Sản xuất rau sạch kỹ thuật cao: Dự án nhỏ, kỳ vọng lớn

Thứ bảy, ngày 27/10/2012

Phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi mới và phù hợp với nông dân (ND) Bình Dương. Tuy nhiên, làm thế nào để người ND tiếp cận được kỹ thuật, phương pháp sản xuất nông sản “sạch” đang là vấn đề được quan tâm hiện nay. Những mô hình, dự án sản xuất nông nghiệp sạch chính là nơi để người ND đến nghiên cứu, học tập, tìm hiểu để ứng dụng…

  Mô hình sản xuất rau sạch – hướng đi mới của nông dân

“Lớp học” của ND

Dự án “Nghiên cứu xây dựng và chuyển giao khu canh tác rau sạch thương phẩm bằng kỹ thuật thủy canh hồi lưu” nằm trên địa bàn xã Hưng Định, TX.Thuận An do Phòng Kinh tế thị xã làm chủ đầu tư và Trung tâm Công nghệ sinh học và thực phẩm thuộc Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (trường Đại học Công nghiệp TP.HCM) là đơn vị thực hiện. Dự án nhận được sự quan tâm của các sở, ngành liên quan của tỉnh và TX.Thuận An. Sau quá trình chuẩn bị, dự án chính thức khởi động từ đầu năm 2012 trên một khu đất khoảng 1.500m2. Trước mắt, đơn vị thực hiện dự án đang tập trung sản xuất trên diện tích khoảng 200m2, chủ yếu trồng cà chua, xà lách và ớt. Khi cơ sở vật chất được đầu tư hoàn thiện sẽ có thêm các giống cây như khổ qua, dưa leo… được sản xuất tại đây. Ông Trần Đức Việt, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học và thực phẩm, đơn vị thực hiện dự án cho biết, đến thời điểm này, sản phẩm của dự án đã được đưa ra thị trường và tạo sự khác biệt lớn, được người tiêu dùng đánh giá rất cao. Sản phẩm cà chua thủy canh có giá trị dinh dưỡng cao, giàu khoáng chất hơn hẳn cà chua thường. Hiện đơn vị thực hiện dự án đã đăng ký VietGap nhằm tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Hiện nay đã có nhiều nhà đầu tư ở TP.HCM đặt vấn đề mở rộng sản xuất để biến nơi này không chỉ là địa chỉ sản xuất rau sạch mà còn là một trung tâm chuyển giao kỹ thuật công nghệ cho nông dân và xa hơn là đầu mối tìm đầu ra cho sản phẩm. Ông Trần Đức Việt cho biết, trung tâm đang kết hợp với các ngành liên quan của tỉnh và thị xã tổ chức tập huấn, giới thiệu cho ND về kỹ thuật, phương pháp sản xuất rau bằng kỹ thuật thủy canh hồi lưu. Trung tâm cũng sẵn sàng mở cửa và hướng dẫn tận tình cũng như đề xuất, tư vấn các giải pháp cơ bản nếu người dân muốn đến tìm hiểu về phương pháp sản xuất rau sạch.

Hướng đi tất yếu

Nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch nhất là rau, củ có xuất xứ rõ ràng, bảo đảm các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định là rất lớn nhưng thị trường chưa đáp ứng được. Sau thời gian nghiên cứu, ông Trần Đức Việt nhận định rằng, Bình Dương có đủ điều kiện để phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao và xa hơn có thể xây dựng thương hiệu rau sạch Bình Dương. Với mô hình canh tác rau sạch thương phẩm bằng kỹ thuật thủy canh hồi lưu, theo ông Việt, người dân chỉ cần 200m2 đất với mức đầu tư khoảng 60 - 70 triệu đồng là có thể sản xuất rau sạch. Tuy nhiên sẽ là tối ưu nếu người ND dành khoảng trên dưới 3.000m2 đất, khi đó việc đầu tư hệ thống tự động sẽ phù hợp hơn và hiệu quả hơn.

Tại lớp tập huấn cho ND xã Hưng Định và phường An Thạnh về quy trình canh tác rau sạch thương phẩm bằng kỹ thuật thủy canh hồi lưu mới đây, nhiều ND đã rất quan tâm và mong muốn thực hiện. Ông Lê Quốc Hưng, Chủ tịch Hội ND xã Hưng Định, TX.Thuận An cho biết đã có 10 hộ đăng ký xây dựng đề án canh tác rau sạch thương phẩm bằng kỹ thuật thủy canh hồi lưu với diện tích khoảng 2.000m2. Ông Hưng cho biết nếu thực hiện thành công sẽ tiếp tục xây dựng các dự án tương tự để người dân trong xã tham gia.

TRÍ DŨNG