, nên hoạt động sang chiết gas trái phép được một số người thực hiện bất chấp nguy hiểm. “Thử làm bài tính, một bình gas 12kg có thể sang vào được 70 bình gas mini, bỏ sỉ giá 7.000 đồng/bình, chỉ với 330.000 đồng vốn, họ có thể thu về 490.000 đồng/bình; mỗi ngày chỉ cần sang chiết 3 bình là có thu nhập 480.000 đồng”, nhân viên cơ sở kinh doanh gas L.H (xã Tương Bình Hiệp, TX.Thủ Dầu Một) tiết lộ.
Trong khi Bình Dương là tỉnh công nghiệp thu hút hàng trăm ngàn lao động các nơi đến làm việc và sinh sống, cùng với hàng ngàn sinh viên đang học tập... nên nhu cầu sử dụng bình gas mini là rất lớn. Khảo sát một vòng qua các khu nhà trọ xã Chánh Mỹ, phường Hiệp Thành, phường Phú Mỹ tại TX.TDM, chúng tôi nhận thấy ý thức và trách nhiệm của một số người kinh doanh gas còn nhiều hạn chế. Thể hiện rõ qua việc bày bán bình gas mini mà quên đi sự an toàn của chính bản thân mình. Cũng do sự tiện dụng, dễ mua ở các cửa hàng gas, tiệm tạp hóa với giá rẻ chỉ từ 6.000 - 7.000 đồng/bình, những bình gas như vậy rất phù hợp với người có thu nhập thấp. Chị Nguyễn Thanh Hằng, công nhân Công ty Dệt may Thái Tuấn, cho biết với thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng, số tiền sử dụng cho chi phí sinh hoạt hàng ngày không nhiều, nếu mua bình gas mini mới với giá khoảng 20.000 đồng/bình, dùng một lần bỏ so với mua bình gas chiết nạp lại với mức giá rẻ gấp 3 lần chị chọn giải pháp ít tiền, dù biết rằng việc sử dụng bình gas chiết nạp có thể gây nguy hiểm cho mình.
Còn nhiều kẽ hở!
Một trong những nhiệm vụ quan trọng được ngành QLTT tập trung thực hiện trong 4 tháng đầu năm 2012 là tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật cho các đối tượng kinh doanh gas, cơ quan thực thi qua các buổi hội thảo và kể cả quần chúng qua các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, ngành còn phối hợp chặt chẽ với tổ kiểm tra liên ngành về xăng dầu và gas của tỉnh, các công ty kinh doanh gas trong quá trình trinh sát, lên kế hoạch và tăng cường tổ chức kiểm tra xử lý đối với hoạt động kinh doanh LPG. Có thể nói, bằng nhiều giải pháp với tinh thần tích cực, bất kể giờ giấc, ngành đã bắt giữ kịp thời một số vụ việc vận chuyển gas giả mạo nhãn hiệu. Tuy vậy, theo nhận định của Phó Chi cục QLTT Bình Dương Nguyễn Thành Danh, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc kiểm tra xử ký nhưng thật sự vẫn chưa giải quyết được tình trạng mua bán hàng giả nhãn hiệu của các công ty kinh doanh gas, sang chiết gas trái phép, nhất là sang chiết vào bình gas mini cấm nạp lại.
“Cũng như xăng dầu, gas là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, việc cấp phép phải qua nhiều khâu nhưng việc quản lý sau cấp phép cũng còn nhiều chồng chéo khó quản lý. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý của Nghị định 107 và 105 dù qua thời gian ngắn áp dụng từ 1-1-2012 nhưng nảy sinh nhiều bất cập. Cụ thể, chế tài xử lý những trường hợp vi phạm còn chung chung, trong khi thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh có muôn hình vạn trạng, không trường hợp nào giống trường hợp nào, khi thực thi nhiệm vụ không thể gom tất cả hành vi vi phạm để áp dụng cùng một điều khoản để xử lý vi phạm hoặc tịch thu hàng hóa vi phạm thì lại không có điều khoản xử lý cụ thể, áp dụng xử phạt kiểu nào cũng có chỗ hổng... Do đó, ngành chức năng cấp trên và Chính phủ cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản mới có thể giải quyết tốt vấn đề”, Phó Chi cục QLTT Bình Dương Nguyễn Thành Danh nói.
TRÚC HUỲNH