Saint Petersburg - thủ đô phương Bắc của Nga
Saint Petersburg có nhiều nét lịch sử tương đồng với TP Hồ Chí Minh kết nghĩa. TP Hồ Chí Minh kỷ niệm sinh nhật 300 tuổi vào năm 1998, còn Saint Petersburg kỷ niệm tuổi 300 vào năm 2003. Khi Sa hoàng Peter Đại Đế tiến về phương Bắc tìm kiếm nơi dựng thủ đô mới thì Saint Petersburg vẫn chỉ là một khu rừng, đầm lầy mênh mông. Tương tự, Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh hơn 300 năm trước cũng rừng rậm hoang vắng khi con cháu nhà Nguyễn tìm đến lập nghiệp. Cả hai thành phố đều là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của đất nước.
Vị trí chiến lược
Saint Petersburg là cửa ngõ thương mại quan trọng của nước Nga. Năm 1703, Sa hoàng Peter Đại Đế quyết định đặt thủ đô ở vùng đầm lầy ven sông Neva ở phía Bắc vì cho rằng vùng đất này tiếp giáp biển Baltic sẽ thuận tiện để nước Nga tiếp cận với thế giới phương Tây. Do ở vị trí chiến lược như thế, Saint Petersburg trở thành TP cảng nhộn nhịp bậc nhất thế giới với 3 cảng hàng hóa và một cảng du khách, cùng với ngành công nghiệp đóng tàu phát triển mạnh. Thành phố là một phần quan trọng của tuyến hành lang vận tải nối các nước Bắc Âu với Nga và Đông Âu.
Một góc thành phố Saint Petersburg.
Ngoài dịch vụ cảng biển và công nghiệp đóng tàu, TP hiện còn phát triển mạnh về công nghiệp vũ trụ, điện tử, máy tính và phần mềm, công nghiệp nặng và các ngành công nghiệp quốc phòng. Có thể nói 10% turbine phát điện của các nhà máy điện trên toàn thế giới, tương đương 2.000 turbine, xuất phát từ nhà máy LMZ ở Saint Petersburg.
Xưởng đúc tiền Saint Petersburg thành lập năm 1724 là một trong những xưởng đúc tiền lớn nhất thế giới. Không chỉ sản xuất tiền đồng, nhà máy còn chế tạo các loại huân, huy chương cho Liên Xô trước đây và Nga ngày nay. Thành phố cũng là nơi có nhà máy đúc kim loại lâu đời nhất và lớn nhất nước Nga, nơi chế tác hàng ngàn tác phẩm điêu khắc và tượng đài nay đang đặt khắp các công viên của Saint Petersburg cũng như nhiều TP khác của Nga.
Đây còn là TP chế tạo xe hơi lớn của Nga. Trước năm 2008, Nga đứng thứ hai châu Âu về số lượng xe hơi bán ra với 2,9 triệu chiếc, chỉ sau Đức 3 triệu. Nhưng do khủng hoảng kinh tế thế giới, số xe hơi tiêu thụ được chỉ vào khoảng 1,5 triệu chiếc trong năm 2010. Qua năm 2011 này, nước Nga đã quyết tâm đẩy mạnh mức tiêu thụ xe hơi, và dự kiến đến năm 2013, Nga sẽ đứng đầu châu Âu về số lượng xe bán ra. Hiện hãng Toyota của Nhật đang xây dựng một nhà máy sản xuất xe hơi tại Saint Petersburg. General Motor và Nissan cũng đã ký hợp đồng với chính phủ Nga để đầu tư vào đây.
Saint Petersburg còn nổi tiếng là “thủ đô bia” của nước Nga khi đóng góp 30% sản lượng bia cả nước. Chất lượng nguồn nước ở đây khá đặc biệt và những người sành điệu cho rằng bia sản xuất từ nguồn nước ngầm bên dưới TP ngon đặc biệt hơn những vùng đất khác.
