Rục rịch chạy trường cho con
(BDO)
Vừa chuẩn bị kết thúc năm học 2015-2016, một số phụ huynh đã lo tìm trường cho con vào năm học mới 2016- 2017. Mấy năm nay, dù ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) đã phân tuyến tuyển sinh theo địa bàn, nhưng tình trạng chạy trường qua hình thức chạy hộ khẩu vẫn ngấm ngầm diễn ra, gây không ít khó khăn cho ngành.
Để tránh tình trạng chạy trường, theo quy định của Phòng GD-ĐT, tất cả HS dự tuyển vào các cấp học phải có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn trên địa bàn TP.TDM. Các hội đồng tuyển sinh của trường có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu sự chính xác và hợp lệ của học bạ, khai sinh, hộ khẩu trước khi nhận hồ sơ dự tuyển của HS. |
Năm học tới con anh T. sẽ vào lớp 1. Anh T. có hộ khẩu thường trú tại phường Phú Thọ, TP.TDM, nhưng anh muốn tìm một trường tiểu học ở địa bàn khác để cho con theo học. Lý do anh T. đưa ra là, anh có nhu cầu cho con học bán trú, trong khi đó các trường tiểu học ở địa phương không có loại hình trường này. Vì thế, chưa bước vào hè anh đã chạy đôn chạy đáo, tìm các mối quan hệ quen biết để tìm trường cho con, nhưng xem ra khó khả thi, do các trường chỉ nhận học sinh theo địa bàn cư trú. Tương tự, một phụ huynh có hộ khẩu thường trú ở TX.Bến Cát, vì muốn cho con học trường có chất lượng, phụ huynh này đã nhập nhờ hộ khẩu cả 2 mẹ con vào phường Hiệp Thành, TP.TDM.
Cho con em học trường bán trú là nhu cầu có thật và rất chính đáng của phụ huynh học sinh (HS). Với nhịp sống hối hả, bận rộn như bây giờ, phụ huynh ít có thời gian kiểm tra việc học của con. Các em học cả ngày ở trường, phụ huynh sẽ yên tâm hơn. Với những trường dạy 2 buổi, chất lượng giáo dục cũng sẽ tăng lên. Đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và theo yêu cầu nâng cao chất lượng, hiện nay nhiều trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức dạy bán trú, dạy 2 buổi/ ngày. Số trường bán trú tăng hàng năm, nhưng do số HS cũng tăng cao, nhất là các địa bàn: TP.TDM, TX.Thuận An, TX.Dĩ An và TX.Bến Cát nên các trường tiểu học không thể đáp ứng được nhu cầu của tất cả phụ huynh. Có trường phải cắt giảm lớp bán trú để đủ bố trí lớp học cho HS. Từ đây đã phát sinh tình trạng HS từ địa bàn này chạy sang địa bàn khác, phổ biến nhất là tình trạng nhập hộ khẩu nhờ.
Chất lượng giáo dục ở trường Tiểu học Hiệp Thành phát triển ổn định, được phụ huynh tin tưởng (ảnh minh họa). Ảnh: A.SÁNG
Hiện nay, với việc dễ dàng nhập hộ khẩu, phụ huynh đã tìm cách nhập hộ khẩu vào gia đình người thân, bạn bè ở những xã, phường có trường họ muốn cho con vào học. Cũng vì tình trạng này đã gây không ít khó khăn cho các trường tiểu học trong những mùa tuyển sinh. Có năm địa phương thống kê số HS là người địa phương không nhiều, nhưng giờ chót phụ huynh đưa con đến xin nhập học, buộc các trường phải nhận, đa số những trường hợp này là chạy hộ khẩu. Hiệu trưởng của một trường tiểu học trên địa bàn TP.TDM, cho biết năm học trước số HS thực tế ra lớp so với số thống kê chênh lệch gần 40 em. Những trường hợp phát sinh đa số là mới nhập hộ khẩu về địa bàn phường. Dù biết rằng chạy hộ khẩu, nhưng trường vẫn phải nhận và gặp khó khăn trong việc bố trí chỗ học cho số HS tăng thêm.
Ông Nguyễn Hữu Phước, Trưởng phòng GD-ĐT TP.TDM, cho biết để hoạt động tuyển sinh được ổn định, phòng chỉ đạo các trường thực hiện thống nhất tuyển sinh các lớp đầu cấp bằng phương thức xét tuyển theo địa bàn cư trú. Thực hiện xét tuyển 100% trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo, 100% HS 6 tuổi vào lớp 1, 100% HS đã hoàn thành chương trình tiểu học vào học lớp 6 ở các trường công lập, Phòng GD-ĐT yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc quy định địa bàn để bảo đảm kế hoạch phổ cập giáo dục của địa phương. Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm nếu tuyển sinh sai quy định. Đối với các phường có nhiều trường cùng cấp học, thì hiệu trưởng phối hợp, tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch tuyển sinh theo khu phố phù hợp nhu cầu phát triển của nhà trường và tình hình thực tế trên địa bàn phường, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho HS đến trường.
H.THÁI