Ròng rã nấu cơm phục vụ lực lượng tại các chốt trực phòng, chống dịch

Thứ ba, ngày 31/08/2021

(BDO) Trung bình mỗi ngày, anh Tiêu Đình Tiến Đạt, chủ một quán ăn trên địa bàn phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một bỏ ra 12 triệu đồng nấu cơm cho toàn bộ các chốt trực trên địa bàn phường và thực hiện xuyên suốt 3 tháng nay.


Lực lượng bếp ăn của anh Tiêu Đình Tiến Đạt giao suất ăn ngày 3 bữa cho lực lượng chốt trực trên địa bàn phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một

Để chăm lo ngày 3 bữa ăn cho nhiều lực lượng như dân quân, dân phòng, công an đang làm nhiệm vụ ngày đêm bảo vệ các chốt trực phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn phường, anh Tiêu Đình Tiến Đạt không chỉ thức khuya dậy sớm, mà còn huy động thêm 10 người phụ việc cùng tham gia bếp ăn của gia đình. “Sáng sớm bếp ăn chúng tôi phải phục vụ trung bình khoảng 150 suất ăn, cà phê rồi chất lên xe đưa đến từng chốt trực. Qua đó, nắm lại quân số mỗi ngày tăng bao nhiêu người để chuẩn bị gấp cho bữa cơm trưa, chiều. Kết thúc công việc mỗi ngày thường là 21 giờ”, anh Đạt chia sẻ.

Nói về công việc ý nghĩa này, anh Đạt cho biết, khi dịch bệnh xảy ra, hàng hàng ngàn người trong và ngoài tỉnh cùng chung tay, góp sức đẩy lùi dịch bệnh. Người thì đóng góp lương thực, thực phẩm giúp công nhân, người lao động khó khăn. Người khác đóng góp xây dựng bệnh viện, trang thiết bị y tế. Riêng tôi chọn cách làm khác, đó là chăm sóc lực lượng chốt trực. Bởi lực lượng này tham gia công tác mỗi tháng chỉ nhận được vài triệu đồng tiền lương, phải đối mặt rất nhiều hiểm nguy, dầm mua, nắng suốt ngày trên đường. Trong đó, tôi cũng biết có nhiều đồng chí rất khó khăn. Vì thế, việc chăm lo cho họ ngày 3 bữa ăn là hết sức cần thiết.


Gia đình anh Đạt chuẩn bị hàng chục tấn gạo cấp phát cho người ở trọ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn

Những ngày gần đây, khi quân số số các chốt trực tăng lên, do lệnh thực hiện giãn cách nghiêm hơn, cũng đồng nghĩa bếp ăn của anh Đạt phải tuyển thêm người làm. Không ít sinh viên Trường Đại học Thủ Dầu Một ở gần bếp ăn cũng tham gia tình nguyện, phụ anh Đạt một tay. “Có nhiều bạn sinh viên rất nhiệt huyết, ngày nào 4 giờ sáng cũng đã có mặt tại bếp để chuẩn bị nấu nướng. Các bạn cũng khó khăn khi dịch bệnh xảy ra, nên hàng tháng tôi cũng trích một phần kinh phí giúp đỡ để các bạn có chi tiêu, cùng góp sức vượt qua đại dịch”, anh Đạt tâm sự.

Trong thời gian này, việc cung ứng hàng hóa, lượng thực gặp nhiều khó khăn nhưng bù lại anh Đạt có nhiều năm kinh doanh quán ăn, nên cũng xoay sở được các thực phẩm ngon để phục vụ bữa ăn ngon miệng cho lực lượng, đảm bảo đủ dinh dưỡng cho các anh có sức khỏe bảo vệ chốt. Anh Đạt cho biết: “Lúc đầu mình định bỏ ra 500 hoặc 700 triệu đồng nhưng do dịch bệnh kéo dài, đến nay đã vượt mức chi khoảng 1 tỷ đồng, đó là chưa tính quán chúng tôi đã nhập về hàng chục tấn gạo, rau, củ, quả để giúp cho nhiều lao động nghèo ở các phường trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một. Gia đình tôi cố gắng bảo đảm bữa ăn cho lực lượng đến khi hết dịch. Nếu lúc nào đó gặp khó khăn tài chính, tôi vẫn còn đó nhiều anh chị, bạn bè thân quen sẵn sàng trợ giúp. Tuy nhiên lúc này chúng tôi vẫn đang tự xoay được, chưa cần phải lên tiếng”.

Có thể nói, việc làm ý nghĩa của gia đình anh Đạt, không chỉ tiếp sức cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh, mà còn phát huy tinh thần tương thân, tương ái vốn có của người dân đất Thủ.

Quang Tám