Sản phẩm KTTT ứng dụng công nghệ cao
(BDO) Mô hình kinh tế trang trại (KTTT) trong sản xuất nông nghiệp đã không ngừng được phát triển, mở rộng. Sự phát triển của KTTT đã góp phần giúp người nông dân phát huy được lợi thế, mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường, góp phần tích cực trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Việc phát triển KTTT nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân; khuyến khích người nông dân làm giàu ngay trên chính mảnh đất của mình.
Hiện nay, ở Bình Dương đã hình thành nhiều mô hình KTTT như trang trại trồng trọt, trang trại chăn nuôi gia cầm, gia súc, nuôi trồng thủy sản, trang trại tổng hợp... Việc hình thành nhiều mô hình KTTT đã góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác và sử dụng đất một cách hợp lý… để nâng cao giá trị sản xuất nông, thủy sản. Đồng thời, việc hình thành nhiều mô hình KTTT cũng đã góp phần nâng cao hiệu quả mô hình KTTT sử dụng ít đất, sử dụng nhiều lao động, có tính thâm canh cao gắn với chế biến, thương mại và dịch vụ, làm ra hàng hóa nông sản có giá trị kinh tế lớn.
Tuy KTTT đã có bước phát triển nhanh, nhưng vẫn còn những tồn tại cần sớm được khắc phục, đó là KTTT chủ yếu vẫn là trang trại hộ gia đình nông dân và gia đình. Một số trang trại vẫn áp dụng phương pháp sản xuất truyền thống, chưa chú ý tới việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào quá trình sản xuất cũng như tìm hiểu thị trường đầu ra cho sản phẩm, dẫn đến năng suất, chất lượng sản phẩm làm ra chưa cao, sản phẩm làm ra có lúc khó tiêu thụ…
Để KTTT tạo được sức mạnh mới trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nông thôn, còn nhiều vấn đề cần được sớm giải quyết, như nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm chuyên ngành của ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn, việc hỗ trợ, đào tạo các chủ trang trại có thêm hiểu biết về thị trường, khoa học kỹ thuật mới cũng như nâng cao trình độ quản lý. Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với phát triển KTTT về chính sách vốn vay. Tạo điều kiện để các chủ trang trại tích cực tham gia chuyển đổi phương thức sản xuất, áp dụng kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra đối với trang trại, bảo đảm các chủ trang trại thực hiện đầy đủ công tác bảo vệ môi trường, gắn sản xuất với chế biến sản phẩm, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có giá trị kinh tế cao nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước...
NHẬT HUY