"Sách đen": bao vây trẻ em: Quá nhiều truyện ma, kinh dị

Thứ tư, ngày 07/07/2010

Sách cho thiếu nhi đang trong tình trạng báo động đỏ khi các loại sách có nội dung không lành mạnh, làm biến tướng các giá trị văn hóa đang thâm nhập càng lúc càng sâu vào đời sống tinh thần của các em. Những hồi chuông cảnh tỉnh về tác hại của những đầu sách không lành mạnh này vẫn chưa phát huy tác dụng.

Không phải đến thời điểm này thể loại truyện ma kinh dị rùng rợn mới được bày bán trên thị trường và cũng không ít lần báo chí đề cập tình trạng này, cơ quan chức năng cũng từng tuyên bố sẽ kiểm tra các đầu sách có nội dung không lành mạnh.

 

Hiện nay, truyện ma kinh dị càng lúc càng nở rộ theo chiều rộng. Truyện ma không còn trên vỉa hè nữa mà đã ngang nhiên nằm trang trọng trên kệ sách của nhiều nhà sách lớn.

 

Máu me, rùng rợn

 

Siêu lợi nhuận từ những cuốn sách ma kinh dị rẻ tiền đã khiến cho một số nhà xuất bản chen nhân nhau cấp phép xuất bản, rồi nhà sách lại trở thành kênh tiếp thị phát hành.

 

Tại nhà sách Nguyễn Văn Cừ, loạt sách Truyện không đọc lúc nửa đêm (NXB Thanh niên) hay bộ truyện ma kinh dị của tác giả Thạch Bất Hoại (NXB Lao động)... chiếm cả một kệ sách ở vị trí rất dễ nhìn thấy.

 

Gần như gian sách này luôn thu hút các độc giả thiếu nhi. Bìa loại sách này cũng đập vào mắt độc giả bằng những hình ảnh rùng rợn, máu me loang lổ, bóng trắng ma quái, tựa truyện rùng rợn kích thích sự tò mò cao độ: Ma khóc giữa rừng khuya, Ma nữ không đầu, Hồn ma trinh nữ, Hồn nàng nhập xác ta, Ma nữ đa tình, Người về từ đáy mộ, Xác ai trong ngày cưới...

 

Tác giả của các đầu sách này cũng “hư ảo” với những cái tên như: Người Khăn Trắng, Người Bất Tử, Hắc Y Nhân...

 

Truyện ma kinh dị được bày bán tràn lan ở các nhà sách đang thu hút đông đảo độc giả nhỏ tuổi

 

Một em học sinh vào nhà sách là đi ngay đến kệ truyện ma “khoe” em rất thường vào đây đọc sách, mỗi ngày đọc một ít và đến nay em đã đọc được gần 10 quyển.

 

Trò chuyện với một độc giả nhí đeo phù hiệu học sinh lớp 6 của một trường THCS tại TPHCM đang say sưa với cuốn Người mọc răng nanh trong nhà sách, em cho biết vì mẹ không cho mua sách này về nhà nên tranh thủ thời gian ngoài giờ vào đây “xem cọp”. Nhưng khi được hỏi đọc sách có thấy hay không, có hiểu được gì không thì em chỉ cười, nói “thấy sách miêu tả gay cấn rùng rợn, thu hút và lại... lạ lắm”, rồi lại chúi mũi vào trang sách.

 

Người lớn đọc còn bị mụ mị...

 

Mỗi cuốn sách luôn có những lời giới thiệu kiểu như “lấy truyện ma để nói chuyện người”, “mục đích mang đến những giá trị văn hóa, giáo dục” nhưng thực tế đây là những cuốn sách độc hại cần bị loại bỏ ra khỏi đời sống văn hóa đọc.

 

Các cuốn truyện ma kinh dị đều đi theo lối mòn chung: Miêu tả những vụ án mạng rùng rợn, cận cảnh những kiểu giết người man rợ với sự miêu tả tỉ mỉ nhằm tạo nỗi khiếp đảm cho người đọc; tiếp sau đó là chuyện làm tình giữa người và ma với nhiều chi tiết tỉ mỉ và kéo dài lê thê với nhiều câu từ thô thiển.

 

Chị P.T.Thủy – một phụ huynh ở Q.8 - TPHCM - kể rằng chị thấy con mua về một chồng sách rồi đọc trong phòng mê say đến bỏ cả ăn. Thấy lạ, chị vào phòng kiểm tra và phát hiện con đang chăm chú đọc những trang sách miêu tả chuyện làm tình giữa ma và người.

 

Chị kiểm tra các cuốn sách còn lại và cảm thấy kinh sợ trước lối miêu tả chuyện giết người tỉ mỉ đến từng chi tiết, rồi chuyện tình dục cũng cận cảnh không thua gì sách sex.

 

“Đọc mấy cuốn sách đó, đầu óc mình còn mụ mị, huống gì là trẻ con. Thật đáng sợ! Sách chỉ kích thích sự tò mò, gieo vào đầu óc con trẻ những hình ảnh không lành mạnh. Không hiểu sao những cuốn sách như vậy lại được xuất bản hợp pháp và bày bán tràn lan trên thị trường” – chị ta thán.

 

Việc phụ huynh  phản ứng bằng cách đốt sách, ngăn cấm con trẻ đọc sách rác cũng chỉ là cách tự vệ  tạm thời khi mà các cuốn sách kiểu này vẫn công khai có mặt trong các nhà sách. Núp dưới hình thức “sách văn học”, các đơn vị liên kết dễ dàng được cấp phép xuất bản và sự lập lờ của các nhà NXB khi cấp phép xuất bản cũng đã tiếp tay một cách có chủ ý để loại sách này ấn hành tràn lan.

 

Có thể nói truyện kinh dị bạo lực cũng là một thứ nọc độc ngấm dần vào trí não của trẻ em, nếu đọc chúng thì hệ lụy cũng nguy hiểm không kém gì các loại văn hóa phẩm đồi trụy khác.

 

Vô trách nhiệm!

 

Truyện kinh dị tự thân nó không mang ý nghĩa tiêu cực, nhiều đầu sách thể loại kinh dị của nước ngoài là những tác phẩm văn học thật sự mang giá trị nhân văn sâu sắc, như: The Ring, Vùng nước hắc ám, Mùi hương, Kỳ án ánh trăng... Còn những cuốn sách kinh dị của Việt Nam kể trên chỉ nên gọi là rác thải văn hóa có thể hủy hoại dần mòn đời sống  tinh thần của các em thiếu nhi.

 

Nhà văn Nguyên Ngọc nhìn nhận: “Sách bạo lực, sách mang nội dung không lành mạnh mà để trẻ con tiếp cận thì hậu quả sẽ rất nguy hiểm. Trẻ con hiếu động, lại chưa thể phân biệt được rạch ròi những giá trị tốt-xấu, truyện bạo lực chỉ làm khô khan tâm hồn thơ trẻ. Người viết phải hết sức thận trọng khi đề cập  vấn đề bạo lực, tình dục trong những cuốn sách có đối tượng độc giả là trẻ em. Viết bừa bãi, lạm dụng những yếu tố đó để câu khách thì chỉ là sự vô trách nhiệm”.

 

THEO NLĐ