Sản xuất tinh dầu từ phụ phẩm cam sành và bưởi da xanh

Thứ ba, ngày 08/10/2024

(BDO) Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp tỉnh đã thông qua dự án “Xây dựng mô hình sản xuất tinh dầu từ phụ phẩm cam sành và bưởi da xanh tại huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và phát triển một số sản phẩm ứng dụng từ tinh dầu” (gọi tắt là dự án). Dự án do Phó Giáo sư - Tiến sĩ Mai Huỳnh Cang, Trưởng bộ môn hợp chất thiên nhiên, Khoa Công nghệ hóa học và thực phẩm trường Đại học Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh, làm chủ nhiệm, góp phần nâng cao giá trị kinh tế sản phẩm bưởi, cam tại huyện Bắc Tân Uyên, cải thiện thu nhập cho người nông dân trồng cam, bưởi.

 Phó Giáo sư - Tiến sĩ Mai Huỳnh Cang (bên phải) và anh Nguyễn Văn Tiến trao đổi về sản phẩm dầu gội được chiết xuất từ trái bưởi non

Tận dụng nguồn phụ phẩm sẵn có

Huyện Bắc Tân Uyên là vùng chuyên canh trồng cây ăn quả có múi của Bình Dương. Hiện nay, hầu hết diện tích trồng cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện đều canh tác theo hướng ứng dụng kỹ thuật cao nhằm đạt sản lượng cao nhất. Tuy vậy, khi cây cho trái nhiều, để bảo đảm năng suất, chất lượng sản phẩm, nhà vườn phải thực hiện bước tỉa bỏ bớt trái ở giai đoạn trái được 2-3 tháng tuổi. Bình quân lượng trái non nhà vườn phải tỉa bỏ chiếm 30% tổng số trái trên cây.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Mai Huỳnh Cang chia sẻ, bưởi non có tỷ lệ tinh dầu nhiều, có hoạt tính tốt cho sức khỏe con người. Để tận thu giá trị từ những trái non này, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, các thành viên trong nhóm đã chọn nghiên cứu Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất tinh dầu từ phụ phẩm cam sành và bưởi da xanh tại huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và phát triển một số sản phẩm ứng dụng từ tinh dầu”.

Dự án nhằm ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào quy trình chưng cất tinh dầu, quy trình sản xuất các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ tinh dầu cam, bưởi, tận dụng nguồn phụ phẩm… Dự án góp phần nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm bưởi, cam tại huyện Bắc Tân Uyên; cải thiện thu nhập cho người nông dân trồng bưởi; góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

 Hệ thống chưng cất tinh dầu bưởi non của HTX Dân Tiến

Gia tăng giá trị phụ phẩm cam, bưởi

Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, thương mại - du lịch và vận tải Dân Tiến (huyện Bắc Tân Uyên) được chọn thực hiện ứng dụng dự án. HTX có 7 thành viên, với 50 ha trồng cây có múi, chủ yếu là bưởi da xanh và cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện HTX đã đầu tư hệ thống nhà lưới, áp dụng công nghệ tưới nước tự động để chăm sóc vườn cây. Anh Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc HTX Dân Tiến, cho hay bình quân hàng năm anh cắt bỏ 30 tấn bưởi non. Để tận thu số lượng trái bị cắt bỏ này, anh đã dành nhiều thời gian tìm hiểu các giải pháp. Qua tham quan các mô hình chiết xuất tinh dầu thủ công, anh nhận thấy cách làm thủ công không mang lại hiệu quả, chất lượng sản phẩm không bền vững. “Sau khi bày tỏ mong muốn tận dụng những trái bưởi non để làm tinh dầu, tôi được Sở KH&CN giới thiệu Phó Giáo sư - Tiến sĩ Mai Huỳnh Cang để cùng triển khai thực hiện dự án”, anh Tiến cho hay.

Để chiết xuất tinh dầu bưởi, anh Tiến đã đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, gồm máy gọt vỏ bưởi, máy xay vỏ bưởi, hệ thống chưng cất với tổng vốn đầu tư hơn 600 triệu đồng. Bưởi non sau khi rửa sạch được đưa vào máy gọt vỏ, sau đó anh cho vỏ vào máy xay nhỏ rồi đưa vào hệ thống máy chưng cất. Sản phẩm dung dịch khuếch tán từ tinh dầu là dung dịch trong suốt và đồng nhất. Không chỉ làm ra sản phẩm tinh dầu từ bưởi non, hiện HTX còn sản xuất ra các sản phẩm như dầu gội, nước xịt dưỡng tóc…

Đến nay, dự án đã chuyển giao và triển khai thành công quy trình công nghệ chưng cất tinh dầu, hiệu suất thu hồi tinh dầu đến 90%, chất lượng đạt tiêu chuẩn TCVN 11423:2016. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Mai Huỳnh Cang cho biết dự án đã có nhiều đóng góp trong xây dựng thành công các quy trình chưng cất tinh dầu vỏ cam, vỏ bưởi và quy trình sản xuất các sản phẩm từ tinh dầu. Dự án đã xây dựng được mô hình sản xuất tinh dầu quy mô 200kg nguyên liệu/mẻ và mô hình sản xuất 4 sản phẩm ứng dụng từ tinh dầu (khuyếch tán tinh dầu, xịt thơm tinh dầu, dầu gội và xịt dưỡng tóc), có khả năng thương mại hóa, tăng nguồn thu cho HTX Dân Tiến và gia tăng giá trị của phụ phẩm cam non, bưởi non tại địa phương.

 Trên diện tích 5 ha bưởi da xanh được trồng theo phương pháp VietGAP, bình quân mỗi năm gia đình anh Nguyễn Văn Tiến thu hoạch 80 tấn quả. Ngoài mô hình trồng bưởi da xanh, anh còn trồng 5 ha cam cho thu hoạch 200 tấn/năm và 3 ha măng tre.

 PHƯƠNG LÊ - QUANG TRÍ