Sa Pa - Xứ sương mù tỉnh giấc

Thứ hai, ngày 18/11/2024

(BDO) Khi những dấu chân khai mở của Sun Group tìm đến thị trấn trong sương, đỉnh Fansipan đã trở thành “điểm đến đời người”, Sa Pa lặng lẽ ngày nào giờ như sống lại một thời từng là thị trấn nghỉ dưỡng của người Pháp.

Khi những dấu chân khai mở của Sun Group tìm đến thị trấn trong sương, đỉnh Fansipan đã trở thành “điểm đến đời người”, Sa Pa lặng lẽ ngày nào giờ như sống lại một thời từng là thị trấn nghỉ dưỡng của người Pháp.

Đỉnh Fansipan giờ đây đã không còn là “tấm huy chương” của riêng các phượt thủ dày dặn kinh nghiệm nữa mà đã trở thành “điểm đến đời người”.

Lặng lẽ Sa Pa - những thước phim đã cũ

Thiên nhiên hùng vĩ, thung lũng Mường Hoa với những thửa ruộng bậc thang như tranh vẽ, những ngọn đồi sương giăng, dãy Hoàng Liên Sơn kỳ vĩ giữa biển mây cuộn chảy…, ấy là Sa Pa đẹp đến lay động lòng người.

Nhưng sau gần nửa thế kỷ nhà văn Nguyễn Thành Long sáng tác “Lặng lẽ Sa Pa”, thị trấn trong sương vẫn chưa thôi lặng lẽ. Sa Pa của những năm 2010 vẫn là các nếp nhà sàn phủ khói lam chiều, là những bản làng như Tả Van, Tả Phìn, Lao Chải, Cát Cát… chìm trong sương khói bảng lảng, là những homestay “không sao” và các cơ sở tắm lá người Dao thưa bóng người.

Cáp treo Fansipan - một công trình kỳ vĩ như chính vẻ đẹp hùng tráng ngàn năm của dãy Hoàng Liên.

Trong suốt một thời gian dài, nếu bạn bắt gặp “Sa Pa” trên các mặt báo quốc tế, nó sẽ được mô tả là “một hành trình leo núi để thăm thú cuộc sống của các dân tộc thiểu số” (báo Courrier International, Pháp tháng 8/2004).

Hay tờ Ynet của Israel còn mô tả một khung cảnh gợi ra rất nhiều cảm xúc quen thuộc: “một phụ nữ H'mông mặc đồ đen, đã học được một bài hát thiếu nhi tiếng Do Thái và cứ hát đi hát lại trong niềm hy vọng rằng ông lớn kia sẽ mua cho họ chút gì” (6/2008).

Du khách nước ngoài khám phá bản Cát Cát.

Cho đến những năm 2010, du khách quốc tế đặt chân đến Sa Pa chỉ tiêu trung bình 2 triệu đồng cho cả chuyến du lịch. Ở thời điểm đó, đây đã là mức giá phòng phổ biến cho một ngày đêm bên bờ biển Nha Trang, Hội An hay Đà Nẵng. Thậm chí, mùa hè năm 2015, UBND thị trấn Sa Pa phải huy động… ba trường học trên địa bàn, xếp gọn bàn ghế, trải chăn nệm ra làm chỗ nghỉ tạm cho du khách với mức phí 40.000 đồng/đêm.

Nhưng, đó là Sa Pa của một ký ức đã cũ…

Sa Pa hôm nay - điểm đến đời người

Năm 2016, Sa Pa bừng tỉnh với sự xuất hiện của cáp treo Fansipan - một công trình kỳ vĩ như chính vẻ đẹp hùng tráng ngàn năm của dãy Hoàng Liên.

Với triết lý đứng trên vai những người khổng lồ, Sun Group bắt tay cùng Doppelmayr Garaventa - tập đoàn cáp treo nổi tiếng thế giới của Thụy Sĩ, để tạo nên hệ thống cáp treo đạt kỷ lục Guinness về độ dài và độ chênh giữa ga đi và ga đến. Với cáp treo Fansipan, hành trình hơn 2 ngày tiếp cận đỉnh núi cao nhất Đông Dương giờ chỉ còn 15 phút.

Sa Pa bừng tỉnh với sự xuất hiện của cáp treo Fansipan.

Đỉnh Fansipan giờ đây đã không còn là “tấm huy chương” của riêng các phượt thủ dày dặn kinh nghiệm nữa mà đã trở thành “điểm đến đời người”.

Sau tuyến cáp treo, mọi công trình của Sun Group đầu tư sau đó tại mảnh đất Sa Pa đều là dấu mốc. Tuyến tàu hỏa leo núi Mường Hoa ra mắt năm 2018 là tuyến tàu hỏa núi hiện đại nhất Việt Nam.

Hotel de la Coupole - MGallery đánh dấu lần đầu tiên “thị trấn sương mù” sở hữu một khách sạn 5 sao được World Travel Awards vinh danh “Khách sạn biểu tượng của Thế giới” 2019, 2020.

Đỉnh Fansipan đã trở thành “điểm đến đời người”.

Bản sắc văn hóa dân tộc vùng cao Sa Pa từng đứng trước nỗi lo về sự mai một, nay cũng được gói ghém tinh tế và nâng tầm thành những sản phẩm du lịch cao cấp như show diễn nghệ thuật Vũ điệu trên mây, mùa giải Vó ngựa trên mây, Lễ hội hoa hồng lớn nhất Tây Bắc, cùng những lễ hội suốt 4 mùa… giữa đỉnh trời.

Bằng những trải nghiệm đặc sắc đó, Sun World Fansipan Legend trở thành Điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu Việt Nam và Điểm du lịch văn hóa hấp dẫn hàng đầu thế giới do World Travel Awards bình chọn.

Tiếng tăm của Sa Pa đã vang xa

Du lịch Sa Pa như sao Mai vụt sáng, góp phần không nhỏ thắp lên cả tương lai rộng mở cho kinh tế địa phương và những mảnh đời lam lũ, tạo nên công ăn việc làm ổn định cho gần 10.000 lao động. Điều họ nhận được không chỉ là ổn định về kinh tế, mà còn là nhận thức về phát triển du lịch chuyên nghiệp, đầu tư cho thế hệ mai sau.

Những năm sau này, nếu bắt gặp “Sa Pa” trên các mặt báo quốc tế, nhiều khả năng bạn vẫn sẽ bắt gặp “một hành trình leo núi để thăm thú cuộc sống của các dân tộc thiểu số” - vì văn hóa bản địa và sự hoang sơ của các cộng đồng dân tộc vẫn là tài nguyên quý giá nhất của du lịch Sa Pa.

Để kích cầu du lịch Sa Pa dịp cuối năm, từ ngày 13-15/11/2024, Hiệp hội Du lịch Lào cai phối hợp với UBND thị xã Sa Pa và Sun World Fansipan Legend tổ chức Famtrip "Chạm Sa Pa - Chạm những tầng mây" với sự tham dự của hàng trăm doanh nghiệp lữ hành và nhà báo.

Nhưng nhiều khả năng, bạn cũng có thể bắt gặp những thước hình rất “sang chảnh" về du lịch nghỉ dưỡng, nơi các vị khách đang “chill” trong các khu lưu trú hiện đại, bên hồ bơi, check-in cùng khoảng sân trải dài tầm nhìn xuống thung lũng của khách sạn Hotel de la Coupole MGallery, hoặc tận hưởng những bữa tiệc ẩm thực - thứ sẽ làm giàu cho những người nông dân khắp vùng núi này.

Theo baodautu.vn