Sách xanh Bình Dương: Cần được nhân rộng trong doanh nghiệp
Bình Dương là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định (14%/năm), góp phần đáp ứng yêu cầu của tiến trình công nghiệp hóa - đô thị hóa. Thế nhưng cũng từ đó, áp lực ô nhiễm môi trường ngày càng tăng lên, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng môi trường tự nhiên mà còn ảnh hưởng đến tiến trình phát triển bền vững của tỉnh. Trước tình thế này, nhiều doanh nghiệp (DN) đã tự xây dựng và thực hiện tốt yêu cầu bảo vệ môi trường (BVMT) trong quá trình sản xuất - kinh doanh.
Những doanh nghiệp Sách xanh
Được thành lập năm 2009, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Petrolimex chuyên sản xuất - kinh doanh các loại sơn, véc-ni và bột trét ma-tít. Công nghệ sản xuất của công ty là quy trình công nghệ xanh, hiện đại được chuyển giao từ châu Âu. Với phương châm “Hướng đến an toàn môi trường sinh thái và sức khỏe người sử dụng”, ông Hoàng Mạnh Hùng, Trưởng phòng Tổ chức hành chính công ty, cho biết để BVMT trong sản xuất, Nhà máy Sơn Petrolimex đã đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng hệ thống xử lý nước thải nhằm bảo đảm chất lượng nước thải đầu ra. Trong khu vực sản xuất, nhà máy cho lắp đặt các quạt hút, chụp hút cục bộ tại các nguồn phát sinh từ các công đoạn sản xuất nhằm bảo đảm chất lượng không khí. Nhờ vậy, môi trường làm việc của công ty không hề ô nhiễm không chỉ đem đến không gian sống, làm việc hiện đại mà còn BVMT sống trong lành.
Bà Võ Thị Ngọc Hạnh, Phó Giám đốc Sở TN-MT tặng bằng khen cho doanh nghiệp đạt tiêu chí Sách xanh
Cũng như Petrolimex, Công ty TNHH Procter & Gamble Việt Nam (P&G) luôn cam kết và thực hiện “Chương trình phát triển bền vững” bằng các biện pháp BVMT như giảm năng lượng và nước tiêu thụ, giảm lượng chất thải phát sinh, giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính CO2 trên từng đơn vị sản phẩm được sản xuất. Ông Lưu Hữu Phước, Chủ tịch Công đoàn, Giám đốc Đối ngoại công ty, cho biết P&G không ngừng cải tiến và phát triển những dòng sản phẩm thân thiện với môi trường như Downy một lần xả hay tã giấy Pamper. Đạt được yêu cầu này, thời gian qua, P&G đã chú trọng đầu tư, lắp đặt dây chuyền có công nghệ hiện đại, tốc độ cao, sử dụng ít năng lượng; xây dựng hệ thống xử lý nước thải riêng biệt, hệ thống xử lý bụi, quản lý chất rắn tuân thủ quy định của Nhà nước đối với việc quản lý môi trường. Ngoài ra, P&G còn thường xuyên huấn luyện cho nhân viên nhận thức và hành động BVMT như tham gia giờ trái đất, trồng cây tạo bóng mát... Ông Phước cho biết thêm sắp tới, P&G sẽ hướng đến mục tiêu “giảm 40% khí thải CO2 vào năm 2012, tiết kiệm năng lượng và nước sử dụng trên một đơn vị sản phẩm”.
Không chỉ thế, 32 DN công ty đạt tiêu chuẩn Sách xanh tỉnh Bình Dương vừa qua đã được các cấp, các ngành ghi nhận, tôn vinh và hơn thế nữa là được quảng bá hình ảnh nhằm từng bước tiến đến nhân rộng để ngày càng có nhiều DN vinh danh thực hiện tốt yêu cầu BVMT được xếp loại màu xanh lá cây.
Cần tiếp tục nhân rộng trong doanh nghiệp
Bà Nguyễn Trình Cao Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVMT, đánh giá để có kết quả này quả là một quy trình chọn lọc khắt khe. Trong số 32 DN đạt tiêu chuẩn màu xanh lá cây, có 97% DN nằm trong các KCN, 25% DN có vốn đầu tư trong nước. Có thể nói, đây là điểm son bởi ngoài sản xuất, các DN này luôn quan tâm chú ý đầu tư rất bài bản về BVMT từ mảng xanh đến công nghệ mới. Ngoài ra, các DN thuộc lĩnh vực chế biến dược phẩm, thiết bị y tế, chế biến thực phẩm, cơ khí, linh kiện, hóa chất, may mặc, điện tử, bao bì... đều đạt yêu cầu BVMT theo các tiêu chí mà UBND tỉnh đã quy định.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Quang Việt, Phó Trưởng ban Quản lý KCN còn phân tích kỹ hơn vì sao tỷ lệ DN trong KCN đạt tiêu chuẩn Sách xanh cao. Ông so sánh, trước đây khi xây dựng KCN, hầu hết các KCN đều tách rời với khu dân cư (KDC), khu dịch vụ (KDV). Tuy nhiên, hiện nay việc xây dựng đã khác, KCN, KDC kể cả KDV phải gắn liền. Điều quan trọng hơn là nhằm tạo mảng xanh cho KCN, hàng năm, Ban Quản lý đều phối hợp Chi cục Kiểm lâm tỉnh phát động Tết trồng cây để nhân rộng số lượng cây xanh ngày càng nhiều. Đến nay, trong 24 KCN với 6.850 ha, Ban Quản lý đã phủ kín 367 ha cây xanh tập trung, hàng trăm ngàn cây xanh phân tán... từng bước tạo cảnh quan, hình thành môi trường xanh, sạch và bảo đảm an sinh xã hội.
Để BVMT và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất công nghiệp gây ra, đây là lần đầu tiên, Bình Dương xây dựng tiêu chí phân hạng Sách xanh; tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động sản xuất - kinh doanh trên địa bàn. Theo bà Võ Thị Ngọc Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, thì việc tôn vinh các DN thực hiện tốt yêu cầu BVMT sẽ được thực hiện hàng năm. Điều này sẽ tạo thành xu hướng, động lực cho nhiều, rất nhiều DN tích cực hơn nữa trong công tác BVMT trong thời gian tới, hướng đến khẳng định thương hiệu của DN trên thương trường, góp phần cho sự phát triển bền vững ở Bình Dương trong tương lai.
Mai Huy - Kim Hà