Sẵn sàng các điều kiện để triển khai Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID
(BDO) Sổ sức khỏe điện tử VNeID là một phần của dữ liệu thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế không chỉ dùng cho các cơ sở y tế trong và ngoài công lập mà còn dùng cho cả người bệnh. Trong quá trình triển khai, hiện Bình Dương đang gặp một số khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.
Người dân KCB bằng căn cước công dân tích hợp trên kiosk tự phục vụ
100% cơ sở đã sẵn sàng
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương là đơn vị được tỉnh chọn làm điểm triển khai Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID. Bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng về điều kiện hạ tầng, thiết bị, đường truyền để phục vụ liên thông dữ liệu lên Cổng giám định bảo hiểm y tế (BHYT).
Hiện đơn vị đã hoàn thành kế hoạch triển khai, phân công cán bộ chuyên môn xây dựng quy trình, đặc biệt là quy trình liên thông dữ liệu, bảo đảm kịp thời. Khâu tiếp nhận được thực hiện linh hoạt qua các hình thức định danh, như: Thẻ căn cước công dân, số định danh cá nhân, số thẻ BHYT cho tất cả người bệnh. Công tác ghi nhận, ký số, liên thông dữ liệu và tiếp nhận khám, chữa bệnh (KCB) được chuẩn bị sẵn sàng tích hợp Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID.
Bên cạnh đó, bệnh viện cũng xây dựng quy trình liên thông dữ liệu, đào tạo nhân viên y tế bảo đảm ghi chép tóm tắt hồ sơ bệnh án, tóm tắt quá trình điều trị theo đúng quy định. Việc liên thông bảo đảm dữ liệu Sổ sức khỏe điện tử VNeID phải lên Cổng tiếp nhận dữ liệu giám định BHYT sau khi người bệnh kết thúc đợt KCB.
Ngoài Bệnh viện Đa khoa tỉnh được chọn làm đơn vị điểm, còn có các cơ sở y tế như: Bệnh viện Đa khoa Mỹ Phước và Trung tâm Y tế TP.Thuận An. Qua thống kê, hiện 100% cơ sở KCB BHYT đã sẵn sàng các điều kiện hạ tầng, thiết bị, đường truyền để phục vụ liên thông dữ liệu theo Quyết định 4210 của Bộ Y tế.
Ông Quách Trung Nguyên, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết dữ liệu Sổ sức khỏe điện tử VNeID là một phần của dữ liệu thanh quyết toán chi phí KCB BHYT. “Việc sử dụng quy trình liên thông dữ liệu KCB BHYT lên Cổng tiếp nhận dữ liệu giám định BHYT nhằm liên thông dữ liệu Sổ sức khỏe điện tử VNeID. Sổ sức khỏe điện tử không chỉ dùng cho các cơ sở y tế trong và ngoài công lập mà còn dùng cho cả người bệnh nhằm tích hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về BHYT”, ông Quách Trung Nguyên cho biết thêm.
Vẫn còn khó khăn cần tháo gỡ
Để quản lý sức khỏe của người dân, ngành y tế tỉnh đã triển khai nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử. Phần mềm này có những thông tin, dữ liệu, tiêu chuẩn, định dạng giống với nội dung triển khai Sổ sức khỏe điện tử qua ứng dụng VNeID. Địa phương đang xác định có hay không sự trùng lặp nội dung giữa việc triển khai nhiệm vụ quản lý sức khỏe người dân bằng Hồ sơ sức khỏe điện tử và triển khai Sổ sức khỏe điện tử qua ứng dụng VNeID. Trong khi các cơ sở y tế công lập thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, việc nâng cấp, điều chỉnh phần mềm quản lý bệnh viện phát sinh kinh phí, khó khăn cho bệnh viện.
Thống kê toàn tỉnh hiện có 15 phòng khám đa khoa tư nhân không thực hiện KCB BHYT nên việc liên thông dữ liệu, sử dụng Sổ sức khỏe điện tử VNeID cho các bệnh nhân đến khám tại các cơ sở này gặp không ít khó khăn. Ngành y tế tỉnh kiến nghị Bộ Y tế cần sớm ban hành hướng dẫn các trường thông tin liên thông lên Cổng tiếp nhận dữ liệu giám định BHYT đối với bệnh nhân không KCB BHYT; nghiên cứu, bổ sung quy định ứng dụng phần mềm đối với các cơ sở KCB tư nhân và quy định thời gian, lộ trình thực hiện. Yêu cầu này là một trong những điều kiện cấp phép hoạt động nhằm bảo đảm đầy đủ trường thông tin, dữ liệu điện tử sức khỏe của người dân phục vụ triển khai Sổ sức khỏe điện tử qua ứng dụng VNeID.
Ngoài ra, ngành y tế tỉnh cũng kiến nghị Bộ Y tế sớm tham mưu, trình Chính phủ xem xét quyết định triển khai xây dựng Trung tâm Dữ liệu y tế do Bộ Y tế quản lý để có thể chủ động triển khai thu thập, quản lý, chia sẻ dữ liệu chuyên môn y tế với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế.
KIM HÀ - MINH KHIÊM