Sản xuất nông sản sạch: Tiềm năng lớn, lợi thế nhiều

Thứ sáu, ngày 04/01/2013

   Sản phẩm của trang trại chăn nuôi gia cầm công nghệ cao của Công ty TNHH Ba Huân tại xã Vĩnh Tân, huyện Tân Uyên

Để có thể đáp ứng nhu cầu thị trường, nông dân trong tỉnh đã ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất và hình thành nên nhiều mô hình sản xuất NSS, như: rau, nấm, thịt gia súc, trứng gia cầm… Đặc biệt, việc phát triển các mô hình trồng rau an toàn đạt kết quả khá khả quan. Đến nay, tại Bình Dương đã có gần 140 ha đất sản xuất rau an toàn. Các mô hình rau thủy canh, rau mầm, rau an toàn đều ứng dụng các kỹ thuật tưới nhỏ giọt, hệ thống hồi lưu, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… nên đáp ứng được các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm và mang lại hiệu quả cao cho người sản suất. Đối với chăn nuôi, mô hình chăn nuôi trại lạnh bảo đảm các yếu tố về vệ sinh môi trường, vệ sinh thú ý, an toàn dịch bệnh nên đã cho ra đời các nguồn thịt gia súc, gia cầm sạch.

Thời gian qua, Bình Dương cũng đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp đô thị. Đây chính là tiền đề cho việc hình thành các dự án, mô hình sản xuất NSS. Từ các chính sách này, 4 dự án nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) trên địa bàn tỉnh bước đầu đã cung cấp cho thị trường nhiều NSS ngay sau khi đi vào hoạt động. Riêng trại chăn nuôi gia cầm công nghệ cao của Công ty TNHH Ba Huân, tuy mới khánh thành giai đoạn I nhưng cũng đã có sản phẩm trứng sạch cung ứng cho thị trường. Nhận định về tiềm năng của Bình Dương trong việc sản xuất NSS, bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, nói: “Bình Dương có khí hậu, thổ nhưỡng tốt, lãnh đạo tỉnh quan tâm tạo điều kiện cho các dự án NNCNC phát triển. Tại Bình Dương hiện có rất nhiều bếp ăn tập thể phục vụ công nhân các khu công nghiệp. Đây chính là lợi thế để tiêu thụ NSS, nhất là trứng sạch”.

Nói về tiềm năng và lợi thế của Bình Dương trong việc sản xuất NSS, ông Trần Đức Việt, Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học và thực phẩm - Viện công nghệ sinh học và thực phẩm trường Đại học Công nghiệp TP.HCM thừa nhận, Bình Dương là tỉnh đặc trưng của khu vực miền Đông Nam bộ có các điều kiện tốt về khí hậu để phát triển các loại rau, dưa… Bình Dương lại nằm gần TP.HCM - một thị trường tiêu thụ lớn, có nhiều chuyên gia nước ngoài, có các khu công nghiệp đòi hỏi lượng rau sạch cao. Do vậy, trong thời gian tới việc tiêu thụ rau sạch của Bình Dương sẽ tiếp tục tăng. Lãnh đạo Bình Dương có quyết tâm cao trong việc thực hiện các dự án NNCNC; còn nông dân Bình Dương thì táo bạo, sẵn sàng đi trước, đón đầu, đủ năng lực tài chính để thực hiện các mô hình sản xuất NSS… Đó chính là các điều kiện và lợi thế để Bình Dương đẩy mạnh sản xuất NSS trong thời gian tới.

Điều kiện và lợi thế đã có sẵn, nhưng để NSS của Bình Dương có điều kiện vươn xa thì vấn đề xây dựng thương hiệu, sơ chế bảo quản sau thu hoạch cần được chú ý nhiều hơn.

CAO SƠN