Hiện Saint Petersburg có 4,8 triệu dân (theo kết quả điều tra dân số năm 2010) và điều đáng chú ý khi 100% dân số sống ở đô thị vì một lẽ duy nhất TP không có vùng nông thôn. Chính vì TP phát triển công nghiệp nên phần lớn dân cư làm việc trong các nhà máy và công trường xây dựng. Ngày nay công nghiệp dịch vụ phát triển mạnh nên cũng có một bộ phận dân số làm việc trong các lĩnh vực dịch vụ. Nhờ các ngành công nghiệp phát triển nên việc làm mới thường xuyên được tạo ra, kéo theo tỷ lệ thất nghiệp ở đây rất thấp, từ 1-2%.
Vượt qua khủng hoảng
Saint Petersburg là một trong những đô thị lớn của châu Âu không phải chịu thiệt hại do khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới. Nhờ việc phân bổ những chính sách ưu tiên hợp lý và kịp thời cắt giảm các khoản chi phí, nền kinh tế TP đã giữ được ổn định trong suốt thời gian khủng hoảng, kể cả thời điểm khủng hoảng nghiêm trọng nhất. Những chỉ số phát triển trong năm 2010 của Saint Peterburg đã tạo cơ sở cho các chuyên gia khẳng định rằng, giai đoạn đình trệ đã qua và nền kinh tế bắt đầu bước vào chu kỳ phát triển mới.
Theo kết quả năm 2010, tổng sản phẩm nội địa của thủ đô phương Bắc Saint Petersburg đã tăng lên 3,5% và đạt đến 36.675.000.000 EUR. Tổng sản phẩm khu vực trên đầu người tăng 2,5% và vượt 7.950 EUR mỗi người. Chỉ số sản xuất công nghiệp, thường được dùng làm căn cứ để đánh giá thành công của khu vực, trong 11 tháng đã tăng so với chỉ số của năm trước 9,4%. Không thể không dẫn ra chỉ số phát triển kinh tế then chốt thứ hai. Khối lượng đầu tư vào vốn cơ bản tăng lên 10,2%, đạt tổng số 5.335.000.000 EUR. Trong đó các công ty đầu tư chủ yếu vào công nghiệp chế biến, giao thông, liên lạc và xây dựng. Lạm phát ở Saint Petersburg không tách biệt với nước Nga nói chung. Trung bình lạm phát giữ ở mức 8%. Tuy vậy, tiền lương của người dân Peterburg (không tính những khoản thu nhập thêm) trong năm 2010 tăng 12% so với năm 2009. Hiện nay mức lương trung bình ở thủ đô phương Bắc là 690 EUR.
Nhìn chung, theo các chuyên gia kinh tế, chỉ một số lĩnh vực, chủ yếu trong phạm vi sản xuất công nghiệp, gặp nhiều khó khăn trong thời gian khủng hoảng. Thành phố đã vượt qua nhiều thách thức nhờ kịp thời cắt giảm chi phí và áp dụng các biện pháp tổng hợp trong kế hoạch chống khủng hoảng của chính quyền Saint Petersburg. Ví dụ như, chi ngân sách hàng năm được điều chỉnh đến 1/4, khoảng 2,5 tỷ EUR đã được hoãn lại cho đến thời điểm thuận lợi. Bên cạnh đó, kế hoạch chống khủng hoảng, sau này được công nhận là tốt nhất ở nước Nga, bao gồm những biện pháp cụ thể và tối cần thiết, đã tính đến tình trạng căng thẳng xã hội, cũng như không để xảy ra sụp đổ khu vực kinh tế hiện tại.
Các nhà doanh nghiệp trẻ cũng được quan tâm với một loạt các biện pháp hỗ trợ. Đó là trích vốn khởi đầu không hoàn lại 7.500 EUR và các chế độ thuế ưu đãi, ứng dụng các thủ tục hoàn thuế được đơn giản hóa, cho vay tín dụng với lãi suất thấp nhất, cho quyền chuộc lại với giá thấp nhất các cơ sở thuê của Nhà nước. Ngoài ra, các doanh nhân mới khởi nghiệp còn được mời đến các “vườn ươm” kinh doanh được thành lập để hỗ trợ những đối tượng này. Một trong số đó là vườn ươm doanh nghiệp của Công viên công nghệ cao Ingria, giúp đỡ các doanh nhân trẻ xây dựng kế hoạch kinh doanh một cách chuyên nghiệp, thu hút nguồn tài chính trong giai đoạn đầu thực hiện dự án, cung cấp chỗ làm việc được trang bị đầy đủ, giúp tìm kiếm người đặt hàng, người ký kết hợp đồng kinh doanh, tiến hành các tư vấn nghề nghiệp.
