Sẵn sàng bắt nhịp trở lại
(BDO) Theo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), trong năm 2021, với nhiều giải pháp hỗ trợ tích cực của tỉnh, sự nỗ lực vượt qua khó khăn của doanh nghiệp, mặc dù dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng ngành chế biến gỗ vẫn cho thấy nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước. Đại đa số các doanh nghiệp đều có đơn hàng xuất khẩu đến hết năm 2021. Theo thống kê của BIFA, 7 tháng năm 2021, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của các doanh nghiệp ngành gỗ trong tỉnh vẫn đạt 4,83 tỷ USD, tăng 57,3% so với cùng kỳ. Điều này tạo ra sự phấn khởi trong các doanh nghiệp ngành gỗ cùng với việc chuẩn bi cho kế hoạch đường dài.
Tuy nhiên, đến tháng 8-2021, tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh, trong đó có hoạt động của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ, các sản phẩm từ gỗ chậm lại và giảm so với tháng trước. Trước thực tế này, để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, suy giảm đơn hàng, cắt giảm lao động, thu hẹp hoặc đóng cửa nhà máy, nhiều doanh nghiệp đã và đang nỗ lực hết mình trong việc duy trì sản xuất mà các cấp, các ngành hướng dẫn, thực hiện phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm”. Theo khảo sát của BIFA, đến nay rất nhiều doanh nghiệp cố gắng duy trì sản xuất ở mức 20 - 50% so với trước thời điểm giãn cách nhằm đáp ứng phần nào yêu cầu của khách hàng và duy trì công việc, thu nhập cho người lao động.
Điều quan trọng hiện nay đối với các doanh nghiệp là nỗ lực thực hiện và áp dụng các biện pháp kiểm soát rủi ro chặt chẽ. Một mặt duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ chân khách hàng, tạo việc làm cho người lao động, mặt khác tránh đứt gãy hoàn toàn các đơn hàng, gây rủi ro về thị trường đầu ra sản phẩm trong tương lai. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngưng sản xuất cần chuẩn bị tâm thế để sẵn sàng sản xuất, kinh doanh trở lại với cường độ khi bệnh dịch được kiểm soát.
KHẢI ANH