Rubella - nguy hiểm cho phụ nữ mang thai

Thứ ba, ngày 07/06/2011

4 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh ghi nhận có 66 ca mắc sốt phát ban, trong đó 20 ca dương tính với Rubella. Rubella là một bệnh sốt phát ban lành tính không nguy hiểm với người lớn và trẻ em nhưng nó đặc biệt có hại với phụ nữ mang thai bởi Hội chứng Rubella (CRS)  bẩm sinh.

Nguy hiểm cho thai phụ

Sau mấy ngày bị sốt; bác sĩ xét nghiệm và phát hiện chị N.T.H bị nhiễm Rubella, trong khi chị đang mang thai được 8 tuần. Bác sĩ hướng dẫn chị H. đến bệnh viện chuyên khoa sản để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn. Tại đây, bác sĩ chuyên khoa sản khuyên chị H. bỏ thai vì tuổi thai còn quá nhỏ, nếu đứa trẻ sinh ra thì tỷ lệ mắc CRS rất cao. Đây sẽ là gánh nặng cho gia đình và xã hội. 

 Phụ nữ nên tiêm ngừa Rubella ít nhất 3 tháng trước khi mang thai để sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh

Giống như chị H., chị L.M.L mang thai được 10 tuần và cũng bị mắc bệnh Rubella. Vì đây là đứa con đầu lòng và là cháu đích tôn nên chị L. khóc hết nước mắt. Nhưng cuối cùng đành bỏ vì không thể nuôi. Chị L. chia sẻ: “Mình nghe nói nhiều nhưng cứ chủ quan. Giờ bị nhiễm bệnh rồi mới hối hận”. Bác sĩ Quách Hoàng Mỹ, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh và vắc-xin thuộc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Bệnh Rubella là một bệnh phát ban lành tính không nguy hiểm cho người lớn và trẻ em, tuy nhiên cực kỳ nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai. Tuổi thai càng nhỏ thì tỷ lệ bị CRS càng cao. Cụ thể, 90% trẻ bị CRS từ người mẹ mắc bệnh Rubella trong 3 tháng đầu của thai kỳ; từ 10 - 20% bị CRS từ người mẹ mắc bệnh Rubella vào tuần thứ 16 của thai kỳ; và từ tuần thứ 20 của thai kỳ trở đi thì hiếm có trường hợp bị CRS. Vì vậy, đối với những thai có tuổi tuần nhỏ hầu như bác sĩ khuyên bỏ.

Bác sĩ Mỹ cũng cho biết, 4 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 66 ca mắc sốt phát ban, trong đó có 20 ca dương tính với Rubella, trong đó có 9 ca người lớn và 11 ca trẻ em. Qua số liệu cho thấy, tỷ lệ mắc Rubella của tỉnh khá cao.

Phòng chống bệnh Rubella

Triệu chứng lâm sàng của Rubella gồm: Tiền triệu (trước khi phát ban 1 -  7 ngày); mệt mỏi, đau đầu, sốt, viêm kết mạc nhẹ và sưng hạch; triệu chứng về hô hấp rất nhẹ hoặc không có; ở trẻ em, phát ban có thể là biểu hiện đầu tiên của bệnh; nổi ban; ban bắt đầu mọc ở trán, mặt và lan xuống lưng và các chi; ban dạng dát sẩn nhỏ, màu sáng hơn so với ban sởi nhưng có thể kết hợp thành quầng đỏ, rộng; ban tồn tại từ 1 - 5 ngày, nhưng hay gặp nhất là 3 ngày (sởi 3 ngày); sưng và đau các khớp cổ tay, khớp gối, ngón tay không phải lúc nào cũng xảy ra, nếu có thì biểu hiện rõ nhất trong giai đoạn phát ban và kéo dài từ 1 - 14 ngày sau khi các biểu hiện khác của Rubella mất đi; một năm sau có thể tái phát lại; đau tinh hoàn ở người trẻ tuổi đôi khi được thông báo.

Theo bác sĩ Mỹ, cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm vắc-xin ở những người chưa mắc bệnh Rubella. Ngoài ra, cần nâng cao sức đề kháng cơ thể bằng chế độ ăn uống điều độ, dùng thêm vi chất như nước cam, chanh... Ở phụ nữ cần lưu ý, sau khi tiêm ngừa ít nhất 3 tháng mới được có thai.

THU THẢO