Sản xuất hàng tiêu dùng hối hả vào vụ tết
(BDO) Thời điểm cuối năm 2021, người sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh lại tất bật hoạt động, chuẩn bị đầy đủ hàng hóa cung ứng ra thị trường phục vụ người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán 2022.
Các cơ sở sản xuất mứt trên địa bàn tỉnh bắt tay vào vụ tết. Trong ảnh: Bà Lương Thị Ánh Sáng, ngụ khu phố Bình Thuận, phường Bình Nhâm, TP.Thuận An chăm chút từng công đoạn sản xuất mứt tết
Chuẩn bị đầy đủ
Lo ngại về chất lượng hàng hóa, người tiêu dùng có xu hướng dùng những sản phẩm thực phẩm uy tín trong nước. Nhờ đó, các cơ sở sản xuất bánh kẹo, mứt truyền thống ở Bình Dương cũng như các loại bánh kẹo do Việt Nam sản xuất đang đẩy mạnh sản xuất và phân phối để phục vụ khách hàng.
Bà Lương Thị Ánh Sáng, ngụ tại khu phố Bình Thuận, phường Bình Nhâm, TP.Thuận An, cho biết thời điểm này hàng năm đã vào vụ cao điểm sản xuất mứt gừng cung ứng cho thị trường dịp Tết Nguyên đán. Năm nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp, dự kiến sức mua thấp. “Vào dịp tết hàng năm, tôi chuẩn bị lượng hàng trung bình trên 3 tấn, nhưng năm nay chỉ khoảng 1 tấn mứt thôi”, bà Sáng nói.
Tương tự, bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân cũng cho hay sức mua đang giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty vẫn chủ động dự trữ nguồn thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thịt, trứng để sẵn sàng cung ứng cho thị trường tết. “Chi phí đầu vào các sản phẩm đã tăng 20 - 30%, xăng dầu cũng tăng giá, đội giá thành lên. Chúng tôi chỉ mong sức mua của thị trường tăng lên, doanh nghiệp bán được nhiều hàng và giữ giá ổn định chứ không mong tăng giá vì nhu cầu tiêu dùng thấp”, bà Huân nói
Ưu tiên hàng Việt
Bà Lê Thị Vân, phường Tân An, TP.Thủ Dầu Một kể trong một lần tình cờ được thưởng thức món mứt gừng dẻo rất ngon. Theo chỉ dẫn của người quen, bà tìm đến tận cơ sở sản xuất tìm hiểu mới hay, đó là sản phẩm truyền thống của làng nghề tại phường Bình Nhâm, TP.Thuận An. Ngay sau đó, bà quyết định chọn đưa sản phẩm này vào kinh doanh tại cửa hàng của gia đình mình. “Trước đây, món mứt kẹo tết bày bán trong cửa hàng của chúng tôi có nhiều sản phẩm là hàng nhập khẩu. Trước sự hấp dẫn của sản phẩm Việt, đặc biệt tại Bình Dương có nhiều sản phẩm có hương vị thơm ngon, giá rẻ hơn hàng nhập ngoại, tại sao không ưu tiên sử dụng, ủng hộ hàng nội”, bà Vân đặt vấn đề.
Nắm bắt được tâm lý tiêu dùng trên, hệ thống siêu thị trên địa bàn tỉnh ưu tiên nhập vào các loại thực phẩm, bánh mứt kẹo đóng hộp do các doanh nghiệp Việt sản xuất. Ông Thái Thành Nhân, Trưởng bộ phận thực phẩm siêu thị Big C Bình Dương, cho hay so với các tháng trước, tỷ lệ mặt hàng bánh mứt kẹo đã tăng khoảng 50% và có đến 90% là hàng Việt. Bên cạnh việc tập trung cải tiến mẫu mã, năm nay sản phẩm bánh kẹo Việt Nam cũng đã chú ý nâng cao chất lượng và có khá nhiều mức giá khác nhau nên phù hợp với đại đa số người tiêu dùng. Chính vì vậy, siêu thị ưu tiên nhập hàng Việt. Ông Thái Thành Nhân cũng cho biết tại Big C luôn có chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Chúng tôi luôn tìm kiếm và hỗ trợ các thương hiệu truyền thống và đặc trưng của từng địa phương, tạo cầu nối giúp mang những sản phẩm thuần Việt đến tận tay người tiêu dùng”, ông Nhân cho biết thêm.
Còn theo nhận xét của bà Nguyễn Thị Hồng Khanh, Giám đốc siêu thị Co.opmart Bình Dương II, hàng hóa thực phẩm trong nước đang rất phong phú, đa dạng. Đặc biệt, nhiều sản phẩm được doanh nghiệp chăm chút về hình thức, mẫu mã, bao bì được cải tiến rất nhiều. Nhiều công ty cũng đã chú trọng nghiên cứu chế biến các sản phẩm phù hợp với thị hiếu và khẩu vị của người Việt. “Hơn nữa, cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cũng được nhiều người ủng hộ trong những năm qua và có niềm tin vào hàng Việt hơn”, bà Nguyễn Thị Hồng Khanh nói. Theo bà Khanh, sau một năm trải qua đại dịch, nhu cầu và thói quen tiêu dùng của người Việt rất khác. Vì vậy, doanh nghiệp, cơ sở cần tìm hiểu, sản xuất hàng tiêu dùng dựa trên nhu cầu và thị hiếu khách hàng. Có như vậy sản phẩm của doanh nghiệp Việt mới ngày càng được ủng hộ vững bền trên thị trường.
THANH HỒNG