Sân chơi hè cho thiếu nhi: Đến hẹn lại đi tìm!
Thứ năm, ngày 10/06/2010
Thoải mái vui chơi trong những ngày hè là những kỷ niệm đẹp của tuổi thơĐỏ mắt tìm chỗ chơi
Đã nghỉ hè được nửa tháng rồi nhưng bé Trần Nguyễn Đông Anh, một học sinh lớp 6, vẫn chưa được thụ hưởng những ngày hè vui nhộn một cách đích thực. Sau khi nhà trường cho nghỉ hè, Đông Anh được ba mẹ cho phép nghỉ xả hơi nửa tháng ở nhà với bà ngoại. Ở nhà đúng hai tuần, em sẽ lại tiếp tục lao vào học thêm văn hóa tại trường và đến nhà cô giáo học đàn vào buổi tối. Chị Nguyễn Thị Khánh Thi, mẹ của bé Đông Anh cho biết: Không phải là tôi không muốn cho con nghỉ ngơi vào dịp hè mà vì ở đây tìm mỏi mắt cũng không có sân chơi nào cho các cháu chơi. Hơn nữa vợ chồng tôi đều phải đi làm từ sáng đến tối mới về thì còn thời gian đâu mà đưa cháu đi chơi.
Không phải đến trường như bé Đông Anh mà được vui chơi một cách thoải mái trong những ngày hè, thì em Lê Hùng Cường, học sinh lớp 8 trường THPT Trần Văn Ơn (Thuận An) lại chẳng biết làm gì cho hết thời gian nghỉ của mình, ngoài việc suốt ngày ngồi ở tiệm Internet gần nhà để luyện game online. Hỏi em game nào đang thịnh? Chơi ra sao?... Cường kể vanh vách.
Dạo quanh một số khu dân cư ở Bình Dương mới thấy sân chơi cho các em vẫn còn thiếu trầm trọng. Sân chơi của các em chủ yếu là những lô đất còn trống, chưa được xây dựng. Chiều đến phụ huynh và các em tận dụng chỗ đất trống ít ỏi đó để làm nơi thả diều, đá bóng hoặc chỉ để hóng mát. Nhưng như vậy vẫn còn hơn trẻ em ở các khu dân cư đông đúc công nhân ở như các huyện Thuận An và Dĩ An. Ở những khu này thì đến đường còn không đủ chỗ đi nữa là sân chơi...
Khác với khu vui chơi cho trẻ ở khu dân cư, trung tâm văn hóa các huyện, thị cũng được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị nhưng để được tham gia các lớp học ở trung tâm thì các bậc phụ huynh đã phải đăng ký trước hàng tháng vì trung tâm nào cũng quá tải. Rạp hát Dĩ An, một trong những địa điểm cũng tạo điều kiện cho giới trẻ đến học múa, hát, vui chơi... nhưng cũng chịu chung số phận như nhiều trung tâm văn hóa khác, số lượng học sinh đến đăng ký học ngày một nhiều trong khi đó cơ sở vật chất tại đây không đáp ứng được nhu cầu. Tương tự, Trung tâm Văn hóa huyện Thuận An cũng chưa có những sân chơi vui, bổ ích để thu hút học sinh. Mỗi tối, tại đây cũng chỉ có vài phụ huynh chở con tới chơi đu quay, thú nhún... rồi về. Thiếu sân chơi nên những ngõ hẻm nhỏ nhoi của các khu dân cư là điểm tụ tập ồn ào của các em nhỏ trong ngày hè. Không có sự trông coi, quản lý, bảo ban của người lớn, nhiều cuộc chơi thường xuyên kết thúc bằng các màn đánh đấm, cãi lộn, ẩu đả và cả những tai nạn rất nguy hiểm.
Anh Trần Ngọc Phú, một phụ huynh ở một khu dân cư tại ấp Bình Đáng, xã Bình Hòa, Thuận An bức xúc nói: Muốn tìm một chỗ chơi cho con vào các ngày nghỉ cuối tuần còn đỏ cả mắt nữa huống hồ là suốt mấy tháng hè. Các con tôi ngoài việc đến trường học rồi thì chẳng còn biết đi đâu chơi nữa. Lâu lâu thứ bảy, chủ nhật vợ chồng tôi cũng chỉ biết dẫn các cháu đến siêu thị dạo một vòng rồi về. Thậm chí ngày 1-6 cũng muốn đưa các cháu đến một điểm nào đó để vui chơi nhưng ở đây làm gì có. Bây giờ nghỉ hè, chúng tôi còn đau đầu hơn vì ngoài thời gian đi học thêm thì ở nhà ông bà cũng quản lý không nổi các cháu. Đứa thì suốt ngày chúi mắt vào tivi, đứa thì cặm cụi ở tiệm internet.