Một biện pháp nữa đã được chính quyền áp dụng vào cuối năm 2010 nhằm tăng tính cạnh tranh. Vấn đề ở chỗ thị trường hàng hóa nhu yếu phẩm ở Saint Peterburg là mảng thị trường có tính cạnh tranh, nhưng khoảng 75% hàng hóa tập trung trong tay 20-30 mạng lưới kinh doanh lớn, và có hơn 60% thuộc về 5 mạng lưới lớn nhất. Việc tăng cường số lượng chủ thể tham gia ở các phân khúc thị trường quan trọng của Saint Peterburg dẫn đến tăng nhu cầu và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Trong năm 2011, TP sẽ tạo điều kiện tối đa để phát triển các ngành: xe hơi, đóng tàu, thuốc chữa bệnh, chụp X-quang, các lĩnh vực liên quan đến công nghệ thông tin (IT) và kinh tế đô thị.
Ngày 27-5 được xem là ngày thành lập TP Saint Petersburg. Vào ngày này năm 1703, pháo đài Petropavlovski - tòa nhà đầu tiên của TP được động thổ trên đảo Zaichtry ngay cửa sông Neva. Sa hoàng Peter Đại Đế đã đặt tên TP theo tên thánh của mình: Thánh Peter nên có tên Saint Petersburg. Theo truyền thuyết, vào ngày này, sau nghi thức tế lễ, khi Sa hoàng chuẩn bị đào đất thì từ trên cao một con đại bàng bay xuống và đảo vòng tròn quanh đảo. Bước sang một bên, nhà vua cắt hai cành bạch dương và kết chúng lại với nhau rồi đặt vào một cái hố đánh dấu nơi sẽ xây cửa pháo đài tương lai. Con đại bàng sà xuống ngay vị trí cổng pháo đài và nhà vua bước đến ngồi lên vai đại bàng. Truyền thuyết cho rằng đó là điềm báo hạnh phúc. Pháo đài mới đã mở ra luồng đi cho tàu bè dọc theo hai vùng đồng bằng lớn là Neva và Neva Lớn. Năm sau, 1704, để bảo vệ biên giới biển của Nga, một pháo đài khác cũng được xây dựng trên đảo Kotlin với tên gọi Kronstadt. Đối với Sa hoàng, TP mới có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với các tuyến đường hàng hải từ Nga đến Tây Âu. Ở đây, trên đảo Vasilievsky, nhà vua đã xây dựng cảng hàng hóa đầu tiên của Saint Petersburg.
Bước vào thế kỷ 20, Saint Petersburg là chiếc nôi của hai cuộc cách mạng. Cách mạng dân chủ tư sản (1905-1907), đưa nước Nga trở thành nước quân chủ lập hiến và thành lập quốc hội đầu tiên của Nga. Cách mạng XHCN vĩ đại năm 1917 đưa nước Nga bước vào kỷ nguyên mới và trở thành thành trì của Cách mạng XHCN trên toàn thế giới. Vào tháng 8-1914 khi làn sóng chống đối Đức dâng cao do nước Đức phát động chiến tranh chống Nga, TP đã được đổi tên Petrograd. Vẫn mang tên Sa hoàng Peter nhưng dùng hậu tố tiếng Nga chỉ TP là “grad” (trong khi “burg” là hậu tố chỉ TP của tiếng Đức - vì Sa hoàng Peter Đại Đế là người tôn sùng nước Đức nên ông gọi TP của mình là Saint Petersburg). Sau khi V.I. Lenin mất, chính phủ Liên Xô đã đặt tên TP là Leningrad.
Sau khi Liên Xô tan rã, TP được đặt lại theo tên lịch sử hình thành của mình: Saint Petersburg. Tuy nhiên tỉnh Leningrad vẫn còn.
Thành phố được phong tặng danh hiệu “Thành phố anh hùng” sau Chiến tranh thế giới thứ 2 vì tinh thần chiến đấu bất khuất của quân và dân TP. Dù bị phát xít Đức bao vây hơn 900 ngày đêm, dù bị bom đạn tàn phá nhưng TP vẫn hiên ngang.
Theo SGGP