Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì nhận Bằng Di tích quốc gia

Thứ hai, ngày 17/09/2012

  Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì (Hà Giang) - di sản văn hóa cấp Quốc gia. Tối 16-9, tại huyện lỵ Hoàng Su Phì, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang đã tổ chức trọng thể Lễ đón nhận Bằng Di tích quốc gia Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì.

Đại diện lãnh đạo một số cơ quan Trung ương, tỉnh, thành trong nước; lãnh đạo các sở, ban, ngành và các huyện thành trong tỉnh và đông đảo nhân dân địa phương tới dự.

Đặc biệt, tham dự Lễ tôn vinh những giá trị văn hóa và sức lao động cần cù sáng tạo của cộng đồng bà con các dân tộc thiểu số đã làm nên Di sản cấp Quốc gia Ruộng bậc thang Hoàng Su phì còn có trên 2.000 người là đại diện của cộng đồng 17 dân tộc anh em cùng chung sống làm ăn ở Hoàng Su Phì.

Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì - Di tích quốc gia là hệ thống ruộng bậc thang trên địa bàn các xã Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Bản Phùng, Hồ Thầu, Nậm Ty, Thông Nguyên. Bà con các dân tộc La Chí, Dao đỏ, Dao áo dài, Nùng là chủ nhân của những thửa ruộng bậc thang trên địa bàn sáu xã nói trên.

Hoàng Su Phì là một trong ba huyện vùng cao núi đất, nằm ở phía Tây tỉnh Hà Giang. Điều kiện tự nhiên không thuận lợi nên đã tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Sản xuất nông nghiệp là chính với người dân các dân tộc trên địa bàn.

Bà con chủ yếu cấy trồng lúa nước trên ruộng bậc thang và canh tác nương rẫy; mang tính phổ biến là nền kinh tế tự cung tự cấp. Trên 60.700 người của 17 dân tộc anh em cùng chung sống, bà con các dân tộc vùng cao ngày nay đang chung sức, lao động cần cù làm thay da đổi thịt cả một vùng đất khó khăn, nghèo khổ.

Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì xuất hiện từ vài ba trăm năm trước. Việc làm nương rẫy, canh tác trên những mảnh đất hẹp bìa rừng, ven sông suối không mang lại nhiều thóc gạo và ngô, người dân địa phương đã tìm đến hình thức canh tác ruộng bậc thang trên các sườn đồi.

Trải qua nhiều thế hệ, con người tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm trong việc canh tác cũng như bảo tồn và phát triển ruộng bậc thang từ các khâu lựa chọn đất, khai phá ruộng, làm bờ ruộng, lấy nước tưới tiêu…

Ngày nay, mỗi năm, ruộng bậc thang đem lại từ 25.000-27.000 tấn thóc; trên 3.000ha đậu tương và hàng nghìn ha ngô, đậu các loại khác làm tăng tổng sản lượng lương thực của địa phương đạt con số từ 37-38.000 tấn. Ruộng bậc thang góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh lương thực cho trên 60.000 người dân trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì.

Ruộng bậc thang, một hình thức canh tác mang đặc trưng riêng của đồng bào vùng cao trong khu vực Đông Nam Á. Ruộng bậc thang Hoàng Su phì ở Hà Giang nói riêng hay ở một số địa phương vùng cao phía Bắc Việt Nam nói chung mang ý nghĩa lịch sử, minh chứng rõ nét nhất về lịch sử định cư lâu đời và tập quán lao động sản xuất nông nghiệp của bà con các dân tộc thiểu số trong vùng.

Giá trị văn hóa của ruộng bậc thang được thể hiện ở kinh nghiệm canh tác, tập quán sản xuất, hình thành các thửa ruộng bậc thang của mỗi dân tộc in đậm những nét đặc trưng khác nhau, tạo nên văn hóa canh tác trên ruộng bậc thang của cộng đồng bà con các dân tộc.

Ruộng bậc thang còn mang lại giá trị cảnh quan mà không phải là kết quả lao động trong một thời gian nhất định là có được. Những thửa ruộng bậc thang là một bức tranh kỳ vĩ, một vẻ đẹp hoang sơ trên nền không gian thiên nhiên hùng vĩ của núi đồi vùng cao. Ruộng bậc thang, một bức tranh thiên nhiên đẹp có giá trị phát triển du lịch bền vững.

Thừa ủy quyền Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang Đàm Văn Bông đã trao Bằng Di tích quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì cho đại diện lãnh đạo chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Hoàng Su Phì.

Nhân dịp này, huyện Hoàng Su Phì đã tổ chức ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc, giới thiệu với cộng đồng, du khách gần xa về những sinh hoạt văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc trên địa bàn trong canh tác sản xuất nông nghiệp, thờ cúng thần linh, lấy vợ, lấy chồng…, khát vọng về một ngày mai tuơi sáng trên quê hương của ruộng bậc thang.

Theo TTXVN