Sáng ánh bình minh
“Con biết mình sẽ không sống được lâu, hãy cho con được đến học ở trường như các bạn bình thường cùng trang lứa. Con hứa sẽ không làm lây bệnh cho ai hết”. Dẫu cách nay đã hơn 2 năm, nhưng mỗi khi nhớ lại câu nói của một đứa bé 7 tuổi có HIV ở Đồng Nai khi đi học bị kỳ thị lòng tôi không khỏi xót xa, thương cảm. Đó là một trong nhiều trường hợp người có HIV/AIDS bị phân biệt đối xử đã và đang vẫn còn hiện hữu trong cộng đồng. Nạn kỳ thị, phân biệt đối xử cũng đang là vấn đề nóng mà cả xã hội ta đang vận động xóa bỏ.
Tháng 12 hàng năm, đây là dịp cao điểm để mỗi người nhìn lại và có những hành động thiết thực để phòng chống HIV/AIDS và kèm theo đó là thái độ, hành vi đúng mực của mình với những người đã không may nhiễm phải căn bệnh này. Đặc biệt, năm nay, “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV” là chủ đề Việt Nam lựa chọn cho Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2011 và sẽ kéo dài trong vòng 5 năm tới (giai đoạn 2011-2015). Chủ đề chung cho chiến dịch phòng chống AIDS toàn cầu giai đoạn 2011-2015, bắt đầu từ “Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1-12-2011)” do Chương trình Liên hiệp quốc về AIDS (UNAIDS) đưa ra là “Getting to zero” (tạm dịch: Đạt đến không) nhằm hướng tới mục tiêu “3 không” vào năm 2015: Không còn người nhiễm mới, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS. Theo đó, việc thực hiện có hiệu quả mục tiêu thứ ba, không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS, sẽ góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi 2 mục tiêu còn lại. Trước đây, nói đến nhiễm HIV, bị AIDS, người ta nghĩ ngay đến những đối tượng liên quan đến ma túy, mại dâm. Thời gian gần đây, không phải chỉ có những ai chơi ma túy, mua bán dâm mới có nguy cơ (đây cũng vẫn là nguy cơ cao hàng đầu) trong lây nhiễm mà đã có xu hướng lan sang cộng đồng. Có nghĩa là, người nhiễm có thể bất kỳ là ai (là công nhân, công chức, sinh viên...) nếu như có những hành vi không may trong cuộc sống thường ngày như cạo mặt khi hớt tóc, làm răng, làm móng tay... nếu các dụng cụ trung gian không được vệ sinh, tiệt trùng kỹ. Như vậy, chuyện nhiễm HIV không còn chỉ là những người nghiện ngập, chơi bời mà cũng có thể là những người chân chất, hiền lành có thể rủi ro lây nhiễm từ trong sinh hoạt nói trên. Vì thế, họ rất cần thông cảm, sẻ chia.
Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều hoạt động, chủ trương trong phòng chống HIV/AIDS và chống nạn kỳ thị, phân biệt đối xử. Luật Phòng, chống HIV/AIDS được Quốc hội thông qua có hiệu lục từ ngày 1-1-2007, trong đó tại điều 8 đã ghi rõ những hành vi bị cấm, bao gồm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Tại điều 4 cũng đã nêu rõ về quyền của người nhiễm HIV/AIDS: Sống hòa nhập với cộng đồng và xã hội; được điều trị và chăm sóc sức khỏe; học văn hóa, học nghề, làm việc... Như vậy, pháp luật Việt Nam đã qui định, người nhiễm HIV/AIDS hoàn toàn bình đẳng với mọi người, thậm chí, họ cần được mọi người quan tâm hơn vì họ là những bệnh nhân.
Song song đó, trong công tác tuyên truyền vận động, cần chú ý hơn đến tính nhân văn. Những hình ảnh người bị AIDS gầy còm, lở loét dù thực tế có như thế cũng không nên xuất hiện tràn lan trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Riêng đối với những trẻ có HIV trong độ tuổi được đi học, Bộ GD-ĐT cũng đã có công văn yêu cầu các địa phương phải thực hiện nghiêm túc việc không kỳ thị với trẻ em nhiễm hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV.
Chống nạn kỳ thị, phân biệt đối xử với người có HIV/AIDS đã và đang được vận động tuyên truyền rộng rãi. Cộng đồng đang ngày càng có cái nhìn thông cảm hơn với những bệnh nhân này. Được như thế, xã hội sẽ góp phần thắp lên những ngọn nến lung linh sưởi ấm những trái tim cô đơn, giúp họ nhìn thấy ánh bình minh nơi chân trời mới dù cuộc sống hiện tại của họ đang chớm hoàng hôn, như lời bài hát Đứa bé của Minh Khang:
Bằng tình thương lòng nhân ái của con người
Và hãy lau khô giọt nước mắt trong lòng em
Bằng tất cả trái tim con người Việt Nam.
DÂN THƯỜNG