Sản xuất phải bám sát thị trường

Thứ ba, ngày 28/07/2020

(BDO) Từ năm 2011, Bình Dương đã triển khai chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp (NN) theo hướng hiện đại gắn với công nghiệp chế biến. Trong đó chú trọng phát triển NN ứng dụng công nghệ cao, hiện đang trở thành thế mạnh trong sản xuất NN của Bình Dương. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp, cá nhân đã áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, GlobalGAP… trên các loại cây trồng có giá trị như dưa lưới, cây có múi, chuối để tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Cùng với việc quy hoạch với định hướng rõ về phát triển cũng như diện tích, quy mô cho những cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh, ngành chức năng cũng tập trung thiết lập, củng cố mối liên kết giữa các nhà sản xuất và cung ứng nông sản với các kênh phân phối… Qua đó tìm được thị trường tiêu thụ ổn định, làm cơ sở để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm NN theo hướng bền vững, tránh rơi vào cơn khủng hoảng thừa, chờ giải cứu.

Tuy nhiên, theo ngành NN tỉnh, trên địa bàn hiện nay vẫn còn nhiều hộ sản xuất tự phát trong việc phát triển các loại cây trồng. Trong khi đó, việc phân vùng cây trồng gắn với nguồn nước, thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu đã được các nhà chuyên môn hoạch định. Việc tự ý phát triển sản xuất các loại cây trồng sẽ đem đến một hệ quả tất yếu là cây trái không bảo đảm chất lượng, ảnh hưởng đến thương hiệu trái cây của Bình Dương, không mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn.

Một điều đáng cảnh báo hiện nay là theo một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, lối canh tác truyền thống của nông dân chỉ chạy theo năng suất hiện không còn phù hợp với nhu cầu mới của cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Ngay cả thị trường dễ tính là Trung Quốc cũng đang siết lại tiêu chuẩn về chất lượng qua việc thực hiện truy xuất nguồn gốc và kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm. Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp, hộ sản xuất cần chú ý để có tầm nhìn trong sản xuất, tránh việc sản xuất cái mình có thay vì cái mà thị trường cần, nhất là khi NN đang hướng đến xuất khẩu…

TIỂU MY

Từ khóa: