Sản xuất, kinh doanh phục hồi, kinh tế chuyển biến tích cực
(BDO) Trong 3 tháng đầu năm 2024, tình hình sản xuất, kinh doanh (SXKD) trên địa bàn còn nhiều khó khăn, sản xuất công nghiệp một số ngành phục hồi chậm. Tập trung bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Bình Dương cơ bản hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Tỉnh cũng đã triển khai các giải pháp duy trì tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động SXKD, tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới để hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn.
Vốn đầu tư toàn xã hội tăng cao
Chiều 21-3, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì Phiên họp lần thứ 57 của UBND tỉnh sơ kết công tác quý I, triển khai công tác quý II-2024. Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và điểm cầu 9 huyện, thị, thành phố.
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. Ảnh: MINH DUY
Báo cáo tại phiên họp cho biết trong 3 tháng đầu năm, tình hình kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều bất ổn do xung đột địa chính trị kéo dài, lạm phát còn cao, giá dầu, giá lương thực, tỷ giá trên thị trường thế giới biến động mạnh, tiếp tục ảnh hưởng hầu hết các ngành, lĩnh vực. Tình hình SXKD trong một số DN trên địa bàn còn nhiều khó khăn, sản xuất công nghiệp một số ngành phục hồi chậm.
Trong điều kiện vẫn còn những khó khăn nhất định, vốn đầu tư xã hội của tỉnh được xem là “chất kích thích” cho kinh tế duy trì phát triển. Trong 3 tháng, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 31.426 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ 2023, giải ngân ước đạt 1.541 tỷ đồng, đạt 7% kế hoạch HĐND tỉnh giao và đạt 11% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tỉnh đã thu hút được 14.063 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh, chấp thuận chủ trương đầu tư 3 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư khoảng 21.393 tỷ đồng, thu hút được 158,3 triệu đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Riêng các khu, cụm công nghiệp thu hút 132 triệu đô la Mỹ vốn FDI, cho thuê được 12,8 ha đất. Các DN trong khu công nghiệp (KCN) đã giải ngân vốn đầu tư 965 triệu đô la Mỹ, doanh thu đạt 10,3 tỷ đô la Mỹ, xuất khẩu đạt 5,9 tỷ đô la Mỹ.
Đại diện sở, ngành phát biểu thảo luận tại phiên họp
Thu hút đầu tư nước ngoài giảm, chỉ bằng 36% so với cùng kỳ, một phần nguyên nhân là do không còn quỹ đất để đáp ứng các nhà đầu tư mới, đặc biệt là các nhà đầu tư có nhu cầu sử dụng diện tích đất lớn. Bên cạnh đó, việc tiếp cận nhu cầu của nhà đầu tư, hỗ trợ thủ tục, tháo gỡ vướng mắc hạ tầng cho nhà đầu tư thứ cấp vẫn chưa mang lại hiệu quả tích cực. Công tác thẩm định giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng và việc ủy quyền cho các địa phương xây dựng, thẩm định vàphê duyệt giáđất cụthểcòn một số khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ; việc triển khai các dự án tái định cư, các công trình trọng điểm và giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm.
Ước tổng thu ngân sách quý I là 18.415 tỷ đồng, đạt 28% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và 26% dự toán HĐND tỉnh, bằng 97% so với cùng kỳ. Các chương trình tín dụng hỗ trợ DN, người dân dù lãi suất cho vay giảm nhưng tăng trưởng tín dụng chậm. Tổng nguồn vốn huy động đến ngày 15-3 ước đạt 300.000 tỷ đồng, tổng dư nợ ước đạt 323.000 tỷ đồng. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I-2024 ước tăng 3,87% so với cùng kỳ năm 2023. |
Để tạo thêm động lực phát triển trong thời gian tới, UBND tỉnh đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục pháp lý để kịp tiến độ đầu tư các KCN VSIP III giai đoạn 2, Rạch Bắp (mở rộng), Tân Bình, Đất Cuốc (mở rộng). Tỉnh cũng đang nghiên cứu đầu tư KCN chuyên ngành cơ khí khoảng 800 ha, thu hút các ngành cơ khí ô tô và tạo tiền đề phát triển công nghiệp công nghệ cao, tự động hóa, đầu tư KCN khoa học công nghệ…
Hỗ trợ tiếp cận vốn sản xuất, kinh doanh
Trong 3 tháng đầu năm, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nên hầu hết các chỉ tiêu kinh tế đều tăng trưởng, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng khá; tập trung tháo gỡ khó khăn trong thẩm định giá đất để triển khai các dự án đầu tư, thu, chi ngân sách bảo đảm theo dự toán. Cùng với đó, UBND tỉnh kịp thời theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục đầu tư, triển khai thực hiện khá hiệu quả các công trình giao thông trọng điểm.
Nhận định tình hình sản xuất công nghiệp trong thời gian tới phục hồi, tăng trưởng chậm nhưng kết quả điều tra ghi nhận có nhiều khởi sắc, các DN đã chủ động được nguồn nguyên liệu, ký kết nhiều đơn hàng, đẩy mạnh sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Ghi nhận cho thấy, các DN ký kết những đơn hàng mới đã giúp hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa có những tín hiệu khả quan, số đơn hàng mới ở các ngành chủ lực như chế biến gỗ, máy móc thiết bị, giày dép, dệt may... đều tăng.
Cụ thể, ước kim ngạch xuất khẩu trong quý I-2024 đạt gần 8 tỷ đô la Mỹ, tăng 16,2%. Trong khi đó nhận định về kinh tế quý II-2024, Cục Thống kê tỉnh cho biết qua khảo sát tại 400 DN cho thấy, có 42% DN tin tưởng có nhiều khả năng tích cực hơn và 21,3% DN dự báo tình hình SXKD sẽ có những khó khăn nhất định.
Chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh trong quý I tiếp tục duy trì tăng trưởng tích cực
Triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong quý II-2024, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh yêu cầu các sở, ban, ngành, các địa phương tiếp tục tập trung triển khai các chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội địa phương; tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong SXKD của người dân và DN.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh cũng yêu cầu các sở, ngành và địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án bất động sản, thường xuyên kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án, tập trung là các công trình giao thông trọng điểm và giải ngân vốn đầu tư công; triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2024. Đối với công tác thu ngân sách cần tổ chức thu đúng, đủ, kịp thời, khai thác hiệu quả các nguồn thu, rà soát, xử lý nợ thuế của DN, quản lý chặt chẽ, tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, kiểm soát chi dự phòng, tập trung triển khai sử dụng hóa đơn điện tử.
Để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động SXKD, ông Võ Văn Minh yêu cầu triển khai hiệu quả các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước, tạo điều kiện để người dân và DN tiếp cận vốn tín dụng… Đồng thời, ông lưu ý các sở, ban, ngành cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tìm thị trường mới để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của DN.
MINH DUY