Sản phẩm cơ điện chinh phục thị trường nội địa

Thứ bảy, ngày 14/11/2020

(BDO) Sự tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững trong thời gian dài đã góp phần không nhỏ làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt Nam, đồng thời tạo ra nhu cầu thị trường rộng lớn cho các sản phẩm công nghiệp trong nước, trong đó có ngành cơ điện.

 Sản xuất tại Công ty TNHH Cơ khí Nam Thiên Trường (TP.Dĩ An)

 Khẳng định thương hiệu

Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có khả năng duy trì mức tăng trưởng khá cao trong suốt một thập niên vừa qua với chỉ số tăng GDP trung bình 6,5%-7%/năm. Theo ông Trần Thành Trọng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương, thực tế thời gian qua, với chính sách khuyến khích phát triển kinh tế cởi mở, ngành cơ khí Việt Nam đã sản xuất nhiều sản phẩm đạt chất lượng tốt, có thể cạnh tranh được với sản phẩm ngoại nhập. Các doanh nghiệp (DN) cơ khí của Bình Dương đã nỗ lực tiếp cận khoa học công nghệ, đáp ứng được yêu cầu của DN trong nước và xuất khẩu.

Đối với Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai, ông Trọng cho biết với định hướng đầu tư phát triển lâu dài, từ năm đã tiến hành đăng ký nhãn hiệu SBMPOWER. Đến nay, sản phẩm của Sáng Ban Mai hiện được đánh giá rất cao về công nghệ, chất lượng không thua kém bất kỳ sản phẩm ngoại nhập nào nhưng giá bán lại rẻ hơn, được khách hàng trong và ngoài nước tin dùng. Đặc biệt sản phẩm của Công ty Sáng Ban Mai được lắp đặt đưa vào vận hành tại tòa nhà Trung tâm Hành chính tỉnh với 2 máy phát điện, mỗi máy có công suất 2.500 KVA. Hiện nay, Sáng Ban Mai đã phân phối trên phạm vi toàn bộ 63 tỉnh thành cả nước. Từ năm 2009, Sáng Ban Mai xuất khẩu máy phát điện sang Lào, Campuchia và Myanmar.

Là DN đạt được nhiều thành công trong chuỗi cung ứng nội địa, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần giải pháp Công nghệ CNC (CNCTECH), Khu công nghiệp Đồng An I (TP.Thuận An) cho biết công ty đã và đang từng bước đẩy mạnh phát triển các chuỗi sản xuất trong nước. CNCTECH là nhà cung ứng sản phẩm cơ khí chính xác chất lượng cao phục vụ cho các DN lớn trong nước, DN đầu tư nước ngoài và xuất khẩu cho các đối tác như VNPT Technology, Denso, Toyota, Misumi, Mabuchi Motor… Ngoài ra, CNCTECH còn thường xuyên hợp tác trao đổi công nghệ và cử cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật tham gia nghiên cứu, học tập tiếp thu công nghệ mới ở trong và ngoài nước để bắt được nhịp, phát triển sản xuất phù hợp với xu thế. Công ty đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để nâng cao năng lực gia công các sản phẩm cơ khí chính xác với giá thành cạnh tranh.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, khẳng định để ngành công nghiệp Bình Dương phát triển trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, các DN công nghiệp hỗ trợ có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, mang lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế, thời gian tới Bình Dương tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh từng nhóm sản phẩm hỗ trợ thích ứng; hình thành các khu, cụm công nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, nguyên vật liệu hỗ trợ cho các ngành công nghiệp. Để tạo điều kiện cho ngành cơ khí phát triển, Sở Công thương hiện đang nỗ lực triển khai “Đề án phát triển ngành cơ khí trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Kỳ vọng đề án là một cú hích để công nghiệp Bình Dương phát triển bền vững.

Làm chủ thị trường

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thành Trọng cho biết, liên tiếp trong những tháng cuối năm, Sáng Ban Mai đã ký rất nhiều hợp đồng với các đối tác trong nước. Đầu tháng 11 vừa qua, Sáng Ban Mai và Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng (Da Nang Port) đã chính thức ký hợp đồng cung cấp, lắp đặt hai tổ máy phát điện nhãn hiệu SBMPOWER công suất 550KVA và 2.250KVA, trị giá hơn 8,1 tỷ đồng. “Để ký gói thầu này, Công ty Sáng Ban Mai đã vượt qua gần 10 nhà thầu với nhiều nhãn hiệu nhập ngoại trong hai vòng đấu thầu qua mạng công khai, minh bạch và công bằng. Sáng Ban Mai đã được Cảng Đà Nẵng tín nhiệm trao hợp đồng vì bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật và giá cạnh tranh”, ông Trọng nói.

Tại Bình Dương, SBM vừa trúng thầu máy 1100KVA tại Bệnh viện Đa Khoa tỉnh với trị giá gần 4 tỷ đồng. Ông Trọng chia sẻ, những gói thầu này thật sự là nguồn động viên lớn cho DN sau một chặng đường dài xây dựng và khẳng định thương hiệu. Đây cũng là một cú hích lớn để DN vươn lên trong việc phát triển chất lượng sản phẩm. Ông mong muốn trong thời gian tới các cấp ngành, địa phương tạo những điều kiện để các DN Việt Nam tham gia đấu thầu các gói đầu tư công, tạo điều kiện để DN phát triển bền vững ngay trên chính sân nhà.

Hiện nay, các DN ngành cơ điện trong tỉnh đã làm chủ công nghệ chế tạo một số loại động cơ, máy móc, công cụ… đạt chất lượng để phục vụ ngành công nghiệp sản xuất trong và ngoài nước, tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn. Ông Đào Minh Ngọc, Giám đốc Công ty Phương Vy (TP.Thuận An) cho biết trước hết là về thị trường, ngành cơ khí Việt Nam khá đa dạng về sản phẩm nhưng đang phải cạnh tranh ngày càng gay gắt với sản phẩm nhập khẩu. Ông bày tỏ mong muốn với nỗ lực của DN, nhà nước tiếp tục phát huy vai trò là “bà đỡ”, đặc biệt là hỗ trợ DN nhỏ, vừa và siêu nhỏ trong việc bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi, chi phí gia nhập thị trường thấp, khuyến khích nguồn vốn tư nhân.

 TIỂU MY