Sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán

Thứ bảy, ngày 07/01/2023

(BDO)

Ngành y tế tỉnh sẵn sàng các phương án ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Trong ảnh: Trong những ngày đầu năm 2023, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến khám, chữa bệnh

Dịch bệnh Covid-19 tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng các ngành, các địa phương đã nỗ lực, quyết tâm, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Dịch bệnh Covid-19 cơ bản vẫn được kiểm soát tốt trên phạm vi toàn tỉnh; đồng thời tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để kiểm soát tình hình các dịch bệnh truyền nhiễm khác. Tuy nhiên, ông Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán. Miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian, vi rút liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ nguy cơ tăng ca nặng, tử vong trở lại”.

Thống kê trong năm 2022, Bình Dương ghi nhận 96.189 ca nhiễm trong cộng đồng. Trong đó có 2 trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.2.75 của chủng Omicron, 1 trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4; 21 trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.5; 4 trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.2.75; 9 trường hợp nhiễm biến thể BA.2; 4 trường hợp nhiễm biến thể BA.1. Lũy kế trong đợt dịch bệnh thứ 4 từ ngày 27-4-2021 đến nay, Bình Dương ghi nhận 386.888 ca bệnh, gồm 386.878 ca nhiễm trong cộng đồng và 10 ca chuyên gia nhập cảnh. Trong những ngày đầu năm 2023, tỉnh cũng ghi nhận 1 ca nhiễm bệnh Covid-19 trong cộng đồng.

Hiện nay, tiêm vắc xin ngừa Covid-19 vẫn là giải pháp cần thiết và quan trọng để phòng, chống dịch bệnh, tạo điều kiện để kinh tế - xã hội phát triển. Thời gian qua, Bình Dương và cả nước đã triển khai chương trình tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Các nghiên cứu cũng như thực tế tiêm chủng trên thế giới đã chứng minh hiệu quả của vắc xin trong việc làm giảm mức độ nặng của bệnh, giảm nguy cơ nhập viện và tử vong, góp phần đáng kể trong việc kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh.

Thời gian qua, ngành y tế, ngành giáo dục - đào tạo đã có sự phối hợp, chỉ đạo sát sao trong công tác truyền thông và triển khai tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi. Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, cho biết: “Việc đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ em và học sinh là giải pháp căn cơ để duy trì thành quả phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, thời gian qua dịch bệnh cơ bản được khống chế, nhiều người có tâm lý chủ quan nên trì hoãn việc tiêm chủng. Hiện một số địa phương vẫn còn tình trạng tiêm vắc xin chậm, chưa đạt kế hoạch cho các đối tượng có chỉ định. Ngành cũng phối hợp với ngành y tế tăng cường triển khai tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục”.

Theo kế hoạch, tối thiểu 80% trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi trong các cơ sở giáo dục thuộc đối tượng chỉ định được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 mũi 3; tối thiểu 80% trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong các cơ sở giáo dục thuộc đối tượng chỉ định được tiêm đủ 2 liều vắc xin ngừa Covid-19.

Đẩy mạnh chăm sóc người mắc bệnh lý, bệnh nền

Cùng với hoạt động điều tra, giám sát dịch tễ, ngành y tế cũng tăng cường quản lý, chăm sóc người mắc bệnh lý, bệnh nền để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 có khả năng lây nhiễm trong cộng đồng. Những người có các bệnh lý nền như bệnh lý tim mạch, phổi, đái tháo đường, ung thư là những đối tượng có sức đề kháng yếu, dễ mắc Covid-19 và dễ chuyển biến nặng. Nhằm chủ động chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh cho những người có các bệnh lý, bệnh nền, ngành y tế phối hợp với các địa phương triển khai kiểm tra sức khỏe người có nguy cơ cao; qua đó đã kịp thời rà soát, sàng lọc người mắc bệnh lý nền mãn tính về tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, hen phế quản… trên địa bàn tỉnh. Các trường hợp này đều được lập danh sách theo dõi sức khỏe và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại địa phương.

Trao đổi với P.V, bác sĩ CK2 Kiều Ngọc Dũng, Trưởng khoa Điều trị rối loạn nhịp Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh), cho biết: “Người có tiền sử mắc bệnh tim nhiễm Covid-19 thường sẽ có các bệnh lý đi cùng như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu nên có nguy cơ gặp biến cố lâm sàng cao hơn người bệnh khác. Bệnh nhân suy tim nhiễm Covid-19 thường dẫn đến tình trạng bệnh nặng thêm hoặc có biểu hiện rối loạn nhịp. Vì vậy, các bệnh viện nên dành thời gian nói chuyện, tư vấn cho bệnh nhân về tình hình dịch bệnh, sự nguy hiểm khi người có bệnh mạn tính, trong đó có bệnh tim mạch; tư vấn về các biện pháp phòng tránh, duy trì thuốc định kỳ, luyện tập thể lực, tăng cường dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng cơ thể, phòng, chống dịch bệnh Covid-19”

Ông Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế: “Để bảo đảm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 dịp Tết Nguyên đán, Sở Y tế đề nghị UBND các huyện, thị, thành phố phối hợp chỉ đạo Phòng Y tế, Trung tâm Y tế và các đơn vị chức năng tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát đối với tất cả các cơ sở y tế theo tinh thần chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của Trung ương và UBND tỉnh”.

HOÀNG LINH