Rùa hồ Gươm được đưa lên cạn
50 người, trong đó có cả đặc công nước, quây bắt Rùa hồ Gươm chiều nay. Sau vài giờ, cụ Rùa được lùa vào một lồng thép và dắt về gò Rùa ở giữa hồ để đưa lên cạn điều trị các vết thương.
Từ sáng, trong điều kiện thời tiết nắng đẹp và gió nhẹ, các công nhân của tập đoàn KAT và đặc công nước Hà Nội thử việc giăng lưới lớn và lồng sắt nhỏ để chuẩn bị cho việc rước cụ Rùa lên cạn chữa bệnh.
Đến 15 giờ, các công nhân trên hai chiếc thuyền nhỏ ở trên hồ đã xác định được vị trí Rùa nhờ các sủi tăm trên mặt nước.
Theo quan sát của phóng viên, Rùa được dồn vào trong phạm vi của chiếc lưới lớn, mặt nước trong lưới rộng khoảng 200 mét vuông. Các công nhân tham gia quây bắt - khoảng 50 người ở dưới lòng hồ - tìm cách đưa một chiếc lồng hình hộp chữ nhật làm bằng khung sắt và lưới thép xuống nước.
Chiếc lồng này sẽ là nơi cụ Rùa được lùa từ lưới vào.
Trong vòng một giờ sau đó, các công nhân khép dần diện tích lưới, còn lại một khoảng rộng chừng 20 mét vuông, bên trong có Rùa. Có lúc, cụ thoát ra khỏi túi lưới nhỏ, nhưng lại được đưa vào.
Khoảng 16h30, cụ Rùa đã được lùa vào bên trong chiếc lồng thép sơn xanh. Lồng được móc vào hai chiếc thuyền để kéo về phía gò Rùa. Những người ngồi trên thuyền kéo Rùa vào gò tỏ ra rất phấn khởi, vừa chèo thuyền vừa hát vang.
Khi đến gò, cụ Rùa được chuyển từ lồng thép sang bể chuyên dụng, nơi được mệnh danh là "bệnh viện rùa".
Hàng nghìn người dân đã đổ ra bờ hồ Gươm để xem diễn tập và quá trình quây bắt Rùa hôm nay.
Bác Nguyễn Trung Kiên ở phố Minh Khai, Hà Nội, nói: "Mời được cụ Rùa lên là chuyện đáng mừng rồi, cho dù việc này đáng ra nên làm sớm hơn, từ cách đây mấy tháng".
Điều trị và dưỡng thương
Ông Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Hà Nội, cho biết các lực lượng đã diễn tập ba lần kể cả lần sáng nay. "Sau khi thấy các lần diễn tập đều đã thành thục, chúng tôi quyết định tiến hành quây bắt cụ Rùa hồ Gươm hôm nay", ông Rao nói.
Đây là lần thứ hai, các dụng cụ đánh bắt được đưa đến hồ Gươm để quây bắt rùa. Lần đầu tiên diễn ra ngày 8-3 không thành do Rùa làm thủng lưới phi thân ra ngoài.
Một "bệnh viện" cho Rùa đã được dựng lên tại gò Rùa ở giữa hồ. Một bể lớn khác, rộng hàng trăm mét vuông làm bằng tôn, cũng đang được thi công dành làm nơi điều dưỡng rùa sau điều trị.
Quyết định quây bắt Rùa hồ Gươm được đưa ra từ tháng hai, sau nhiều lần Rùa nổi lên mặt nước với các vết thương tích trên mai, chân và cổ.
Chính quyền thành phố Hà Nội đã lập một Ban chỉ đạo đặc biệt nhằm cứu rùa hồ Gươm, gồm các quan chức ngành Khoa học công nghệ, Nông nghiệp, thú y và chuyên gia về loài động vật này.
Theo ban chỉ đạo, dự kiến sau thời gian chữa trị các vết thương, cụ Rùa sẽ được chăm sóc và theo dõi. Tổng thời gian cho cả hai quá trình này có thể từ hai tháng đến hai năm.
Rùa hồ Gươm luôn thu hút sự chú ý đặc biệt của công chúng, nhất là những người ở Hà Nội. Rùa gắn với truyền thuyết vua Lê Lợi trả gươm thần cho thần kim quy sau khi dẹp tan giặc ngoại xâm, thể hiện khát vọng hoà bình của dân tộc.
Rùa hồ Gươm cũng được cho là một trong những cá thể ít ỏi còn sót lại của loài này trên thế giới. Theo Tổ chức bảo tồn Conservation International, chỉ có 4 cá thể này trên toàn cầu gồm hai ở Việt Nam và hai ở Trung Quốc. Một số nhà khoa học Việt Nam thậm chí cho rằng rùa hồ Gươm là loài độc nhất và rất hiếm cần được bảo tồn.
Bên cạnh việc trị thương cho Rùa hồ Gươm, thành phố Hà Nội tiến hành các biện pháp cải tạo môi trường hồ như nạo vét, bơm thêm nước, tuyên truyền để người dân không thả rùa tai đỏ - loài vật xâm lấn - xuống hồ.
Theo VNE