Sản phẩm OCOP: Xây dựng thương hiệu, khẳng định giá trị
(BDO) Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Có thể nói, mỗi sản phẩm OCOP đều mang trên mình một vai trò “đại sứ” của từng vùng, miền và chuyển tải những câu chuyện sản xuất mang nhiều tính nhân văn.
Một gian hàng tham gia Hội chợ thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP Bình Dương năm 2024
Từng bước khẳng định vai trò
Chương trình OCOP được triển khai từ năm 2018 theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay đã bước vào giai đoạn thứ hai triển khai thực hiện. Sản phẩm OCOP đã từng bước khai thác và phát huy những giá trị văn hóa, giá trị truyền thống của địa phương; khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người tiêu dùng tín nhiệm... Việc phát triển sản phẩm OCOP đã góp phần gia tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Theo thống kê của cơ quan chức năng, tỷ lệ chủ thể OCOP gia tăng về sản lượng sau khi được công nhận OCOP là 46%, doanh thu bán hàng tăng bình quân là 29,7%; tỷ lệ sản phẩm OCOP có giá bán tăng lên là 50,43%. Đặc biệt, chương trình đã tạo nên những thay đổi lớn về mặt thương mại, sản phẩm OCOP được phân phối ổn định trong các hệ thống siêu thị, được lan tỏa và tiêu thụ mạnh mẽ, vươn ra thị trường quốc tế...
Đến nay, cả nước đã có 14.208 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (trong đó 72,3% sản phẩm 3 sao, 25,6% sản phẩm 4 sao, 2,1% sản phẩm 5 sao và tiềm năng 5 sao) và 7.894 chủ thể OCOP (gồm 32,9% là hợp tác xã, 23,2% là doanh nghiệp, 38,2% là cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác). |
Theo Chi cục Phát triển nông thôn, mỗi sản phẩm OCOP đều mang các giá trị văn hóa đặc trưng của mỗi địa phương, mỗi vùng miền. Đây chính là thế mạnh của sản phẩm OCOP so với các sản phẩm đại trà. Để được công nhận OCOP, sản phẩm phải đạt các tiêu chuẩn theo quy định, nên khi khẳng định được chỗ đứng trên thị trường thì sức tiêu thụ sản phẩm OCOP sẽ ổn định, phát triển trong bối cảnh đời sống của người dân ngày một nâng cao như hiện nay.
Kết quả khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy, nhu cầu về sản phẩm OCOP đối với thị trường quốc tế hiện nay khá lớn, nhất là đối với cộng đồng người Việt Nam ở các nước, đặc biệt là ở châu Âu, Mỹ... Tuy vậy, để mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm OCOP, các chuyên gia kinh tế cho rằng doanh nghiệp, đơn vị sản xuất cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu về hàng rào kỹ thuật...
Nhiều chính sách hỗ trợ
Nhằm hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng, đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP ở các địa phương, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp với Bộ Công thương, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức triển lãm sản phẩm OCOP xuất khẩu. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đã ký các chương trình phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng NN&PTNT để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có sản phẩm OCOP. Một số ngân hàng như Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã triển khai các gói tín dụng ưu đãi cho các chủ thể OCOP. Cùng với đó, các địa phương có cơ chế thưởng các chủ thể OCOP khi có sản phẩm được công nhận “sao” ở các cấp… Đây là những điều kiện thuận lợi giúp chủ thể OCOP tiếp cận các nguồn lực để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, vươn lên khẳng định thương hiệu, giá trị sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế.
Tỉnh Bình Dương hiện có 219 sản phẩm OCOP, gồm 207 sản phẩm đạt 3 sao, 12 sản phẩm đạt 4 sao của 99 chủ thể là hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp. Điều đáng mừng là nhiều sản phẩm sau khi được công nhận OCOP đã xây dựng được thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, doanh số bán ra ngày một tăng, góp phần nâng cao lợi nhuận cho các chủ thể. Những đơn vị có sản phẩm OCOP tiêu biểu có thể kể đến là Hợp tác xã Cây ăn quả Tân Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên) có sản phẩm bưởi da xanh OCOP 4 sao; sản phẩm tổ yến của Công ty TNHH yến Hiếu Hằng, sản phẩm dưa lưới của Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Kim Long (huyện Phú Giáo) đều đạt chuẩn OCOP 3 sao… Sản phẩm của các đơn vị này đã khẳng định được thương hiệu, giá trị trên thị trường.
Ông Nguyễn Phong Huy, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, cho biết nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP, trong thời gian qua tỉnh Bình Dương đã có nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP. Đặc biệt, sau khi các chủ thể có sản phẩm được công nhận OCOP, tỉnh Bình Dương phối hợp với Bộ Công thương đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa, hội chợ cấp khu vực… Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm OCOP của tỉnh quảng bá, kết nối với hệ thống siêu thị, nhà phân phối để các chủ thể sản phẩm OCOP ký gửi và tiêu thụ sản phẩm ổn định.
Ông Nguyễn Phong Huy cho biết thêm, trong thời gian tới Chi cục Phát triển nông thôn sẽ đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn cho các chủ thể và đối tác tham gia Chương trình OCOP; chú trọng chuyển đổi số trong quản lý, triển khai Chương trình OCOP. Cùng với đó, chi cục tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ phát triển sản phẩm, trong đó trọng tâm là giải pháp hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, hình thành hệ thống các điểm bán hàng OCOP, kênh thương mại điện tử sản phẩm OCOP; xây dựng chính sách hỗ trợ cho các chủ thể và sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đạt chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.
THOẠI PHƯƠNG - HẢI DƯƠNG