Sản phẩm OCOP: Khẳng định giá trị và chất lượng
(BDO) Thời gian qua, để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức hệ thống các sự kiện, chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm thường niên, đồng bộ và kết nối từ Trung ương đến địa phương; đồng thời xây dựng hệ thống xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP ra thị trường quốc tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp của huyện Phú Giáo đạt OCOP 3 sao
Tạo sự lan tỏa mạnh mẽ
Theo Bộ NN&PTNT, đến nay 63/63 tỉnh, thành phố đều đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; đều có đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đã có 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Bên cạnh đó, cả nước có 5.069 chủ thể OCOP, trong đó có 38,5% là hợp tác xã, 24,4% là doanh nghiệp, 34,1% là cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Các địa phương đã khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản phẩm OCOP.
Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm. Đặc biệt, các sản phẩm OCOP 5 sao đã được tin tưởng, lựa chọn làm quà tặng trong các sự kiện quan trọng của quốc gia. Đáng chú ý, hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP tiếp tục được triển khai mạnh mẽ từ Trung ương đến các địa phương.
Cùng với đó, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các cơ quan và địa phương tổ chức tham gia các hội chợ quốc tế như tại Thái Lan, châu Âu, Nhật Bản; tổ chức các diễn đàn, hội chợ cấp vùng, cấp quốc gia để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP.
Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện. Sau hơn 5 năm triển khai, đến nay Bình Dương đã công nhận 103 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao; trong đó có 10 sản phẩm 4 sao và 93 sản phẩm 3 sao cho 49 chủ thể, gồm: 15 doanh nghiệp, 11 hợp tác xã, 6 trang trại, 1 tổ hợp tác, 16 cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh.
Ông Văng Phước Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, đánh giá các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận tích cực, giúp nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân. Qua chương trình đã phát hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo.
Sản phẩm dưa lưới của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (xã An Bình, huyện Phú Giáo) được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao
Đồng bộ các giải pháp
Tuy nhiên, qua thời gian triển khai cho thấy, các giải pháp hỗ trợ đối với chủ thể của các sản phẩm OCOP vẫn còn không ít khó khăn, nhất là khó khăn trong việc nâng cao năng lực quản trị, chế biến và thương mại sản phẩm. Để tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình OCOP, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3631/KH-UBND ngày 19-7-2023. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị, thành phố và các sở, ngành liên quan triển khai toàn diện các nội dung Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 và năm 2023 theo hướng nâng cao hiệu quả. Hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện đăng ký, đánh giá, phân hạng sản phẩm theo đúng Chương trình OCOP và kế hoạch của UBND tỉnh.
UBND tỉnh yêu cầu chính quyền các cấp chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện Chương trình OCOP nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế và truyền thống của địa phương để phát triển các sản phẩm đặc sản có giá trị cao về kinh tế và văn hóa. Các sở, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố xác định việc thực hiện chương trình là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt góp phần trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời căn cứ chức năng của ngành, lĩnh vực quản lý tham mưu UBND tỉnh thực hiện hiệu quả. Mặt khác, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh nhằm phát huy sáng tạo và sức mạnh cộng đồng trong sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế của địa phương gắn với giá trị cộng đồng. Phát triển liên kết theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao năng lực sản xuất và phát triển bền vững các sản phẩm hàng hóa.
Cùng với những kết quả bước đầu, để Chương trình OCOP đạt kết quả cao hơn nữa trong thời gian tới đòi hỏi tất cả các cấp, các ngành, địa phương và đặc biệt là các chủ thể thực hiện cùng chung tay triển khai thực hiện để đạt hiệu quả cao hơn. Đó sẽ là cơ sở quan trọng thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn; là nền tảng vững chắc xây dựng nông thôn mới bền vững.
THOẠI PHƯƠNG - HẢI DƯƠNG