Sẵn sàng nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Thứ hai, ngày 20/01/2020

(BDO) Bước sang năm 2020, là năm mà cả nước nói chung, Bình Dương nói riêng đang tích cực hội nhập kinh tế quốc tế và ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu về công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Do đó, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp (DN) và hội nhập quốc tế phục vụ cho cuộc CMCN 4.0 và xây dựng thành phố thông minh Bình Dương là một trong những mục tiêu quan trọng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong tỉnh.

 Sinh viên thực hành nạp gas điều hòa ô tô tại nhà xưởng Trung tâm GDNN quản trị công nghệ Bình Dương

 Đổi mới trong đào tạo nguồn nhân lực

Với sự phát triển của CMCN 4.0, một số ngành nghề mới sẽ được phát triển trong tương lai. Trong bối cảnh đó, GDNN đang chịu sự tác động mạnh mẽ do tính chất công việc nghề nghiệp thay đổi sẽ kéo theo cần nhiều kỹ năng mới đòi hỏi sự thích ứng của GDNN. Đ ể đáp ứng nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, các cơ sở GDNN trong tỉnh đang tập trung đổi mới mạnh mẽ để thích ứng với sự phát triển của xã hội.

Đứng trước những cơ hội và thách thức mà cuộc CMCN 4.0 mang lại, thời gian qua, trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương đã xác định các ngành nghề mũi nhọn để tập trung đầu tư đào tạo, nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của các DN, hướng đến xây dựng thành phố thông minh Bình Dương. Với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo đạt đến trình độ của khu vực và quốc tế, đặc biệt tập trung vào các ngành nghề mũi nhọn, trong những năm qua, nhà trường thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, không ngừng đẩy mạnh đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị; đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; xây dựng và điều chỉnh chương trình đào tạo; ứng dụng công nghệ thông tin và tăng cường hợp tác với các DN nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0.

Tại Trung tâm GDNN quản trị công nghệ Bình Dương, năm học 2019-2020, trung tâm đã liên kết với trường Cao đẳng Nghề TP.Hồ Chí Minh tổ chức đào tạo thêm những ngành nghề mới với trình độ cao hơn, dạy bổ sung nhiều kỹ năng và ứng dụng các công nghệ mới vào chương trình đào tạo để theo kịp yêu cầu của cuộc CMCN 4.0. Ông Nguyễn Tấn Duy - Giám đốc trung tâm, cho biết với cuộc CMCN 4.0 sẽ tạo ra những thách thức vô cùng lớn đối với nguồn lao động trong tương lai. Vì vậy, ngay từ bây giờ cơ sở phải xác định được nhu cầu của nguồn lao động trong tương lai là gì? Ngành gì? Lĩnh vực gì? Cho nên trong 5 năm vừa qua, trung tâm đã trực tiếp đi đến các DN và trực tiếp tham gia vào Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bình Dương để gắn kết mật thiết hơn và tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Hỗ trợ nhà trường và doanh nghiệp đào tạo

Theo dự kiến đến năm 2020, tỷ lệ lao động trong tỉnh qua đào tạo đạt 80%, trong đó có văn bằng chứng chỉ là 30% (dự kiến đào tạo khoảng 120.000 người). Nhằm hỗ trợ nhà trường và DN hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cuộc CMCN 4.0; đào tạo nghề, tuyên truyền nghề và phát triển nghề cho lao động phục vụ cho Đề án thành phố thông minh Bình Dương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện nhiều giải pháp để kết nối 3 nhà, gồm: Nhà nước - nhà DN - nhà trường, ngoài ra còn có sự tham gia, tư vấn của các nhà khoa học.

Ông Võ Đông Duy, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết xác định việc gắn kết đào tạo nghề với DN trong hoạt động GDNN có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Nhà nước, nhà trường và xã hội. Do đó, thời gian qua, sở đã có nhiều hoạt động định hướng các cơ sở GDNN tăng cường công tác đào tạo gắn kết với DN như: Tổ chức hội thảo đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu DN trên địa bàn tỉnh Bình Dương; tạo điều kiện cho lãnh đạo các trường gặp gỡ và trao đổi với các hiệp hội logistic, hiệp hội cơ điện, hiệp hội chế biến gỗ… tổ chức hội thảo giải pháp cải thiện chỉ số đào tạo lao động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; tổ chức các hội thảo, ký kết hợp tác đào tạo giữa các cơ sở GDNN với các DN theo từng lĩnh vực ngành nghề mũi nhọn của tỉnh... Từ đó, xác định tính cấp thiết cần phải đổi mới cách thức tổ chức và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu của người học, thị trường lao động và DN, đặc biệt trong những ngành, nghề có nhu cầu lao động lớn, đòi hỏi yếu tố kỹ thuật và công nghệ cao, nhằm giải quyết việc làm, cải thiện chỉ số đào tạo lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh.

TP.thông minh Bình Dương trong tương lai sẽ là thành phố thông minh với sự phát triển khoa học công nghệ, năng động, thành phố với nhiều mảng xanh, không khói bụi, trong lành và sạch đẹp. Bắt nhịp với xu thế ấy, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh cũng có những bước đi phù hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề của đơn vị, đáp ứng yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực trong tình hình mới.

 Bình Dương hiện có 95 cơ sở GDNN. Mỗi năm, các cơ sở GDNN trong tỉnh phải bảo đảm cung ứng cho thị trường lao động trong tỉnh từ 25.000 đến 30.000 lao động có tay nghề. Nhìn chung, chất lượng đào tạo của GDNN ngày càng được nâng lên, thể hiện thông qua việc một số sinh viên ở các cơ sở GDNN trong tỉnh tham dự hội thi tay nghề cấp quốc gia đã giành được một số giải. Song song với đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng hiện đại hóa; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề đạt chuẩn về trình độ chuyên môn; các cơ sở GDNN đã chủ động nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động và yêu cầu của thị trường, tăng cường phối hợp với các DN, mở rộng ngành nghề đào tạo, trong đó chú trọng đào tạo những ngành nghề có yếu tố kỹ thuật và công nghệ cao phục vụ cho cuộc CMCN 4.0 và những ngành nghề trọng điểm ở cấp độ ASEAN, cấp độ quốc gia”.

 (Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)

TƯỜNG VY