Rubella nguy hiểm với phụ nữ mang thai

Thứ hai, ngày 18/07/2011

Hiện nay, tình trạng sốt phát ban do vi-rút Rubella đang lây lan rộng trong cộng đồng, khiến số người nhập viện ngày càng tăng. Điều đáng nói, ngày càng nhiều thai phụ mắc bệnh do Rubella.

  Tiêm phòng trước thời kỳ mang thai là biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa

Bệnh Rubella còn có tên là bệnh Rubêôn, do vi-rút RNA thuộc nhóm Togavirus gây ra, còn gọi là bệnh sởi Đức. Rubella có đặc điểm là hay gây thành dịch và phát ban giống sởi. Mặc dù là bệnh lành tính nhưng lại nguy hiểm cho phụ nữ có thai nhất là vào 3 tháng đầu vì gây ra các dị tật bẩm sinh cho thai nhi.

Những biểu hiện lâm sàng của bệnh

Biểu hiện trẻ em phát ban bắt đầu trên mặt sau đó lan ra khắp cơ thể, còn người lớn, trẻ lớn có sốt nhẹ sưng hạch sau tai, cổ và viêm đường hô hấp trước khi phát ban. Còn phụ nữ thường có đau cứng khớp ngón tay, cổ tay, khớp gối, thường kéo dài cả tháng, hơn 1/2 những người nhiễm vi-rút Rubella không có triệu chứng kể trên.

Phát ban Rubella giống phát ban sởi chỉ phân biệt qua xét nghiệm máu chuyên biệt.

Bệnh này có thời gian lây 1 tuần trước và 1 tuần sau khi phát ban

Nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi, khi thai phụ mắc Rubella

Bác sĩ Trần Thanh Sang, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bán công Phụ sản - Nhi Bình Dương cho biết, nguyên nhân nhiều thai phụ mắc bệnh Rubella chủ yếu do chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh. Mặt khác, năm nay thời tiết bất thường, độ ẩm cao, mưa sớm, môi trường ô nhiễm... thuận lợi cho vi-rút gây bệnh phát triển mạnh. Hơn nữa, phụ nữ mang thai sức đề kháng kém, cơ thể thường mệt mỏi nên dễ mắc bệnh. Phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh sẽ rất nguy hiểm bởi dễ gây biến chứng cho cả mẹ (hư thai, sinh non) lẫn thai nhi, dẫn đến “Hội chứng Rubella bẩm sinh” ở trẻ. Cụ thể, trong 3 tháng đầu thai kỳ thì tỷ lệ ảnh hưởng đến thai nhi lên đến 90%, những bé mắc Rubella bẩm sinh dễ gặp các biến chứng nặng như bại não, tổn thương phổi, mù mắt... Trẻ bị nhiễm Rubella trước khi sinh có nguy cơ bị một hoặc nhiều dị tật, bệnh lý bẩm sinh như: hở hẹp van tim, tồn tại ống thông tim hoặc động mạch, đục thủy tinh thể, điếc, các dị tật về xương dài, bại não, dị dạng ở não, phổi, cơ khớp, mắt, chậm phát triển về tâm thần, thể lực, có vấn đề ở gan, lá lách...

Cách phòng bệnh

Để dự phòng chủ động Rubella, tốt nhất là tiêm phòng vắc-xin. Đối với trẻ em, tiêm phòng một mũi từ 12 - 15 tháng tuổi, mũi hai vào lúc trẻ 4 - 6 tuổi, hoặc 2 mũi cách nhau tối thiểu 28 ngày. Người lớn nếu chưa từng mắc Rubella cũng nên được tiêm chủng, nhất là phụ nữ ở độ tuổi mang thai. Với phụ nữ, trước khi có ý định mang thai, tốt nhất nên tiêm ngừa Rubella. Thời điểm tiêm phòng trước khi thụ thai ít nhất là 28 ngày, tốt nhất trước 3 tháng. Tiêm phòng trước thời kỳ mang thai là biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa bệnh cho mẹ lẫn con.

Ngoài ra, bác sĩ Sang khuyến cáo, bệnh do Rubella dễ lây lan, nên trong quá trình mang thai các thai phụ nên thường xuyên khám và theo dõi thai định kỳ tại các cơ sở y tế để được tư vấn, hướng dẫn hợp lý và phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường cho thai nhi. Để biết có bị nhiễm vi-rút Rubella hay không, thai phụ phải làm xét nghiệm máu, để định lượng các kháng thể Rubella trong máu. Đặc biệt, khi mắc bệnh, thai phụ không được tự ý dùng thuốc để điều trị, việc làm này hết sức nguy hại đến tính mạng cho cả mẹ và con, gây khó khăn cho quá trình điều trị. Hiện nay, bệnh do Rubella chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên khi mắc bệnh, bệnh nhân cần chú ý tăng cường dinh dưỡng để tăng năng lượng, tăng sức đề kháng cho cơ thể, tránh gió, tránh nhiễm lạnh. Giữ gìn vệ sinh để tránh bội nhiễm, điều trị triệu chứng bằng bổ sung vitamine, bù điện giải, nghỉ ngơi. Rubella lây truyền qua đường hô hấp nên cần hạn chế tiếp xúc nơi đông người, nếu tiếp xúc nên đeo khẩu trang.

Trước khi có dự định mang thai, bạn nên đi tiêm phòng Rubella. Bác sĩ khuyến cáo rằng, việc tiêm phòng Rubella khi mang thai bị chống chỉ định. Bởi vì, vắc-xin phòng Rubella chứa nhiều vi-rút sống, giảm độc lực nhưng có khả năng gây bệnh cho thai nhi. Sau khi tiêm, bạn nên chờ 1 - 3 tháng rồi mới mang thai. Nếu bạn mang thai mà chưa tiêm phòng Rubella, bạn nên cách ly đặc biệt với người mắc Rubella, nhất là trong 16 tuần đầu của thai kỳ. Bạn cũng nên tránh tiếp xúc với đồng nghiệp có dấu hiệu nghi nhiễm Rubella và tránh đi tới những địa điểm đang có dịch Rubella. Hỏi ý kiến bác sĩ, nếu muốn tiêm phòng Rubella trong lần mang thai. Nếu chẳng may tiếp xúc với người mắc Rubella, bạn nên đi khám bác sĩ ngay lập tức. Bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm, chẩn đoán xem bạn có lây nhiễm Rubella hay không. Bạn cũng nên tăng cường giữ sức khỏe chung bằng cách: ăn uống đủ dinh dưỡng, mặc ấm và sống trong môi trường an toàn, lành mạnh vì Rubella rất dễ lây lan qua đường hô hấp.

 Thoại Phương