Sản xuất ngành nông nghiệp vẫn giữ mức tăng khá
(BDO) Trong 6 tháng đầu năm 2022, sản xuất nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu, bệnh dịch tả heo châu Phi dù được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái phát, giá các loại sản phẩm chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi có nhiều biến động... Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, UBND tỉnh, toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ động trong công tác quản lý, điều hành, sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn đạt được những kết quả khả quan.
Kiểm tra chất lượng dưa lưới tại Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái, huyện Phú Giáo
Chủ động phòng chống dịch bệnh
Ngành NN&PTNT tiếp tục tập trung triển khai thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM). Thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm tại vùng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, hướng dẫn người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất theo quy trình VietGAP, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học các sản phẩm chủ lực. Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng - vật nuôi, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.
Tình hình sinh vật gây hại trên các loại cây trồng giảm so với cùng kỳ, không gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển cây trồng. Hiện tại đã kết thúc vụ đông - xuân, diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đạt hơn 6.300ha, bằng 100,34% so với cùng kỳ. Hiện bà con nông dân đang gieo trồng và chăm sóc vụ hè thu. Diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt khoảng 6.370ha, tăng 6,9% so với cùng kỳ. Diện tích nông nghiệp đô thị khoảng 503,3ha, tăng 12,4% so với cùng kỳ. Ngoài ra, ngành nông nghiệp phối hợp các trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị tăng cường công tác điều tra dự tính, dự báo, tập huấn hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên các loại cây trồng.
Công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được thực hiện tốt. Hoàn thành công tác tiêm phòng đợt 1 trên đàn gia súc, gia cầm. Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và áp dụng các biện pháp tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc, khử trùng nên bệnh dịch tả heo châu Phi. Qua đó, tổng đàn chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì và phát triển ổn định. Trong đó, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tiếp tục phát triển với 147 trang trại gà, tổng đàn trên 8,3 triệu con; 251 trang trại heo, tăng 51 trại so với cùng kỳ, với tổng đàn gần 692.000 con; 42 trang trại vịt thịt, tăng 12 trại so với cùng kỳ, với tổng đàn 384.000 con; chăn nuôi bò sữa có 1 trang trại với 1.050 con. Đến nay, số lượng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên gia cầm còn hiệu lực giấy chứng nhận là 192; trong đó có 140 trang trại, chiếm tỷ lệ 79,5% tổng số trang trại chăn nuôi gà, vịt ứng dụng công nghệ cao.
Đẩy mạnh liên kết theo chuỗi
Chương trình xây dựng NTM tiếp tục được đẩy mạnh, đạt được kế hoạch đề ra. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được quan tâm đầu tư, đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn ngày một nâng lên, an sinh xã hội được quan tâm và thực hiện tốt… Tính đến nay, 100% xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 18/41 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 1 huyện, 2 thị xã đã được công nhận huyện đạt chuẩn NTM và thị xã hoàn thành nhiệm vụ NTM. Đang thực hiện thẩm định hồsơ, khảo sát thực tế11 xãđề nghị công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2021.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp phối hợp với UBND TX.Tân Uyên, UBND xã Bạch Đằng triển khai lồng ghép các chương trình, đề án, nhiệm vụ của ngành để thực hiện thí điểm làng thông minh trên địa bàn xã Bạch Đằng. Trong đó tập trung triển khai vào các chương trình OCOP, nông nghiệp hữu cơ, nước sạch nông thôn, chuỗi tiêu thụ nông sản… Đồng thời, thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực theo 3 trục, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Chương trình OCOP đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trong năm 2021 đã công nhận 28 sản phẩm, trong đó có 8 sản phẩm đạt 4 sao và 20 sản phẩm đạt 3 sao. Các huyện, thị, thành phố đang tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm tiềm năng đăng ký đạt chuẩn OCOP năm 2022. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại cho các nông sản chủ lực của tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm OCOP. Đến nay đã có hơn 17.000 tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia sàn thương mại điện tử và hơn 440 tổ chức, cá nhân đã được cấp tài khoản giao dịch trên sàn thương mại điện tử.
Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Theo đó, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, tiếp tục chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng khác hiệu quả hơn như cây ăn quả, các loại rau, hoa... theo hướng công nghệ cao. Ngành NN&PTNT tiếp tục bám sát diễn biến thời tiết, thông tin thị trường, kịp thời điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai... Mặt khác, tỉnh cũng đang đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, trọng tâm là phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ.
THOẠI PHƯƠNG - THẢO TRÚC