Cần nhiều sân chơi mang tính tập thể
Hiện nay, một thực tế phải nhìn nhận là có quá ít nơi vui chơi giải trí dành cho trẻ em trong khi đó lại có quá nhiều những điểm thu hút trẻ em vào những trò chơi vô bổ như trò chơi điện tử, với những trò chơi kích động, bạo lực trong các tiệm internet. Vào dịp hè, do cũng vẫn phải đi làm và không có thời gian để chăm sóc, quản lý con cái, nhiều phụ huynh đã quản lý con bằng cách đưa đến các lớp học. Ban ngày thì học chữ, ban đêm thì học đàn, học vẽ... Thành ra đối với các em ngày hè trở thành một cực hình mà các em phải gánh chịu. Một số phụ huynh khác thì chọn phương pháp bỏ mặc con ở nhà với ông bà hoặc người giúp việc quản lý. Nhưng với những em này thì không tránh khỏi những cám dỗ của các trò nghịch ngợm nguy hiểm, hay sức mạnh của các trò chơi điện tử. Đối với những gia đình khá giả thì họ không ngại bỏ tiền ra mua cho con những đồ chơi điện tử đắt tiền để tạo sân chơi trong nhà cho con. Tất cả những việc đó của phụ huynh đều nhằm mục đích quản lý con cái trong dịp hè. Nhưng thật ra đó không phải là những điều mà các em mong muốn. Thứ mà các em cần vẫn là một sân chơi mang tính tập thể, bổ ích và an toàn. Đó cũng là một cách để trẻ nâng cao thể lực và trí tuệ.
Cô Nguyễn Thị Thu Loan, giáo viên trường mầm non Hoa Cúc, Thuận An cho rằng: “Cuộc sống ngày một đầy đủ hơn, nhưng sẽ thật sai lầm nếu ai đó bỏ tiền mua sắm những đồ chơi hiện đại, tạo “sân chơi” cho con em mình trong 4 bức tường. Trẻ em hồn nhiên, vô tư và hiếu động. Cái các em cần không phải là sân chơi đơn độc, lẻ loi mà là một sân chơi mang tính tập thể. Năm nào chúng ta cũng tổ chức “Tháng hành động vì trẻ em”, cũng tổ chức ngày Quốc tế Thiếu nhi hay Tết Trung thu... Đó là việc cần thiết, nhưng nó chỉ mang tính nhất thời. Điều các em mong đợi ở người lớn là một sự quan tâm thường xuyên, bảo đảm cho các em quyền được vui chơi, bổ ích và an toàn”.
Hè năm nay, nhiều đơn vị thuộc hệ thống Đoàn - Hội trong tỉnh cũng đã thiết kế những trại hè rèn luyện kỹ năng cho các bạn trẻ thông qua những trải nghiệm từ thực tiễn. Riêng chương trình “Học kỳ quân đội” đã được triển khai và được khá nhiều người hưởng ứng. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều chương trình sát với thực tế hơn để phục vụ một kỳ nghỉ vui vẻ và thoải mái cho các em thiếu nhi sau những ngày học tập căng thẳng.
Mùa hè là thời gian các em được nghỉ ngơi để giải tỏa những căng thẳng, mệt mỏi trong suối một năm học. Chính vì vậy mà dù sân chơi cho các em trong dịp hè còn thiếu, các bậc cha mẹ cũng nên xem thời gian này là một cơ hội cho con tham gia các sinh hoạt giải trí như học vẽ, học múa hát, tập bơi, tập võ, thể dục... Cũng có thể cho học thêm tiếng Anh, nhưng chỉ nên học một cách nhẹ nhàng. Nếu có người lớn ở nhà, nên định hướng và chơi cùng trẻ những trò mang tính giáo dục hoặc có tính vận động cao. Việc học văn hóa cũng cần thiết, nhưng tốt nhất là chỉ ôn lại những kiến thức cũ ngay tại nhà cùng với bố mẹ, mỗi tuần vài lần, kéo dài không quá 1 tiếng. Với trẻ lớn, cha mẹ chỉ cần giao ước với con, nhắc nhở và giám sát trẻ, không nhất thiết phải ngồi cùng.
HỒ NGỌC