Sản xuất, tiêu dùng thông minh

Thứ bảy, ngày 13/11/2021

(BDO) An toàn thực phẩm, một vấn đề tối quan trọng, không riêng với người tiêu dùng mà ngay người sản xuất cũng cần hiểu biết, tuân thủ quy định luật pháp. Thực phẩm nông sản - mặt hàng có mặt thường nhật trong bữa ăn của người tiêu dùng, vấn đề an toàn chính là mối quan tâm không của riêng ai, nhất là trên thị trường thường xảy ra tình trạng thực phẩm bẩn trà trộn, khó phân biệt, phát hiện.

Kiểm soát nghiêm ngặt việc sản xuất, cung ứng nông, thủy, hải sản từ khâu đầu đến khâu cuối chính là trách nhiệm chuyên môn của các cơ quan chức năng. Siết chặt khâu quản lý trong quá trình sản xuất, tiêu thụ, có thể chưa triệt tiêu hoàn toàn thực phẩm bẩn, song phần nào hạn chế đến mức thấp nhất những mối nguy cho sức khỏe người tiêu dùng. Mặt khác, chính người sản xuất coi trọng chất lượng, tuân thủ triệt để quy định, khuyến cáo về an toàn nông sản từ các khâu canh tác, thu hoạch, bảo quản… chắc chắn sẽ nâng cao giá trị kinh tế, bảo vệ được uy tín sản phẩm trước khách hàng.

Hướng tới một nền nông nghiệp sạch, sản xuất thông minh với nhiều giải pháp, đã và đang được nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn chú trọng. Áp dụng công nghệ sạch, kỹ thuật tiên tiến, nâng cao năng suất, chất lượng, bảo đảm an toàn cho người sử dụng, tinh thần đó đã được các cơ quan quản lý khuyến cáo, nhà nông, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện, nhân rộng. Nông sản của địa phương ngày càng dồi dào, phong phú chủng loại, có thương hiệu, nhãn mác được bảo hộ từ bưởi, cam, quýt cho đến gia súc, gia cầm. Chính vì vậy, nông sản do nông dân, doanh nghiệp Bình Dương sản xuất ra được người tiêu dùng đánh giá cao, chen chân được vào hệ thống tiêu thụ hiện đại trong và ngoài tỉnh cũng như xuất khẩu, mang lại giá trị ngày càng cao.

Thành công tích cực là vậy, song vẫn còn đó không ít khó khăn, tồn tại từ sản xuất cho đến tiêu thụ. Số lượng doanh nghiệp, trang trại trong ngành còn khiêm tốn, tiềm lực tài chính chưa đủ mạnh để đầu tư. Cùng với đó đa phần nông dân sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên danh, liên kết, khó cạnh tranh, tiêu thụ trên thị trường nội địa, chưa mong đến việc xuất khẩu đại trà. Mặt khác, sản phẩm sạch đòi hỏi đầu tư công phu, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật… dẫn đến giá thành khá cao. Trong khi người tiêu dùng chưa đánh giá hết, chưa coi trọng nông sản sạch, thường cào bằng, so sánh giá cả với các sản phẩm thông thường, gây khó cho người sản xuất trong tiêu thụ sản phẩm sạch.

Bởi vậy, để thực sự bảo đảm an toàn nông sản, từ sản xuất đến tiêu thụ, đòi hỏi nhà nông, nhà doanh nghiệp, người tiêu dùng phải nhìn về một hướng. Sản xuất thông minh, cho ra sản phẩm sạch, chất lượng đòi hỏi phải có người tiêu dùng thông minh, biết nhìn nhận, lựa chọn, chi dùng với giá cả hợp lý.

 TRIỆU PHONG